Cuộc khởi nghĩa khăn vàng đẫm máu, mở đầu thời Tam quốc ở Trung Hoa
Khởi nghĩa khăn vàng là cuộc nổi dậy của nông dân ở Trung Quốc chống lại nhà Hán, kéo dài suốt 21 năm và gây ra những hậu quả sâu rộng, đánh dấu sự khởi đầu của thời kì Tam quốc.
Trương Giác là thủ lĩnh đội quân khăn vàng với quân số ban đầu lên tới 30 vạn người. Ảnh minh họa.
Trung Quốc là cái nôi của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Trong suốt hàng ngàn năm, Trung Hoa đã trải qua nhiều cuộc tắm máu lên tới hàng chục triệu người chết. Đó có thể là do ngoại xâm, hoặc do chính những cuộc khởi nghĩa, phản loạn từ trong nước. Loạt bài dài kỳ này sẽ nhắc lại những cuộc khởi nghĩa đẫm máu nhất lịch sử Trung Hoa. |
Cuộc khởi nghĩa diễn ra trong bối cảnh người dân Trung Hoa thời nhà Hán chịu nhiều cùng cực, đối mặt với nạn đói, lũ lụt, thuế chồng thuế vì triều đình cần tiền để xây dựng thành lũy, bảo vệ Con đường tơ lụa và chống lại những kẻ xâm lấn từ bên ngoài, theo History.
Trong khi đó, Hán Linh Đế Lưu Hoành – hoàng đế thứ 12 của thời Đông Hán bỏ bê triều chính, để hoạn quan làm càn. Nổi bật nhất trong số các hoạn quan là Trương Nhượng. Hán Linh Đế vì cả nể các hoạn quan mà phong cho cha, anh, em họ làm quan khắp các châu quận. Những người này ra sức vơ vét của cải của dân chúng.
Chính quyền nhà Đông Hán để tham nhũng lan tràn, nạn đói, lũ lụt xảy ra khắp nơi khiến Trương Giác và những người nông dân theo Đạo giáo cho rằng hoàng đế đã mất quyền cai trị. Họ cho rằng cách duy nhất thoát khỏi cảnh này là phải đứng lên khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa khăn vàng từ đó nổ ra với những người nông dân quấn chiếc khăn màu vàng trên đầu.
Cuộc khởi nghĩa nông dân
Cầm đầu khởi nghĩa Khăn Vàng là Trương Giác và 2 người em là Trương Bảo và Trương Lương. Ba anh em họ Trương dùng phương thức ma thuật, vẽ bùa niệm chú chữa bệnh cứu người, lấy được lòng tin của nhiều người trong thiên hạ.
Trương Giác hành nghề chữa bệnh sau hơn 10 năm, nhân danh Đạo giáo tập hợp được rất nhiều tín đồ. Cách dùng lý thuyết của Lão Tử tập hợp quần chúng của Trương Giác bị sử sách chính thống thời phong kiến gọi là "giả thác đại đạo, mê hoặc tiểu dân".
Khởi nghĩa khăn vàng khiến triều đình nhà Đông Hán ở Trung Hoa rối loạn.
Đến khi cuộc khởi nghĩa nổ ra năm 184, Trương Giác đã tập hợp được một đội quân quy mô với 36 vạn người, chủ yếu là nông dân, nhưng cũng có cả quan chức triều đình và học giả.
Trước khi Trương Giác thực hiện kế hoạch, một tín đồ ủng hộ đã bí mật đến kinh đô Lạc Dương để tố cáo với triều đình. Kết quả là những người ủng hộ khởi nghĩa khăn vàng ở Lạc Dương đều bị hành quyết, ước tính hơn 1.000 người. Triều đình cũng khởi binh bắt Trương Giác và hai người anh em.
Biết tin này Trương Giác ra lệnh cho khởi nghĩa diễn ra ngay lập tức. Để tăng cường tuyên truyền làm giảm uy tín của nhà Hán, tăng uy thế cho mình, Trương Giác sai người phao tin trong dân gian: "Trời xanh sắp chết, Trời vàng sắp dựng, đến năm Giáp Tí, thiên hạ tốt lành".
Khởi nghĩa khăn vàng nổ ra ở 8 tỉnh khác nhau. Đội quân khăn vàng tấn công các tòa nhà công quyền, trạm gác của nhà Hán. Khói lửa bùng lên khắp nơi, trong khi quân địa phương của nhà Hán chỉ biết đường bỏ chạy.
Quân triều đình khi đó chỉ tập trung sức mạnh ở thành Lạc Dương và các tỉnh lân cận, không thể cùng lúc dẹp loạn ở nhiều nơi, nên phải nhờ đến thế lực của các lãnh chúa ở địa phương để ổn định tình hình.
Mở đầu cho thời kỳ Tam quốc
Vài tháng sau khi khởi nghĩa nổ ra, Trương Giác qua đời bị bạo bệnh. Hai người anh em chết trên chiến trường trong cùng năm.
Các thủ lĩnh sớm qua đời nhưng cuộc khởi nghĩa khăn vàng không vì thế mà chấm dứt. Ở giai đoạn đỉnh cao, khởi nghĩa có tới 2 triệu người tham gia. Cuộc khởi nghĩa rải rác đến năm 205 thì chấm dứt.
Khởi nghĩa khăn vàng tạo thời cơ để Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền chia ba thiên hạ thời Tam quốc.
Điều quan trọng là cuộc khởi nghĩa đã chứng minh sự yếu kém quyền chính quyền trung ương nhà Đông Hán, dẫn đến quyền lực rơi vào các thế lực quân phiệt, lãnh chúa. Ở nhiều khu vực, chính quyền nhà Đông Hán thậm chí còn không còn nắm quyền kiểm soát.
Ước tính trong 21 năm nổ ra khởi nghĩa, hàng chục vạn quân khăn vàng bị tiêu diệt. Tình trạng vô pháp, hỗn loạn vẫn còn xảy ra sau đó nhiều năm, dẫn đến tổng số người chết lên tới 3-7 triệu người.
Sau khi Hán Linh Đế qua đời năm 189, tướng nhà Đông Hán là Hà Tiến bị hoạn quan sát hại. Đồng minh của Hà Tiến là Viên Thiệu trả thù bằng cách thiêu cháy cả cung điện, giết chết hoạn quan. Cuối cùng, Đổng Trác đánh đuổi Viên Thiệu để nắm quyền kiểm soát kinh thành Lạc Dương, nắm quyền chi phối Hán Hiến Đế, lũng đoạn triều đình.
Vì sự bạo ngược, tham lam vô độ, Đổng Trác bị con nuôi Lữ Bố giết chết năm 192, mở đường để Tào Tháo "phò tá Thiên tử hiệu lệnh chư hầu", lập nên nhà Ngụy. Ở phía Đông Nam, Tôn Quyền nối nghiệp cha và anh trai, mở rộng quyền kiểm soát, lập nên nhà Đông Ngô.
Về phần Lưu Bị, hoàng thất nhà Hán phải lưu lạc, đến nhờ cậy hết Tào Tháo đến Viên Thiệu trong giai đoạn khởi nghĩa khăn vàng. Mãi đến sau này, khi được Gia Cát Lượng phò tá, Lưu Bị mới nắm được Kinh Châu từ tay Lưu Biểu, mở đường cho đại chiến Xích Bích, hình thành nên cục diện Tam quốc.
_________________
Không phải những cuộc khởi nghĩa nào ở Trung Hoa cũng xuất phát từ nông dân, bài viết tới kể về câu chuyện của một viên tướng nhà Đường nuôi mộng lập quốc riêng, khuynh đảo lịch sử.
Cái chết của Tào Xung khiến Tào Tháo hết sức đau buồn, ông quyết trừ khử người bạn thân của con trai, vốn được coi...