Cuộc nội chiến đưa Nhật Hoàng thâu tóm toàn bộ quyền lực sau 700 năm làm "bù nhìn"

Sự xuất hiện của Đô đốc Matthew Perry và những con tàu pháo sơn màu đen của Mỹ ở cảng Edo, Nhật Bản đã tạo ra một chuỗi những sự kiện không thể đoán định, đặc biệt là cuộc nội chiến đánh dấu việc Nhật Hoàng lần đầu nắm quyền trở lại sau hàng trăm năm.

Đội tàu sơn màu đen do Đô đốc Mỹ Matthew Perry chỉ huy đóng vai trò buộc Nhật Bản phải mở cửa sau 250 năm.

Đội tàu sơn màu đen do Đô đốc Mỹ Matthew Perry chỉ huy đóng vai trò buộc Nhật Bản phải mở cửa sau 250 năm.

Ngày 8/7/1853, Đô đốc Matthew Perry chỉ huy 4 tàu cập cảng tại Vịnh Tokyo, lần đầu tiên tìm cách thiết lập lại hoạt động thương mại và buộc Nhật Bản tiếp xúc với thế giới phương Tây sau hơn 200 năm đóng cửa, hạn chế giao thương với bên ngoài.

Sự can thiệp của người Mỹ

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, giữa thế kỷ 19, Mỹ đã sáp nhập vùng California từ tay Mexico. Điều này giúp Mỹ sở hữu cảng biển kết nối với Thái Bình Dương, mở ra hoạt động giao thương giữa Bắc Mỹ và châu Á.

Thương nhân Mỹ đi tàu hơi dùng đầu máy hơi nước qua Thái Bình Dương để tới Trung Quốc cần nơi nghỉ chân, tiếp thêm than. Vị trí địa lý chiến lược và tin đồn về việc Nhật Bản có nguồn dự trữ than dồi dào đã khiến Mỹ quan tâm tới việc thúc đẩy ảnh hưởng ở Nhật.

Nhật Bản giai đoạn này đã trải qua 250 năm hòa bình dưới sự cai trị của gia tộc Tokugawa - gia tộc đã nắm lấy quyền lực sau khi người thống nhất Nhật Bản, Totoyomi Hideyoshi đột ngột qua đời năm 1598.

Do sản xuất nông nghiệp tụt hậu so với các lĩnh vực thương mại và giao thương, các samurai và lãnh chúa trung thành với nhà Tokugawa không còn được đánh giá cao bằng tầng lớp thương nhân. Bất chấp những nỗ lực cải cách tài chính, sự phản đối ngày càng gia tăng đã làm suy yếu quyền lực của nhà Tokugawa. Nạn đói kéo dài nhiều năm dẫn đến các cuộc nổi dậy của nông dân gia tăng.

Đô đốc Mỹ Matthew Perry là người đã sử dụng chiến thuật "ngoại giao pháo hạm", buộc nhà Tokugawa phải mở cửa đón các thương nhân phương Tây, nếu không các tàu Mỹ sẽ nã pháo vào các thành phố ven biển, bao gồm Edo.

Nhật Bản giai đoạn Chiến tranh Mậu Thìn vẫn duy trì lối tư duy truyền thống, chú trọng vào các samurai mang theo kiếm. 

Nhật Bản giai đoạn Chiến tranh Mậu Thìn vẫn duy trì lối tư duy truyền thống, chú trọng vào các samurai mang theo kiếm. 

Chứng kiến việc nhà Tokugawa ký một loạt các "hiệp ước bất bình đẳng" và việc Nhật Bản bị phương Tây chèn ép, hai gia tộc quyền lực là Choshu và Satsuma đã âm thầm tập hợp lực lượng để tiến hành đảo chính. Hai gia tộc này tuyên bố hành động để "khôi phục quyền lực hoàng gia", trong đó đưa Nhật Hoàng Minh Trị lên nắm quyền. Minh Trị năm đó mới 14 tuổi.

Để nhượng bộ, Tokugawa Yoshinobu, shogun (tướng quân) nắm quyền lãnh đạo khi đó, chấp nhận ký sắc lệnh trao lại quyền lực cho Nhật Hoàng, với hi vọng bảo toàn ảnh hưởng của nhà Tokugawa trong chính quyền mới.

