Cuộc chiến UAV: Cách mạng hóa chiến tranh truyền thống

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các phương tiện không người lái (UAV hay UUV) đã cách mạng hóa chiến tranh truyền thống, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức to lớn cho các bên trên chiến trường.

Chiến trường không còn là lãnh địa độc quyền của binh lính, xe tăng hay các máy bay phản lực truyền thống. Trong kỷ nguyên mới, bầu trời ngày càng lấp đầy bằng những máy bay không người lái (UAV), được điều khiển nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) và được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công với độ chính xác đáng kinh ngạc.

Công nghệ UAV không chỉ mở rộng khả năng hủy diệt mà còn phá vỡ thế độc quyền của các cường quốc quân sự. Giờ đây, các quốc gia nhỏ hơn hoặc các nhóm phi nhà nước có thể khai thác sức mạnh UAV để thách thức những đối thủ vượt trội, làm thay đổi trật tự an ninh toàn cầu.

Cuộc cách mạng này đặt ra nhiều câu hỏi đạo đức và chiến lược trong bối cảnh an ninh toàn cầu. Khi ranh giới giữa con người và máy móc, chiến tranh và hòa bình ngày càng trở nên mờ nhạt, cần thiết phải đánh giá lại các chuẩn mực quốc tế cũng như chiến lược phòng thủ toàn cầu, theo trang Modern Diplomacy.

Dân chủ hóa sức mạnh trên không

Trước đây, để giành ưu thế trên không, các quốc gia cần đầu tư mạnh mẽ vào máy bay chiến đấu tiên tiến, đào tạo phi công chuyên biệt và xây dựng hạ tầng phức tạp. Tuy nhiên, sự xuất hiện của UAV giá rẻ (chẳng hạn như Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ) đã thay đổi hoàn toàn cán cân này. Với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với máy bay chiến đấu truyền thống, các UAV này đã mở ra cơ hội cho các quốc gia nhỏ hơn và cả các nhóm phi nhà nước thể hiện sức mạnh trên không theo cách chưa từng có.

Các máy bay không người lái Shahed-136 của Iran. Ảnh: MODERN DIPLOMACY

Các máy bay không người lái Shahed-136 của Iran. Ảnh: MODERN DIPLOMACY

Ví dụ, lực lượng Houthis tại Yemen đã sử dụng UAV để thực hiện các cuộc tấn công táo bạo vào các cơ sở dầu mỏ trọng yếu, làm lung lay thế trận của các cường quốc khu vực. Sự thay đổi này không chỉ đe dọa cán cân quyền lực mà còn buộc các quốc gia phải tìm kiếm các phương án phòng thủ sáng tạo hơn để đối phó với mối đe dọa từ trên không.

Những yếu tố thay đổi cuộc chơi

UAV không chỉ là công cụ giám sát hay vũ khí tấn công, mà còn là những nền tảng chiến tranh đa năng, từ việc thu thập thông tin tình báo theo thời gian thực đến triển khai các cuộc tấn công chính xác cao.

Tại Ukraine, UAV đã chứng minh vai trò thiết yếu trong việc đối phó với lực lượng Nga vượt trội cả về quy mô lẫn công nghệ. Những UAV này hỗ trợ quân đội Ukraine theo dõi các động thái của đối phương và tấn công hiệu quả vào các mục tiêu chiến lược. Trong các cuộc chiến tranh bất đối xứng, UAV trở thành giải pháp tiết kiệm chi phí để làm suy giảm lợi thế quân sự truyền thống của kẻ thù.

Không chỉ tại Ukraine, quân đội trên toàn thế giới đang phải rà soát và điều chỉnh chiến lược trước sức ảnh hưởng của UAV. Với tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao, UAV đã khẳng định vị trí không thể thiếu trong các môi trường chiến đấu đa dạng, từ đô thị đông đúc đến những khu vực địa hình phức tạp.

Mối đe dọa từ “đàn UAV”

Một bầu trời tràn ngập UAV hoạt động như đàn ong, phối hợp chặt chẽ với nhau, không còn là viễn cảnh xa vời mà đã trở thành hiện thực định hình chiến tranh hiện đại. Công nghệ UAV bầy đàn, dựa trên trí thông minh tập thể, sở hữu khả năng áp đảo ngay cả khi đối mặt với các hệ thống phòng không tiên tiến nhất.

Những quốc gia như Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua trong phát triển công nghệ này vì nhận thức rõ về tầm quan trọng chiến lược của nó. Với khả năng phối hợp và tốc độ vượt trội, “đàn UAV” có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các phòng tuyến truyền thống, đặt ra thách thức nghiêm trọng cho các quân đội và buộc họ phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận trong chiến tranh.

Một bầu trời tràn ngập UAV hoạt động như đàn ong, phối hợp chặt chẽ với nhau, không còn là viễn cảnh xa vời. Ảnh minh họa: IOT NEWS

Một bầu trời tràn ngập UAV hoạt động như đàn ong, phối hợp chặt chẽ với nhau, không còn là viễn cảnh xa vời. Ảnh minh họa: IOT NEWS

Những tiến thoái lưỡng nan về đạo đức

Công nghệ UAV đặt ra những vấn đề đạo đức phức tạp. Vì người điều khiển UAV không phải đối mặt trực tiếp với nguy hiểm, họ có thể dễ dàng đưa ra quyết định bắt đầu chiến tranh mà không quá lo lắng về việc tổn thất nhân mạng. Khi không phải chứng kiến hậu quả nhân mạng, các lãnh đạo có thể dễ dàng lựa chọn giải pháp quân sự để giải quyết xung đột.

Mặc dù UAV được khen ngợi vì khả năng tấn công chính xác, nhưng thực tế, thương vong dân sự vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Việc sử dụng UAV trong các chiến dịch tấn công quân sự có chủ đích làm dấy lên những tranh cãi về tính hợp pháp và đạo đức, đặc biệt khi thiếu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chiến dịch quân sự.

Thích ứng với thời đại UAV

Xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020 (cuộc xung đột sắc tộc và lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan) đã phơi bày điểm yếu của các lực lượng quân sự truyền thống trước các UAV hiện đại.

Với sự nhanh nhẹn và công nghệ tiên tiến, UAV dễ dàng vượt qua các hệ thống phòng không thông thường, buộc các quốc gia phải đánh giá lại chiến lược quân sự của mình. Sự thay đổi này đã thúc đẩy một làn sóng đầu tư lớn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa từ UAV.

Nhiều quốc gia đang tập trung phát triển các công nghệ chống UAV, bao gồm hệ thống gây nhiễu điện tử nhằm phá vỡ liên lạc giữa UAV và bộ điều khiển, cùng với UAV đánh chặn được thiết kế để vô hiệu hóa các mục tiêu thù địch trong khi bay.

Cuộc đua này giống như một trò chơi “mèo vờn chuột” với mức cược cao, khi mỗi bên không ngừng điều chỉnh để vượt qua công nghệ của đối phương.

Trong bối cảnh công nghệ UAV liên tục phát triển, việc phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả ngày càng trở nên cấp bách, khẳng định rằng cuộc chạy đua vũ trang công nghệ vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quân sự hiện đại.

Vai trò của AI và tự động hoá

AI đã đưa công nghệ UAV lên một tầm cao mới, mang lại khả năng hoạt động tự động hóa cao hơn bao giờ hết. Những UAV trang bị AI có thể tự đưa ra quyết định theo thời gian thực mà không cần con người can thiệp, từ việc xác định và tấn công mục tiêu, thực hiện giám sát, đến thích ứng với điều kiện chiến trường thay đổi. Khả năng tự động này không chỉ cải thiện tốc độ mà còn nâng cao hiệu quả chiến đấu, hứa hẹn sẽ định nghĩa lại chiến lược quân sự tương lai.

Tuy nhiên, việc triển khai UAV điều khiển bằng AI cũng đi kèm những rủi ro đáng kể.

Một trong những lo ngại lớn là nguy cơ hệ thống AI hiểu sai các tình huống phức tạp, dẫn đến các cuộc tấn công ngoài ý muốn hoặc thiệt hại ngoài dự tính. Không giống con người, AI thiếu khả năng hiểu bối cảnh toàn diện, điều cần thiết trong môi trường chiến đấu đa chiều.

Thêm vào đó, các hệ thống này dễ bị tấn công mạng, mở ra khả năng kẻ thù xâm nhập vào thuật toán điều khiển, gây ra lỗi hoạt động hoặc thậm chí biến UAV thành mối đe dọa với chính lực lượng sở hữu. Những rủi ro này nhấn mạnh tính dễ tổn thương khi phụ thuộc quá mức vào công nghệ tự động trong chiến tranh.

Còn xuồng không người lái thì sao?

Sự xuất hiện của xuồng không người lái (UUV) đang định hình lại chiến tranh hải quân, mở ra một kỷ nguyên mới trong chiến lược hàng hải. Những phương tiện này không chỉ là đột phá công nghệ mà còn trở thành yếu tố thay đổi cán cân sức mạnh trên biển.

Một minh chứng rõ ràng là tại Biển Đen, nơi lực lượng Ukraine đã sử dụng UUV để phá hoại các hoạt động hải quân Nga, cho thấy cách các quốc gia nhỏ hơn có thể dùng công nghệ tiên tiến để đối đầu với các cường quốc hải quân truyền thống.

UUV mang lại cho các quốc gia có năng lực hải quân hạn chế một công cụ hiệu quả để bảo vệ lợi ích hàng hải. Những thiết bị này có thể thực hiện giám sát, thu thập thông tin tình báo và thậm chí thực hiện các cuộc tấn công mà không gây nguy hiểm đến con người. Điều này đặc biệt hữu ích ở những vùng biển tranh chấp, nơi các tàu hải quân truyền thống có thể dễ bị tổn thương hoặc thiếu khả năng duy trì hiện diện lâu dài.

Tuy nhiên, sự phổ biến của UUV cũng đặt ra nhiều thách thức lớn.

Khi các quốc gia và cả các nhóm phi nhà nước tiếp cận được công nghệ này, nguy cơ gia tăng xung đột hàng hải trở nên rõ ràng hơn. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển các học thuyết hải quân mới và thiết lập các quy định quốc tế để quản lý việc sử dụng UUV.

Nếu không có các khuôn khổ như vậy, các cuộc đụng độ không mong muốn và sự leo thang căng thẳng trên các đại dương toàn cầu sẽ đe dọa ổn định và an ninh hàng hải, đồng thời thách thức các nguyên tắc hiện hành trong hoạt động hải quân.

Nhìn chung, các phương tiện không người lái đã cách mạng hóa chiến tranh truyền thống, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức to lớn. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý và đạo đức phù hợp là điều cấp thiết để đảm bảo rằng tiến bộ này sẽ phục vụ hòa bình, chứ không dẫn đến sự hủy diệt.

Xe tăng Ukraine bị phá hủy sau vụ thả bom kép do máy bay không người lái (UAV) Nga thực hiện, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DƯƠNG KHANG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN