Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ

Cuộc đổ bộ của người Hồi giáo vào Tây Ban Nha đã mở ra một trang mới trong lịch sử và đánh dấu sự giao thoa đầu tiên giữa nền văn minh đạo Hồi và thế giới phương Tây.

Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 1

Tariq bin Ziyad là một trong những vị tướng nổi danh nhất trong lịch sử Hồi giáo.

Sau khi mở mang bờ cõi đến Bắc Phi, đế chế Hồi giáo rơi chìm vào xung đột nội bộ trong một thời gian ngắn, dẫn đến vương quốc Hồi giáo Umayyad ra đời năm 661.

Umayyad đặt thủ đô tại Damascus (Syria ngày nay), chính là thành phố lớn đầu tiên mà đế chế Hồi giáo mở mang bờ cõi ngoài bán đảo Ả Rập.

Ở giai đoạn cực thịnh, vương Triều Umayyad kiểm soát 11,1 triệu km2 đất và 62 triệu dân (29% dân số thế giới ở thời điểm đó), đưa Hồi giáo trở thành một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử.

Đổ bộ vào Tây Ban Nha

Giai đoạn năm 711, vương triều Umayyad mở rộng lãnh thổ đến Algeria và Morocco ngày nay. Đó cũng là lúc mà đế chế Hồi giáo bắt đầu nhòm ngó đến bán đảo Iberia, bao gồm Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, do vương quốc Visigoth kiểm soát.

Visigoth khi đó đã suy yếu sau những thất bại liên miên nhưng vẫn còn rất mạnh tại bán đảo Iberia với lực lượng hơn 100.000 quân, thuộc quyền kiểm soát của vua Roderic.

Do cuộc sống quá khắc nghiệt, nhiều người dân sống ở bán đảo Iberia đã chạy sang lánh nạn và cầu cứu người Hồi giáo ở Bắc Phi.

Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 2

Vua Roderic chỉ còn kiểm soát bán đảo Iberia (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ngày nay) trước khi đối đầu với người Hồi giáo.

Theo Arab News, Thống đốc Hồi giáo ở Bắc Phi, Musa ibn Husair khi đó ra lệnh cho tướng Tariq bin Ziyad đem theo vỏn vẹn 10.300 quân đổ bộ vào Tây Ban Nha bằng thuyền.

Tariq bin Ziyad là người thuộc bộ lạc Berber ở Algeria. Khi quân Hồi giáo tràn qua, Tariq bin Ziyad đã cải sang đạo Hồi và tuyên bố trung thành với vương quốc Hồi giáo Umayyad.

Đạo quân đổ bộ vào Tây Ban Nha năm đó chỉ có 300 người Hồi giáo gốc còn 10.000 quân là người Hồi giáo thuộc bộ lạc Berber.

Các nhà sử học ngày nay vẫn chưa thể lý giải chính xác lý do vì sao vương quốc Umayyad lại đem số lượng quân ít ỏi như vậy sang chinh phạt châu Âu. Có giả thiết nói đây chỉ là lực lượng trinh sát nhằm kiểm tra thực lực của quân Visigoth. Đây cũng có thể là đợt tấn công đầu tiên trong một cuộc xâm lược toàn diện hoặc chỉ đơn thuần là cuộc chinh phạt vốn không mang nhiều ý nghĩa chiến lược.

Ngay khi vừa đổ bộ đến Tây Ban Nha, Tariq bin Ziyad đã ra lệnh cho binh sĩ đốt hết chiến thuyền. “Hỡi những người anh em, chúng ta ở đây để truyền bá thông điệp của Thánh Allah. Đối phương đang ở ngay trước mắt còn biển cả bao trùm đằng sau.”, Tariq bin Ziyad hô vang.

“Chúng ta sẽ chiến đấu vì Thánh Allah. Chúng ta sẽ sống để chứng kiến vinh quang hoặc tử vì đạo. Không còn lựa chọn thứ ba. Chúng ta không còn đường để lùi nữa”.

Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 3

Đội quân Hồi giáo 17.000 người đổ bộ vào Tây Ban Nha.

Các tài liệu cổ kể lại rằng, Tariq bin Ziyad đã nhìn thấy nhà tiên tri Mohammed trong giấc mơ với lời nhắn: “Hãy dũng cảm lên Tariq, hoàn thành nhiệm vụ mà ngươi được giao”. Tariq cũng mơ thấy sứ giả của Thánh Allah dõi theo mình trên con đường đến Andalus (Tây Ban Nha ngày nay).

Choàng tỉnh giấc, Tariq mỉm cười và tin rằng mình sẽ không bao giờ nghi ngờ vào chiến thắng.

Đội quân Hồi giáo đánh chiếm các khu vực làng mạc ở phía nam Tây Ban Nha trước khi nắm quyền kiểm soát thành phố cảng Cartagena.