Nhưng phe Satsuma và Choshu đã thuyết phục Nhật Hoàng ra sắc lệnh giải tán, cấm nhà Tokugawa can thiệp vào chính trị. Điều này đã khiến cuộc nội chiến Mậu Thìn (1868 - 1869) bùng nổ.

Nội chiến Mậu Thìn

Ngày 27/1/1868, 15.000 quân trung thành với Tokugawa Yoshinobu, chủ yếu thành phần là các samurai, tấn công quân Satsuma và Choshu ở cổng phía nam kinh đô Kyoto. Quân Satsuma và Choshu chỉ có 5.000 người, nhưng được trang bị súng trường kiểu phương Tây, pháo và đặc biệt là súng nòng xoay Gatling.

Sau hai ngày giao tranh ác liệt, tổn thất của phe Tokugawa lớn gấp 3 lần phe Nhật Hoàng và buộc phải rút lui. Một số lãnh chúa nhân cơ hội này đã đổi phe, quay sang hậu thuẫn Nhật Hoàng.

Ngày 7/2/1868, Tokugawa Yoshinobu chấp nhận bỏ thành Osaka trước đà tiến công của phe Nhật Hoàng và đành rút về Edo (nay là Tokyo).

Trên mặt trận ngoại giao, các đại sứ nước ngoài tập trung ở cảng Hyogo (ngày nay là Kobe), ra một bản thông cáo coi nhà Tokugawa vẫn là thế lực lãnh đạo chính quyền hợp pháp ở Nhật. Tuy vậy, vài ngày sau một phái đoàn của Hoàng gia tới gặp các công sứ tuyên bố rằng chính quyền do nhà Tokugawa lãnh đạo đã bị giải thể, các cảng biển sẽ được mở phù hợp với các Hiệp ước quốc tế và người nước ngoài sẽ được bảo vệ. Các đại sứ cuối cùng công nhận chính quyền mới do Nhật Hoàng đứng đầu.

Phe thúc đẩy cải cách xuất phát từ phía nam cuối cùng đã đánh bại phe shogun, đưa Nhật Hoàng nắm quyền trở lại.

Phe thúc đẩy cải cách xuất phát từ phía nam cuối cùng đã đánh bại phe shogun, đưa Nhật Hoàng nắm quyền trở lại.

Pháp là một trong số ít quốc gia phương Tây còn hậu thuẫn nhà Tokugawa. Leon Roches, Đại sứ Pháp khi đó, nêu giải pháp để quân Tokugawa chặn quân Nhật Hoàng ở Odawaara, cửa ngõ chiến lược kết nối tới thành Edo.

Tuy nhiên, Tokugawa Yoshinobu vì quá tự tin vào bản thân, đã khước từ kế hoạch này, khiến Đại sứ Pháp bị sốc và tuyên bố từ chức.

Đến tháng 3/1868, các nước phương Tây đạt thỏa thuận không can thiệp vào cuộc nội chiến Mậu Thìn ở Nhật. Lúc này, quân Nhật Hoàng, gồm lực lượng của 3 gia tộc Tosa, Satsuma và Choshu đã chia 3 ngả tiến về Edo, thông qua Hokurikudo, Nakasendo, và Tokaido - 3 tuyến đường chính khi đó.

Phe Nhật Hoàng bao vây hoàn toàn Edo vào tháng 5/1868. Đến tháng 7, Tokugawa Yoshinobu tự giam mình trong chùa Kan’ei-ji, được bảo vệ bởi 2.000 Shogitai - lực lượng tinh nhuệ hàng đầu khi đó.

Phe Nhật Hoàng dùng tới súng trường Snider tầm bắn 550 mét và đại bác Armstrong do Anh sản xuất để khuất phục và buộc các Shogital đầu hàng vào ngày 4/7/1868. 

Tokugawa Yoshinobu bị bắt giữ ngay sau đó, bị quản thúc tại gia, xóa bỏ mọi tước hiệu, tịch thu toàn bộ gia sản và bị cấm trở lại chính trường Nhật Bản.

Hầu hết các gia tộc ở Nhật chấp nhận việc Nhật Hoàng nắm quyền, nhưng một số gia tộc ở miền bắc nước Nhật đã tập hợp thành Liên minh phương Bắc. Các vùng Sendai, Yonezawa, Aizu, Shonai và Nagaoka là địa bàn hoạt động chủ chốt của liên minh gồm 50.000 quân này.

Liên minh phương Bắc có quân số đông đảo nhưng trang bị nghèo nàn và tư duy chiến đấu lỗi thời. Nỗ lực mua súng nòng xoay, súng trường hiện đại của Pháp là không đủ để lực lượng này có thể lật ngược thế cờ.

Quân Nhật Hoàng tiến công về phía bắc theo đường bộ và đường biển, lần lượt kiểm soát các thành Nagaoka, Aizu, Sendai và cuối cùng là Hakodate ở tỉnh Hokkaido vào ngày 27/6/1869. Cuộc nội chiến đến đây là kết thúc.

Cải cách toàn diện

Dưới thời Nhật Hoàng Minh Trị, Nhật Bản trở thành một nước đế quốc học hỏi những tinh hoa của phương Tây.

Dưới thời Nhật Hoàng Minh Trị, Nhật Bản trở thành một nước đế quốc học hỏi những tinh hoa của phương Tây.

Giai đoạn Minh Trị ở Nhật bắt đầu kể từ đó, Edo được đổi tên thành Tokyo (Đông Kinh) và là nơi sinh sống của Nhật Hoàng. Lần đầu tiên kể từ năm 1192, có một Nhật Hoàng nắm thực quyền, là người lãnh đạo thực tế của nước Nhật.

Triều đình Minh Trị đưa ra khẩu hiệu "phú quốc cường binh" nhằm khai thác tâm lý lo sợ của người dân, rằng Nhật sẽ trở thành thuộc địa của phương Tây nếu không canh tân. Nhật Bản chuyển mình hoàn toàn, sẵn sàng học hỏi các tinh hoa và thành tựu của phương Tây.

Triều đình tuyên bố chính sách "tứ dân bình đẳng", nghĩa là bốn tầng lớp gồm samurai, nông dân, thợ thủ công và thương nhân giờ đây không còn bị phân biệt. Tầng lớp samurai mất đi quyền lực, nhưng được đền bù bằng tài sản, trở thành giai cấp tư sản.

Nhiều phái đoàn Nhật Bản được cử sang phương Tây học hỏi về cách thức quản lý hành chính và về kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng bắt đầu được quan tâm phát triển. Nhiều chuyên gia phương Tây được mời tới Nhật Bản để phổ biến kiến thức và kỹ thuật.

Về quân sự, quân đội Nhật được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây. Lục quân theo mô hình của Đức, hải quân theo mô hình của Anh, các công xưởng và nhà máy vũ khí theo mô hình của Pháp và hệ thống hậu cần học hỏi từ Mỹ.

Kinh tế, xã hội và quân sự của Nhật Bản đạt bước tiến mạnh mẽ dưới thời Nhật Hoàng Minh Trị. Một lần nữa kể từ thời "Người thống nhất vĩ đại" Totoyomi Hideyoshi, Nhật Bản bắt đầu manh nha áp đặt quyền bá chủ trong khu vực.

________________________

Ổn định tình hình trong nước và hoàn thành xây dựng lực lượng quân đội hiện đại kiểu phương Tây, Nhật Bản dưới thời Nhật Hoàng Minh Trị một lần nữa đặt mục tiêu áp đặt ảnh hưởng ở các nước láng giềng. Chuyện gì xảy ra khi quân đội Nhật Bản lần thứ hai trong lịch sử đụng độ quân Trung Quốc? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản 19h ngày 23/4.

Nguồn: [Link nguồn]

30 vạn quân Nhật từng đổ bộ bán đảo Triều Tiên, kết cục ra sao?

Trong 10 năm cuối của thế kỷ 16, danh tướng Toyotomi Hideyoshi, người nắm quyền lãnh đạo nước Nhật trên thực tế, đã phát động hai chiến dịch quân sự quy mô lớn ở bán đảo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những cuộc chiến góp phần thay đổi nước Nhật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN