Cuộc đua vaccine COVID-19 nội địa ở các nước châu Á
Cuộc đua vaccine COVID-19 nội địa đang lên cao trào ở các nước châu Á trong bối cảnh khu vực đang lâm vào tình trạng “khát” vaccine trầm trọng.
Đối mặt với số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng cao và tình trạng thiếu vaccine, nhiều nước châu Á đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển tiến tới sản xuất vaccine nội địa nhằm đáp ứng “cơn khát” vaccine trầm trọng của khu vực thời gian này.
Đẩy mạnh phát triển vaccine “cây nhà lá vườn”
Đài Loan ngày 23-8 bắt đầu triển khai tiêm chủng diện rộng vaccine nội địa MVC-COV1901 do hãng dược Medigen Vaccine Biologics Corp (MVC) hợp tác nghiên cứu với Viện Y tế quốc gia Mỹ và được chính quyền Đài Bắc hỗ trợ sản xuất, theo kênh Channel News Asia. Vaccine của Medigen tạo ra lượng kháng thể tương đương của AstraZeneca. Hơn 700.000 người đăng ký trước để tiêm loại vaccine này, trong đó có lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn. Đài Loan cũng đang chờ tin vui từ các hãng dược nội địa như Adimmune, United Biomedical...
Tại Nhật, theo tờ The Straits Times, hiện có ít nhất bốn công ty, trong đó có các hãng Shionogi và Daiichi Sankyo, đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 với các ứng viên vaccine theo công nghệ mRNA và công nghệ vaccine virus bất hoạt truyền thống. Ông Ken Ishii, Giám đốc Trung tâm chế tạo vaccine quốc tế ở Tokyo, cho biết Nhật dự kiến sẽ phát triển thành công một hoặc hai loại vaccine nội địa vào nửa cuối năm 2022.
Tại Hàn Quốc, theo tờ The Korea Times, tại cuộc họp của Ủy ban hợp tác về thúc đẩy vaccine ngày 5-8, Tổng thống Moon Jae-in công bố một kế hoạch đầy tham vọng rằng “sẽ cố gắng nhảy vọt và trở thành một trong năm nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới vào năm 2025”. Nước này vạch lộ trình đầu tư 2.200 tỉ won (tương đương 1,9 tỉ USD) vào cơ sở hạ tầng, công tác nghiên cứu và phát triển, cũng như đào tạo chuyên viên.
Hiện có ít nhất năm loại vaccine nội địa đang được phát triển ở Hàn Quốc. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol cho biết một hoặc hai loại vaccine nội địa nước này sẽ được phê duyệt sử dụng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Ngày 20-8, Bộ Công nghệ sinh học Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng Zydus Cadila - loại vaccine DNA đầu tiên trên thế giới và là vaccine nội địa thứ hai của Ấn Độ. Loại vaccine nội địa đầu tiên được Ấn Độ cấp phép và triển khai tiêm là Covaxin, do Công ty Bharat Biotech sản xuất. Theo đài CNN, Covaxin có hiệu quả hơn 93,4% trong việc ngăn bệnh trở nặng và 65,2% đối với biến thể Delta.
Ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore và Campuchia, tình trạng thiếu vaccine đặc biệt nghiêm trọng. Số lượng vaccine mà Mỹ và Trung Quốc tài trợ cho khu vực trong những tháng qua là rất ít so với nhu cầu. Chưa kể việc sử dụng cùng lúc nhiều loại vaccine trong tiêm chủng cũng không được người dân hài lòng. Chẳng hạn tại Thái Lan, nơi chưa đến 10% dân số được tiêm chủng đầy đủ, việc sử dụng cùng lúc vaccine của Sinovac, Sinopharm, AstraZeneca và Pfizer/BioNTech đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội.
Thái Lan hiện cũng bắt tay nghiên cứu phát triển vaccine nội địa. Theo tờ The Bangkok Post, vaccine ChulaCOV-19 của ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) có hiệu quả 94% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh và hiệu quả 80% đối với các biến thể virus gồm cả Delta sau liều thứ hai. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang nghiên cứu và phát triển hai loại vaccine khác, gồm Baiya SARS-CoV Vax 1 của hãng Baiya Phytopharm và NDV-HXP-S của cơ sở dược phẩm chính phủ Thái Lan (GPO).
