Cuộc chiến với nhà Thanh đưa Nhật Bản trở thành thế lực khiến phương Tây dè chừng
Từ ngày 1/8/1894 cho đến ngày 17/4/1895, nhà Thanh ở Trung Hoa đối đầu với đế quốc Nhật dưới thời Nhật Hoàng Minh Trị một lần nữa để tranh giành quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên mà kết quả vượt ngoài dự đoán ban đầu.
Trong các cuộc hải chiến, Hạm đội Nhật Bản tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với Hạm đội nhà Thanh.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản muốn áp đặt ảnh hưởng tới bán đảo Triều Tiên. Cuối thế kỷ 16, dưới thời Totoyomi Hideyoshi, Nhật Bản từng kiểm soát gần như hoàn toàn bán đảo Triều Tiên nhưng cuối cùng bị quân nhà Minh đánh bật trở lại.
Nhưng lần này, cán cân quyền lực ở châu Á đã sang một trang mới. Nhật Bản sau gần 30 năm cải cách mạnh mẽ, đã trở thành một thế lực quân sự. Ngược lại, nhà Thanh ngày càng suy yếu sau hai cuộc Chiến tranh Nha phiến với phương Tây, mất dần ảnh hưởng ở Đông Á.
Đối với Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên luôn được coi là "con dao chĩa vào trái tim nước Nhật", nơi đạo quân Mông Cổ hùng mạnh một thời từng tìm cách vượt biển tấn công giai đoạn năm 1274 -1281.
Năm 1876, Nhật Bản đã ký một hiệp ước với Triều Tiên để đổi lấy một số đặc quyền, bao gồm việc Nhật Bản được phép đóng quân ở Triều Tiên. Điều này được nhà Thanh coi là mối đe dọa, vì các vương triều Triều Tiên trong hàng trăm năm luôn là chư hầu của Trung Hoa.
Chiến tranh cũng được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng nông dân Donghak, nổ ra vào năm 1894 tại Triều Tiên. Những người nổi dậy kêu gọi chấm dứt ảnh hưởng của nước ngoài để thúc đẩy các giá trị truyền thống ở Triều Tiên.
Phe nổi dậy được nhà Thanh hậu thuẫn còn Nhật Bản coi đây là mối đe dọa với lợi ích quốc gia, nên tăng quân tới Triều Tiên để đối phó.
Ngày 23/7/1894, Nhật Bản bắt sống vua Gojong ở thủ đô Seoul, đổi tên thành hoàng đế Gwangmu để thể hiện rằng Triều Tiên không còn chịu sự ảnh hưởng của nhà Thanh.
2 ngày sau, 4.000 quân Nhật tiến về phía cảng Asan ở phía nam, nơi có 3.800 quân nhà Thanh đồn trú. Asan là cảng biển chủ chốt, nơi lực lượng nhà Thanh ở Triều Tiên nhận được hàng hóa và vật tư tiếp tế.
Trận hải chiến Pungdo là trận đánh trên biển đầu tiên trong Chiến tranh Nhật - Thanh, diễn ra ở ngoài khơi Asan.
Thắng lợi trong chiến tranh Thanh - Nhật khiến phương Tây phải đánh giá lại sức mạnh của Nhật Bản.
Hạm đội Trung Quốc sở hữu số tàu chiến gấp đôi nhưng sự chênh lệch về công nghệ quân sự là quá lớn, trong đó các tàu chiến Nhật vượt trội hoàn toàn nhờ công nghệ đóng tàu của Anh. Ngược lại, số tiền lẽ ra được dùng để nâng cấp hạm đội đã được Từ Hi Thái Hậu dùng để nâng cấp cung điện ở Bắc Kinh.
Trong trận Pungdo, Nhật Bản chỉ có một tàu bị hư hại còn nhà Thanh mất 3 tàu và hơn 1.100 thủy thủ thiệt mạng.
Mất quyền kiểm soát vịnh Asan, quân Thanh rơi vào tình huống bị bao vây. Ngày 28/7/1894, quân Nhật tiến công Asan, khiến quân Thanh thương vong gấp 5 lần.
Hai cuộc đụng độ liên tiếp khiến quan hệ Nhật - Thanh rơi xuống mức không thể đảo ngược. Hai bên lần lượt tuyên chiến vào ngày 31/7 và 1/8.
Trận đánh lớn tiếp theo diễn ra ở Bình Nhưỡng, vào ngày 15/9/1894. Quân Nhật do tướng Oshima Yoshimasa chỉ huy tấn công quân Thanh ở thành Bình Nhưỡng từ 3 hướng. Sau một ngày giao tranh ác liệt, quân Nhật kiểm soát thành phố. Phía nhà Thanh tổn thất 2.000 quân và 4.000 người bị thương hoặc mất tích. Phía Nhật Bản chỉ thương vong 568 người. Một ngày sau, hạm đội Nhật và hạm đội nhà Thanh đụng độ trong trận chiến sông Áp Lục, trận hải chiến lớn nhất trong Chiến tranh Thanh - Nhật. Mặc dù mang tên là trận chiến sông Áp Lục nhưng giao tranh diễn ra trên biển Hoàng Hải, ngoài cửa sông Áp Lục.
Hạm đội Bắc Dương vang danh một thời của nhà Thanh chịu thiệt hại nặng nề với 1/3 số tàu bị đánh chìm. Phía Nhật không bị chìm bất cứ tàu nào mà chỉ có 5 chiến hạm bị hư hại.
Cuối thế kỷ 19, nhà Thanh ở Trung Hoa ngày càng suy yếu còn Nhật Bản trỗi dậy mạnh mẽ.
Ở thời đại mà các tàu chiến rất khó để bắn trúng tàu đối phương từ khoảng cách xa, Nhật Bản vượt trội hơn nhờ vào hỏa lực, đặc biệt là tốc độ nạp đạn và khai hỏa. Nhiều tờ báo lớn ở châu Âu khi đó đăng bài trang nhất mô tả về chiến thắng của hạm đội Nhật, cho rằng Nhật Bản thắng lợi là nhờ việc học hỏi chiến thuật và công nghệ phương Tây.
Sau hai trận đánh quyết định ở Bình Nhưỡng và trận sông Áp lục, quân Thanh rút khỏi Triều Tiên. Tháng 10/1894, quân Nhật tiến tới vùng Mãn Châu và bán đảo Liêu Đông, kiểm soát thành phố Mukden và thành phố cảng Lushunkou của Trung Quốc.
Quân Nhật đã gây ra cuộc thảm sát ở thành phố cảng Lushunkou vào ngày 21/11/1894. Phần lớn dân thường đã sơ tán khi đó nhưng vẫn còn khoảng vài ngàn người ở lại, cùng với binh sĩ nhà Thanh.
"Khi chúng tôi tới thành phố cảng, chúng tôi thấy đầu của một binh sĩ Nhật được đặt trên một cọc gỗ. Điều này khiến chúng tôi tức giận và chúng tôi đã sát hại bất cứ ai mà chúng tôi nhìn thấy. Rải rác trên đường phố là các thi thể. Nhà nào cũng có vài ba người chết", Makio Okabe, binh sĩ thuộc sư đoàn bộ binh số 1 của quân Nhật, viết trong nhật ký.
Tổng số người bị sát hại không được xác định cụ thể, nhưng theo các tài liệu lịch sử, số dân thường thiệt mạng là khoảng 2.600.
Hạm đội nhà Thanh rút về cảng Uy Hải Vệ ở tỉnh Sơn Đông, vùng duyên hải phía đông Trung Hoa. Đây là trận tiến công đánh dấu hải quân Nhật và lục quân phối hợp tác chiến một cách tinh vi. 10.600 quân Thanh cố thủ ở cảng Uy Hải Vệ cùng 2 thiết giáp hạm, 1 tàu khu trục và 13 tàu rải ngư lôi. Ở phía bên kia chiến tuyến, Nhật Bản huy động 25.000 quân cùng 3 tàu tuần dương.
3 chiến hạm Nhật nã pháo ở phía tây Uy Hải Vệ nhằm đánh lạc hướng, giúp sư đoàn số 2 và số 6 của Nhật Bản đổ bộ thành công xuống phía đông Uy Hải Vệ.
Thất bại trong chiến tranh Thanh - Nhật khiến nhà Thanh mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, mất ảnh hưởng ở bán đảo Triều Tiên.
Quân Nhật chia làm hai hướng tiến sâu vào Uy Hải Vệ. Đợt tiến công diễn ra đúng dịp Tết âm lịch và ý chí chiến đấu của quân Thanh đã giảm sút nên quân Nhật hầu như không gặp bất cứ khó khăn nào.
Trong trận đánh ở Uy Hải Vệ, Hạm đội Bắc Dương bị hủy diệt hoàn toàn. Đô đốc Đinh Nhữ Xương và cấp dưới là Đô đốc Lưu Bộ Thiềm đều tự sát. Với việc kiểm soát vùng ven biển tỉnh Sơn Đông và bán đảo Liêu Đông, Nhật Bản tạo thế gọng kìm với mục tiêu là Bắc Kinh.
Mối đe họa hiện hữu ngay trước mắt khiến nhà Thanh buộc phải cầu hòa, chấm dứt chiến tranh. Theo các điều khoản trong Hiệp ước hòa bình Shimonoseki được ký vào ngày 17/4/1895, nhà Thanh công nhận độc lập ở bán đảo Triều Tiên, từ bỏ kiểm soát đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Nhà Thanh cũng đồng ý chi trả chiến phí lên tới 600 triệu USD (theo quy đổi tiền tệ ngày nay).
Kết chúc chiến tranh kéo dài một năm, Nhật Bản tuyên bố bảo hộ bán đảo Triều Tiên trước khi sáp nhập hoàn toàn vào năm 1910. Quân Nhật cũng kiểm soát đảo Đài Loan sau chiến dịch đổ bộ kéo dài từ tháng 5 cho đến tháng 10/1895, kiểm soát đảo Bành Hồ và bán đảo Liêu Đông.
Trong toàn bộ chiến dịch, quân Thanh chịu tổn thất 35.000 người còn phía Nhật chỉ thương vong khoảng 5.000.
Việc Nhật Bản trỗi dậy mạnh mẽ, giành thắng lợi quá dễ dàng khiến 3 cường quốc khi đó gồm Nga, Đức và Pháp bày tỏ sự lo ngại. 3 cường quốc đồng loạt phản đối Nhật kiểm soát bán đảo Liêu Đông, một phần do đế quốc Nga đã nhăm nhe kiểm soát bán đảo này từ lâu.
Trước sức ép từ phương Tây, Nhật Bản buộc phải nhượng lại bán đảo Liêu Đông cho Nga để đổi lấy 30 triệu lạng bạc. Giới quân phiệt Nhật coi đây là sự chèn ép quá mức, là ngọn lửa châm ngòi cho cuộc chiến tranh Nga - Nhật giai đoạn năm 1904 - 1905.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự xuất hiện của Đô đốc Matthew Perry và những con tàu pháo sơn màu đen của Mỹ ở cảng Edo, Nhật Bản đã tạo ra một chuỗi những sự kiện không thể đoán định, đặc biệt...