Cuộc đổ bộ lịch sử thay đổi cục diện Thế chiến II
Cuộc đổ bộ lịch sử vào bờ biển nước Pháp đã giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của Đức Quốc xã ở châu Âu.
Tướng Bernard Montgomery, chỉ huy trận đổ bộ Normandy lịch sử.
Thế chiến II sản sinh nhiều vị tướng lỗi lạc ở cả hai bên, phe Trục và Đồng minh. Cuộc đời họ với nhiều nét li kì, những thành công vang dội và cả những sai lầm đau đớn... sẽ được điểm lại trong loạt bài này. |
Bernard Montgomery, chỉ huy xuất sắc của trận El Alemein và mặt trận Bắc Phi là một trong những danh tướng xuất sắc nhất Thế chiến II. Montgomery là tướng người Anh của trận Normandy lịch sử thay đổi toàn bộ cục diện Thế chiến II.
Ông sinh năm 1887, học tại trường St.Paul và Sandhurst cho tới khi tham gia vào Trung đoàn Warwickshire Hoàng gia năm 21 tuổi. Trong Thế chiến I, ông phục vụ ở mặt trận phía tây. Nhờ hàng loạt thành tích chỉ huy xuất sắc, Montgomery được phong hàm trung tướng vào năm 1938.
Thế chiến II nổ ra, Montgomery là thành viên của Lực lượng Viễn chinh Anh và sau đó được bổ nhiệm làm chỉ huy của Sư đoàn số 3 ở Dunkirk. Khi tướng Auchinleck bị Thủ tướng Winston Churchill sa thải vì năng lực kém cỏi trong trận El Alamein, Montgomery được giao nhiệm vụ chỉ huy quân đoàn số 8 ở Bắc Phi.
Không giống những tướng tá khác sống tách rời binh lính, Montgomery thường tới hỏi han, gặp gỡ hạ cấp và chia sẻ những câu chuyện cuộc sống.
Montgomery ở mặt trận Bắc Phi năm 1942.
Sở chỉ huy quân đoàn số 8 của Montgomery đóng tại một căn biệt thự lớn, xa hoa nhưng ông chọn sống trong một chiếc xe ngoài vườn. Ông không hút thuốc, uống rượu và cho phép binh sĩ được hút thuốc lá vừa phải. Cũng chính vì điều này mà ông rất được lòng binh sĩ. Trung tá C.Dawney giúp việc cho Montgomery nói: “Nhờ tác phong gần gũi mà người lính rất mong mỏi gặp chỉ huy của mình. Họ bị thu hút bởi sự quan tâm của Montgomery và gọi ông là “thầy giáo””.
Chiến thắng của Montgomery trong trận El Alamein được xem là một cú đấm trực diện vào quân Đức vì đây là lần đầu tiên chúng thua ở mặt trận Bắc Phi. Sau đó, Đức phải rút lui dần và rời khỏi Bắc Phi tháng 3.1943.
Bối cảnh trận Normandy lịch sử
Montgomery cùng hai chú chó được đặt tên là “Hitler” và “Rommel”.
Tháng 2.1943, chiến thắng của Hồng quân ở Stalingrad đã gần như kết thúc số phận của Đức quốc xã. Việc đổ bộ lên Normandy được xem là điều bắt buộc vì nếu không thực hiện thì Hồng quân Liên Xô sẽ quét sạch quân Đức khỏi lãnh thổ và tiến tới tận Paris. Đây là điều mà Anh-Pháp không hề muốn vì “mất thể diện”.
Sau khi chiếm được bán đảo Sicily ở Nam Âu, Bộ chỉ huy Đồng minh quyết định tạo thêm mặt trận mới ở phía tây để phân tán phe Trục đang dồn quân đánh Nga ở phía Đông. Tình báo bên Trục cố gắng giải đáp địa điểm tổ chức cuộc đổ bộ nhưng bất thành. Thậm chí khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle lên sóng truyền hình thông báo đổ bộ vào Normandy thì Đức quốc xã vẫn cho rằng đây là trò lừa.
Đức quốc xã nhận định quân Đồng minh sẽ đổ bộ vào Pas de Calais (Pháp) nên chúng dồn hết quân sang đây. Mục đích của cuộc tấn công Normandy theo kế sách của tướng Montgomery là tạo bước chủ chốt để quân Đồng minh tiến sâu vào châu Âu. Đầu tiên là chiếm thành phố Caen, sau đó là thành phố Cherbourg (Pháp).
Lực lượng tham chiến ở Normandy chia làm lục quân, hải quân và không quân, trong đó tướng Montgomery nắm giữ số lượng binh sĩ lớn nhất. Ông chỉ huy 150.000 lính lục quân trực tiếp tấn công bờ biển Normandy.
Quân Đức cũng thừa hiểu rằng Đồng minh sẽ xâm nhập châu Âu từ phía Tây nên chúng gia sức củng cố mặt trận này. Hitler cử 3 tướng là Rundstedt, Rommel và Dollman thống lĩnh đội quân Đức ở các cứ điểm Pháp. Tướng Rommel viết trong báo cáo gửi Hitler: “Quân địch sẽ tràn vào bờ biển bằng hàng trăm xe tăng, xe lội nước, lính thủy đánh bộ. Chúng ta phải tiêu diệt đối phương ngay trước khi chúng kịp kéo vào trận địa”.
Diễn biến cuộc tấn công
Tướng Montgomery (trái) gặp tướng Patton tại Sicily năm 1943.
Tổng chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh được giao cho tướng Dwight Eisenhower của Mỹ. Cả Thủ tướng Anh Churchill và Eisenhower đều cảm thấy khó hợp tác và làm việc với tướng Montgomery nên muốn bổ nhiệm tướng Harold Alexander. Dù vậy, Thống chế lục quân Anh Alan Brooke nhất mực tiến cử Montgomery vì cho rằng ông này tài năng “hơn bội phần Alexander”.
Montgomery đưa ra kế hoạch chiếm đóng toàn bộ Normandy trong 90 ngày và thọc sâu vào sông Seine. Tướng Montgomery muốn một cánh quân của Anh và Canada sẽ cầm chân quân Đức tại Caen, trong khi đó quân Mỹ sẽ chiếm bán đảo Cotentin và Brittany. Sau đó, hai cánh quân hợp lại tạo nên thế gọng kìm bóp nghẹt Đức quốc xã.
Rạng sáng ngày 6.6.1944, binh sĩ các nước phe Đồng minh đồng loạt đổ bộ lên bờ biển Normandy, bắt đầu chiến dịch giải phóng châu Âu khỏi tay Đức quốc xã. Cuộc đổ bộ khá thuận lợi vì quân Đức không dồn quá nhiều lực lượng ở đây để phòng ngự.
Quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy (Pháp) ngày 6.6.1944.
Việc đổ bộ vào sáng sớm cũng là tính toán của tướng Montgomery nhằm tránh những vật cản mà quân Đức giăng sẵn như chĩa ba bằng gỗ chứa chất nổ, chĩa ba bằng bê tông có thể chọc thủng xà lan. Trời sáng giúp quân Đồng minh dễ dàng vượt qua các bẫy bằng chiến xa A2VE và DD. Theo kế hoạch trong 2 tháng đầu, liên quân sẽ phải đổ bộ được 2 triệu quân, 15.000 chiến xa, 2.500 xe quân sự, 3.000 khẩu pháo và 10.000 xe các loại.
Kế hoạch ngoài dự kiến
Thủ tướng Anh Churchill cùng Montgomery ở trung tâm chỉ huy trận Normandy năm 1944.
Trong hai tháng đầu tiên sau khi đổ bộ, tác động của thời tiết khiến mọi sự đi lệch dự định của Montgomery. Kế hoạch ban đầu của ông là dùng cánh quân Anh-Canada và chiếm Caen chỉ trong một, hai ngày đã bị phá sản. Quân Đức chống trả quyết liệt dưới sự chỉ huy của tướng Rommel nên Montgomery không thể đạt được mục tiêu đề ra.
Tướng Rommel cử Sư đoàn xe tăng Panzer số 2 tới Caen trong khi thống chế Gerd von Rundstedt được giao nhiệm vụ chỉ huy sư đoàn thiện chiến bậc nhất Waffen SS Leibstandarte số 1 và Waffen SS Das Reich số 2. Mục tiêu của Rommel là đẩy lui cánh quân Anh-Canada ra biển. Sử gia Stephen Badsey nói rằng quân đội của tướng Montgomery phải đối mặt với đội quân thiện chiến nhất của Đức quốc xã đồn trú ở Pháp.
Sau một thời gian, Montgomery quyết định thay đổi dự định ban đầu. Ông giữ cánh quân ở Caen để cầm chân quân Đức, tạo điều kiện cho quân Mỹ chiếm Cherbourg.
Sau vài lần tấn công Caen bất thành, tướng Montgomery nghĩ ra “kế hoạch siêu việt” theo lời ông nói nhằm trấn áp quân Đức tại đây. Montgomery cử quân đoàn 21 tới cầm chân quân Đức thành công.
Vào ngày 7.7, tướng Montgomery bắt đầu chiến dịch Charnwood với việc ném bom rải thảm ở vùng quê Caen. Sự chống trả của quân Đức ở mặt trận này là vô cùng ác liệt. Sĩ quan chỉ huy của Đức là Kurt "Panzer" Meyer thậm chí còn mang theo cả súng phóng rocket chống tăng và hét lớn với quân sĩ nhằm động viên tinh thần: “Lũ chúng mày có muốn bất tử hay không?”.
Chiến dịch Goodwood nhìn chung là thành công dù việc chiếm cầu Bourgebus không thể thực hiện. Nhờ chiến thắng quan trọng này, quân Đồng minh đã kéo dãn lực lượng Đức khỏi Caen và hỗ trợ cho Mỹ triển khai kế hoạch Rắn đuôi chuông lịch sử.
Chiến thắng cuối cùng
Bức ảnh màu hiếm hoi về tướng Bernard Montgomery.
Ngày 25.7.1944, cánh quân Canada cuối cùng đã chiếm được Caen, giúp Montgomery có được lợi thế mà ông tìm kiếm bấy lâu. Quân Đức lúc này chỉ biết co cụm và ngăn chặn các cuộc tấn công du kích của cánh quân Anh-Canada.
Sau chiến dịch Goodwood, nhiều tướng tá yêu cầu sa thải Montgomery vì ông này rất khó làm việc. Tổng chỉ huy Eisenhower cũng bị gây áp lực sa thải Montgomery. Ngày 20.7 và 21.7, Montgomery gặp Eisenhower và Thủ tướng Churchill ở Pháp.
Một nhân viên của Montgomery nói rằng “không còn nghi ngờ gì, Churchill sẽ sa thải tướng Montgomery”. Tuy nhiên bằng cách nào đó, Montgomery đã thuyết phục hai vị tổng chỉ huy cho phép mình ở lại và không sa thải ông.
Chiến dịch Rắn đuôi chuông thành công là thắng lợi quan trọng giúp kết thúc kế hoạch Normandy lịch sử. Tập đoàn quân số 7 và Tập đoàn thiết giáp số 8 của Đức đã bị tiêu diệt hoàn toàn trong trận Falaise. Cụm tập đoàn quân B cũng chính thức “chết trụi” khiến Hitler và Đức quốc xã rơi vào thảm kịch không lường. Sự sụp đổ của Đệ tam Đế chế đến nhanh hơn sau khi quân Đức thất bại trong chiến dịch Normandy.