Tại Indonesia, từ năm 2020, ĐH Indonesia và Viện Khoa học Indonesia hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa mang tên Merah Putih. Dự kiến các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Merah Putih sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay, nếu kết quả khả quan, vaccine sẽ được sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022.
Lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn được tiêm vaccine ngừa COVID-19 có tên MVC-COV1901 do hãng dược sinh học Medigen Vaccine Biologics Corp của Đài Loan phát triển. Ảnh: EPA/EFE
112 là số ứng viên vaccine đang được phát triển trên toàn thế giới. (Theo The Straits Times) |
Bảo đảm an ninh vaccine và lợi ích kinh tế
Nhiều chuyên gia ghi nhận nỗ lực của các nước châu Á trong việc chú trọng phát triển vaccine “cây nhà lá vườn” để đảm bảo an ninh vaccine, trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung vaccine từ các nước phương Tây.
GS Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội châu Á - Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, cho rằng sản xuất vaccine nội địa là “câu trả lời đúng đắn” cho khu vực Đông Nam Á. Ông cũng đề cao năng lực sản xuất vaccine của các nước có thu nhập trung bình trong khu vực như Indonesia và Thái Lan.
GS-TS Kiat Ruxrungtham, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine Chula (Chula VRC - Thái Lan), nhận định việc có thể tự sản xuất vaccine đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai và an ninh y tế của đất nước cũng như khu vực. Theo ông, ngay cả khi không tạo nên đột phá, việc này cũng giúp các nước tích lũy kinh nghiệm ứng phó với các bệnh truyền nhiễm khác.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa cũng mang lại một số lợi ích kinh tế lớn cho các nước. Ông Kim Jerome, Tổng giám đốc Viện Vaccine quốc tế (IVI) ở Seoul (Hàn Quốc), đặt tình huống “giả sử COVID-19 kéo dài qua đến năm 2022, các nước đi sau trong cuộc đua vaccine sẽ đạt được lợi ích kinh tế”. Theo ông, thế hệ vaccine đầu đang dần trở nên kém hiệu quả trước các biến thể mới của virus và gặp một số trở ngại như lo ngại về độ an toàn, thách thức về chi phí và hậu cần.
Theo TS Ravi Ganapathy, người dẫn đầu nhóm phát triển quy trình vaccine tại IVI, thị trường cho các loại vaccine hiện đang được phát triển vẫn rất rộng lớn. Theo ông, trong khoảng từ ba đến sáu tháng tới, dù đại dịch có thể phần lớn được kiểm soát nhưng nhu cầu vaccine ở các nước châu Phi và khu vực Nam Mỹ vẫn rất lớn. Ông cho rằng những loại vaccine này có thể đáp ứng những nhu cầu trên, đặc biệt nếu chúng rẻ hơn so với những loại được sản xuất ở các nước phát triển.
Theo ông Ken Ishii, bên cạnh các lợi ích về việc đảm bảo tự chủ, an ninh vaccine và lợi ích kinh tế, việc phát triển vaccine nội địa cũng giúp các nước mở rộng “kho vũ khí ngoại giao và quyền lực mềm” của họ.
Vaccine nội địa - vội vàng có thể mang lại hậu quả khôn lường Theo The Straits Times, việc vội vàng trong phát triển, sản xuất vaccine nội địa có thể mang đến nhiều rủi ro và hậu quả. Theo bà Malini Aisola, đồng sáng lập Mạng lưới Hành động dược phẩm toàn Ấn Độ, hiện ở nước này có tình trạng các cuộc thử nghiệm vaccine lẫn phê duyệt khẩn cấp diễn ra khá vội vàng. Dữ liệu không đầy đủ và tâm lý hoài nghi về hiệu quả vaccine sẽ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng do dự tiêm vaccine trong nước. Ngoài ra, GS Guy Marks từ Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock (Úc) có phần lo ngại rằng cuộc chạy đua sản xuất vaccine nội địa liên quan đến chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn nhu cầu. Ông cho rằng thế giới cần phải phát triển các loại vaccine có khả năng chống lại những đột biến của virus SARS-CoV-2 trong tương lai. Theo ông, đây là một vấn đề mang tính toàn cầu và chỉ có thể giải quyết bằng sự hợp tác giữa cộng đồng quốc tế. |
Công ty dược phẩm HLB của Hàn Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với công ty Nanogen nhằm mua lại quyền cung cấp vắc...
Nguồn: [Link nguồn]