Thắng lợi ban đầu giúp Tariq bin Ziyad nhận thêm 7.000 kỵ binh chi viện từ Bắc Phi.

Theo các nhà sử học Tây Ban Nha, đội quân Hồi giáo lần đầu đụng độ đại quân Gothic đông hơn gấp nhiều lần trên đường từ Cartagena đến thành phố Cordoba.

Cuộc tiến quân thần tốc

Thất bại tại Cartagena khiến vua Roderic chịu nhiều sức ép. Năm 712, đích thân Roderic dẫn đại quân ra chiến trường, đụng độ quân Hồi giáo do Tariq bin Ziyad chỉ huy ở bờ sông Guadalete.

Nguồn thông tin Hồi giáo nói quân của vua Loderic có tới 100.000 người trong khi nhà sử học phương Tây cho rằng con số này chỉ khoảng 33.000. Để củng cố tinh thần binh sĩ, vua Loderic còn đem nhiều thành viên hoàng tộc ra chiến trường.

Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 4

Quân Hồi giáo với tinh thần chiến đấu và kỷ luật cao hơn dễ dàng đánh bại đội quân ô hợp của vua Roderic.

Al-Maqqari, nhà sử học Hồi giáo chép lại lời tướng Tariq: “Hãy nhớ những gì đã đưa chúng ta đến đây. Các ngươi sẽ nhìn thấy ta đích thân tiêu diệt tay Roderic đó, bạo chúa đối với người dân, bởi đây là ý của Thánh Allah. Nếu có thất bại, ta vẫn cảm thấy vui vì đã làm tròn nhiệm vụ mình”.

Không ai biết chính xác trận đánh quyết định đó diễn ra như thế nào, nhưng nhà sử học phương Tây David Lewis nói rằng, đội quân Hồi giáo thiện chiến hơn nhiều lần đã thuần thục cách đánh tiêu hao sinh lực địch. Từng đợt kỵ binh lao vào hàng ngũ quân địch dưới sự hỗ trợ của bộ binh.

Thời điểm đội quân Công giáo vỡ trận cũng là lúc vua Roderic ngã ngựa, chấp nhận cái chết cùng nhiều thành viên hoàng tộc. Tổn thất của vương quốc Visgoth là rất lớn trong khi người Hồi giáo chỉ mất 3.000 chiến binh (khoảng 1/4 lực lượng).

Cái chết của Roderic kéo theo sự tan rã của cả đạo quân lớn hơn gấp nhiều lần đối phương. Tariq ra lệnh cho quân truy đuổi và chia làm 4 đạo đánh chiếm đồng thời cả 4 thành phố Cordoba, Murcia, Saragossa và đích thân Tariq chiếm Toledo. Thành phố đầu hàng mà không một chút kháng cự nào. Triều đại của vua Roderic kết thúc ở Tây Ban Nha.

Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 5

Người Hồi giáo đưa Cordoba trở thành một trong những trung tâm văn hóa của đạo Hồi.

Chiến thắng này mở đường để đạo quân Hồi giáo thứ hai gồm 18.000 người do tướng Musa bin Nusair chỉ huy đổ bộ sang hỗ trợ đánh chiếm phần còn lại của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Bán đảo Iberia hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của người Hồi giáo vào năm 718. Dưới triều đại Hồi giáo, người dân Công giáo được phép sinh sống bình thường nếu chấp nhận nộp phạt hàng tháng và không bị tịch thu của cải, nhà cửa.

Cordoba là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa đạo Hồi. Một nhà sử học Công giáo từng nói: “Trong khi cả châu Âu rơi vào quãng thời gian đen tối thời Trung Cổ thì người Hồi giáo đã xây dựng một vương quốc tuyệt vời ở Cordoba”.

Số phận của hai vị tướng lập công, đặt nền móng cho người Hồi giáo ở châu Âu là Musa bin Nusair và Tariq bin Ziyad sau này đều không mấy sáng sủa.

Tân vương Sulaiman lên nắm quyền lo sợ trước quyền lực của hai vị dũng tướng nên đã tước bỏ mọi tài sản và chức vị của họ. Tariq bin Ziyad chết trong uất ức ở Damascus vào năm 720.

________________

Chiến thắng toàn diện ở Tây Ban Nha là cơ sở để đế chế Hồi giáo mở rộng cuộc chinh phạt chấn động thế giới vào sâu hơn nữa lãnh thổ châu Âu. Bài viết đăng sáng 2.7 sẽ khai thác cuộc chiến của người Hồi giáo ở Pháp và những hệ quả.

Vì đâu đế chế Hồi giáo hùng mạnh và ”càn quét” thế giới?

Nhà tiên tri Mohammed là người sáng lập đạo Hồi nhưng ít ai biết rằng ông cũng là chiến binh dũng mãnh, người thống nhất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những trận chiến lừng lẫy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN