Cuộc gặp Ấn - Trung chưa từng có tiền lệ

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Ấn Độ và Trung Quốc sẽ cử hai sĩ quan cấp thượng tướng gặp nhau để bàn cách tháo ngòi đợt căng thẳng kéo dài sau va chạm ở biên giới, vì những khuôn khổ hiện có không đủ để giải quyết mâu thuẫn.

Xe tăng Type- 15 là một trong những phương tiện quân sự được Trung Quốc đưa lên cao nguyên Tây Tạng ảnh chụp màn hình CCTV

Xe tăng Type- 15 là một trong những phương tiện quân sự được Trung Quốc đưa lên cao nguyên Tây Tạng ảnh chụp màn hình CCTV

Chỉ huy Quân đoàn 14 của Ấn Độ sẽ gặp tư lệnh Quân khu miền nam Tân Cương vào ngày 6/6. Các chuyên gia quân sự gọi cuộc gặp này là chưa từng có tiền lệ, cho thấy Ấn Độ đang trong thế mặc cả khó khăn khi muốn tìm cách tháo ngòi căng thẳng. 

“Tôi chưa từng thấy sĩ quan cấp tư lệnh quân đoàn đi đàm phán quân sự”, The Print dẫn phát biểu của cựu tư lệnh lục quân miền bắc, Trung tướng D.S.Hooder, trong một hội nghị trực tuyến hôm 3/6 do Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Delhi tổ chức. Cuộc gặp này cho thấy các khuôn khổ hiện tại về giải quyết khúc mắc giữa hai nước không hiệu quả, nên cần những khuôn khổ mới, ông Hooder nói. 

Cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày mai được sắp xếp sau nhiều vòng đối thoại quân sự song phương ở các cấp không thể đi đến quan điểm thống nhất, dù hai nước vẫn thể hiện qua đường ngoại giao mong muốn làm dịu tình hình. Theo các khuôn khổ hiện có, các cuộc đối thoại được tổ chức ở cấp chỉ huy chiến thuật địa phương. Trước đây, cấp đối thoại cao nhất là chỉ huy sư đoàn hàm trung tướng. 

Trên thực địa, căng thẳng suốt 2 tháng qua khiến hai nước tăng cường huy động quân lính và vũ khí đến biên giới. Trung Quốc gia tăng thử nghiệm các loại vũ khí tiên tiến và huấn luyện trên khu vực địa hình cao. 

Không có sự xác nhận chính thức nào về số lượng quân sĩ mà mỗi nước huy động, nhưng nhiều bài báo nói rằng quân đội Trung Quốc đã đưa nhiều hệ thống vũ khí tân tiến và máy bay chiến đấu lên khu vực thuộc cao nguyên Tây Tạng để diễn tập. Quân đội Ấn Độ cũng di chuyển nhiều tiểu đoàn từ một sư đoàn bộ binh thường đóng tại TP Leh gần biên giới đến và điều thêm lực lượng tăng cường. 

Báo SCMP dẫn lời chuyên gia quân sự Liang Guoliang ở Hong Kong nói rằng Bắc Kinh đã triển khai ít nhất 9 lữ đoàn vũ trang kết hợp, gồm lính sơn cước, pháo binh, phòng không, không quân, hoá học, hạt nhân và chiến tranh điện tử, đến Quân khu Tây Tạng. 

Đầu tuần này, đài truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin một vị trinh sát của PLA gần đây được huy động diễn tập nhằm vào mục tiêu trên dãy núi Đường Cổ Lạp, ở độ cao 4.700m, sử dụng các thiết bị nhìn đêm để tránh bị máy bay không người lái phát hiện. Theo các ảnh vệ tinh, Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng căn cứ không quân ở Ngari Gunsa thuộc Tây Tạng, cách khu vực Ladakh của Ấn Độ khoảng 200km. Ảnh vệ tinh cũng cho thấy PLA đã đưa các tiêm kích J-16 đến đây. “Không quân Ấn Độ đã đưa thêm máy bay đến biên giới, nên PLA cần triển khai J-16, loại tiên tiến hơn Su-30MKI của Ấn Độ”, SCMP dẫn một nguồn tin. 

Tuy nhiên, ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói rằng những động thái của Trung Quốc chỉ để phô diễn sức mạnh. “Mục đích của Trung Quốc không phải đi tới chiến tranh với Ấn Độ vì Bắc Kinh không xác định Ấn Độ là kẻ thù thực sự của mình, dù Mỹ cố đưa Ấn Độ vào chiến lược Ấn - Thái để đối chọi với một Trung Quốc đang mạnh lên”, ông Zhou nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Video, hình ảnh binh sĩ Trung Quốc - Ấn Độ ẩu đả đổ máu cho thấy điều gì?

Sử dụng một video và hình ảnh về các vụ ẩu đả mới nhất giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ, tờ The Print (Ấn Độ)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN