Cuộc gặp đáng chú ý ở Bắc Kinh

Quan hệ Trung Quốc - Mỹ còn bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó mới nhất là cuộc "đấu khẩu" về chuyện trợ cấp xe điện

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 27-3 tiếp đại diện các cộng đồng doanh nghiệp, chiến lược gia và học giả Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách duy trì nền tảng ổn định trong quan hệ với Washington. 

Phát biểu tại sự kiện đáng chú ý này, theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh thành công của Bắc Kinh và Washington là cơ hội của nhau. Theo nhà lãnh đạo này, quan hệ Trung Quốc - Mỹ sẽ cải thiện miễn là hai bên đối xử với nhau như đối tác với sự tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi.

Cuộc gặp trên diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh và kéo dài khoảng 90 phút. 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liệt kê một số tên tuổi trong phái đoàn Mỹ như Stephen Schwarzman (nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư Blackstone), Raj Subramaniam (Giám đốc điều hành Công ty Giao nhận kho vận FedEx), Cristiano Amon (Giám đốc điều hành hãng chip Qualcomm), Craig Allen (Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc)… 

Sự kiện này diễn ra sau khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có mặt ở Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc trong 2 ngày 24 và 25-3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đại diện các cộng đồng doanh nghiệp, chiến lược gia và học giả Mỹ tại thủ đô Bắc Kinh hôm 27-3. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đại diện các cộng đồng doanh nghiệp, chiến lược gia và học giả Mỹ tại thủ đô Bắc Kinh hôm 27-3. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Reuters, Trung Quốc muốn thúc đẩy tăng trưởng năm nay sau khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này giảm 8% năm 2023. 

Sự hồi phục kinh tế chưa ổn định và quan hệ còn căng thẳng với Mỹ đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 1 cam kết tổ chức cuộc họp bàn tròn với các công ty nước ngoài hằng tháng để lắng nghe những tâm tư của họ.

Sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại TP San Francisco vào tháng 11-2023, hai nước vẫn còn bất đồng về nhiều vấn đề, từ thương mại cho đến an ninh mạng. 

Cuộc "đấu khẩu" mới nhất diễn ra sau khi Trung Quốc hôm 26-3 cho biết đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về vấn đề trợ cấp xe điện của Mỹ.

Cụ thể, theo Reuters, Trung Quốc đã bắt đầu các thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại Mỹ tại WTO nhằm bảo vệ lợi ích của họ trong ngành công nghiệp xe điện. Phái đoàn Trung Quốc tại WTO cho biết nước này đang phản đối "các khoản trợ cấp mang tính phân biệt đối xử" theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. 

Theo Bắc Kinh, các khoản trợ cấp này dẫn đến việc loại trừ hàng hóa từ Trung Quốc và các nước thành viên khác của WTO. 

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc lên tiếng thúc giục Washington nhanh chóng chỉnh sửa các chính sách công nghiệp mang tính phân biệt đối xử, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cho phương tiện sử dụng năng lượng mới.

IRA được ban hành năm 2022, cung cấp hàng tỉ USD tín dụng thuế để giúp người tiêu dùng mua xe điện và hỗ trợ công ty sản xuất năng lượng tái tạo. Bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết Washington đang xem xét yêu cầu tham vấn của Trung Quốc tại WTO liên quan đạo luật này. 

Tuy nhiên, bà Tai gọi IRA là công cụ đột phá để Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đóng góp vào tương lai năng lượng sạch. Đại diện Thương mại Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc sử dụng "chính sách phi thị trường, không công bằng" để giúp các nhà sản xuất trong nước có lợi thế. 

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Tio Kunz, Phó Giám đốc Công ty an ninh điện tử Quantium Defen5e (QD5) của Canada mới đây đã “đăng đàn” nói thẳng với các quan chức Bộ Quốc phòng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN