Cuộc di cư thường niên lớn nhất hành tinh bắt đầu ở Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán 2023
Trung Quốc ngày 7/1 bước vào ngày đầu tiên của đợt “Xuân vận”, giai đoạn 40 ngày người Trung Quốc ùn ùn đổ về quê ăn Tết và quay trở lại các thành phố sau đó.
Người Trung Quốc xếp hàng chờ lên máy bay tại sân bay ở Thành Đô, Trung Quốc.
Năm nay mùng 1 Tết Nguyên đán là vào ngày 22/1 và sẽ là dịp Tết đầu tiên kể từ năm 2020 mà Trung Quốc không áp đặt các hạn chế về di chuyển do Covid-19, theo Reuters.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ngày 6/1 cho biết, ngành giao thông nước này ước tính phục vụ gần 2,1 tỷ lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 70,3% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Phản ứng trên mạng xã hội của người Trung Quốc là trái chiều, theo Reuters. Một số vui mừng vì đã có thể về quê nhà ăn Tết mà không lo chịu các hạn chế của dịch Covid-19. Số khác ngần ngại khi về quê vì lo ngại người thân ở quê nhà có thể bị lây nhiễm Covid-19.
“Tôi không dám về quê nhà, vì sợ đem dịch bệnh về đó”, một cư dân mạng Trung Quốc viết trên mạng xã hội Weibo.
Ở các vùng nông thôn Trung Quốc, mạng lưới y tế còn hạn chế và thiếu các giường chăm sóc tích cực với máy thở.
Nhiều địa phương Trung Quốc đã kêu gọi người dân không về quê ăn Tết trong năm nay. Chính quyền và truyền thông nước này cũng liên tục đưa khuyến cáo, kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ở nơi đông người.
Từ ngày 7/12/2022, Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể các hạn chế doCovid-19, cho phép người dân tự do di chuyển trong nước mà không cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 hay mã y tế. Các yêu cầu về cách ly, phong tỏa ở các địa phương cũng được dỡ bỏ.
Ngày 8/1 tới, Trung Quốc cũng sẽ dỡ bỏ hạn chế Covid-19 ở biên giới, cho phép người nước ngoài nhập cảnh không cần cách ly và người Trung Quốc đã có thể tự do di chuyển ra nước ngoài.
Theo hãng tin Reuters, chính phủ Trung Quốc đang đàm phán với công ty Pfizer Inc (Mỹ) để xin giấy phép sản xuất và phân phối nội địa thuốc trị COVID-19.
Nguồn: [Link nguồn]