Cuộc chiến pháp lý bầu cử Mỹ: Cửa ông Trump quá hẹp!
Trước tình hình bầu cử ngày càng bất lợi, Tổng thống Donald Trump dường như đang muốn ở lại Nhà Trắng bằng con đường kiện tụng. Tuy nhiên, ông Biden sẵn theo ông Trump tới cùng.
Ngày 6-11 (giờ Việt Nam), sau khi để mất một loạt bang chiến địa quan trọng về phía ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ hai của đương kim Tổng thống Donald Trump đến thời điểm này là gần như bằng không. Dù vậy, nhà lãnh đạo này có vẻ đang sẵn sàng đem cuộc đối đầu với ông Biden ra tòa án.
150 triệu cử tri Mỹ ước tính đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, theo báo cáo ngày 6-11 của tổ chức US Elections Project. Con số này trong cuộc bầu cử năm 2016 là khoảng 139 triệu, tức ít hơn 11 triệu. |
Nhân viên kiểm phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở TP Denver, bang Colorado ngày 4-11. Ảnh: AP
Chiến tranh pháp lý Trump - Biden tỏa nhiệt
Một trong những điểm đặc biệt của cuộc bầu cử năm nay là lượng phiếu bầu qua thư quá lớn đặt ông Trump vào thế bất lợi vì hầu hết cử tri bỏ phiếu qua hình thức này là người ủng hộ đảng Dân chủ, cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa thích bầu trực tiếp ở điểm bỏ phiếu hơn. Càng về cuối quá trình kiểm phiếu ở các bang chiến địa, chính các phiếu lá thư đã giúp ông Biden có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách nhiều lúc lên đến hàng trăm ngàn phiếu phổ thông trước ông Trump.
Trước tình hình trên, đội ngũ tranh cử của ông Trump và chính bản thân tổng thống cũng nhận thấy rõ ràng rằng nếu không hành động ngay lập tức và ngồi chờ đến khi các bang chính thức công bố kết quả thì mọi chuyện sẽ không còn có thể cứu vãn nữa. Vì vậy, đội ngũ của ông Trump đến nay đã đâm đơn kiện lên các bang như Pennsylvania, Michigan, Georgia và Nevada với yêu cầu ngừng kiểm phiếu ở những bang này và tiến hành rà soát tổng thể quy trình kiểm phiếu.
Ngày 5-11 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố trên trang Twitter chính thức rằng tất cả bang mà ông Biden được cho là đã chiến thắng gần đây đều sẽ bị điều tra lại vì có bằng chứng “gian lận kết quả”. Chưa rõ chiến dịch pháp lý của ông Trump sẽ đi đến đâu nhưng bước đầu đã phải nhận một gáo nước lạnh khi thẩm phán ở hai bang Georgia và Michigan đã bác đơn kiện của ông vì thiếu cơ sở và bằng chứng cụ thể.
Tuy nhiên, dường như kết quả này không làm chùn bước nhà lãnh đạo Mỹ khi theo nguồn tin của tờ The Hill, các nhân viên dưới quyền ông Trump đang rất tích cực vận động gây quỹ cho cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử. Một loạt email, tin nhắn được cho là đã gửi tới cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa, kêu gọi quyên góp tiền và tiếp tục cáo buộc đảng Dân chủ đang tìm cách “đánh cắp” cuộc bầu cử.
Hiện không rõ quỹ pháp lý của ông Trump đã gây được bao nhiêu nhưng một loạt nghị sĩ đảng Cộng hòa lên tiếng khẳng định sẽ hỗ trợ tổng thống, điển hình là thượng nghị sĩ Lindsey Graham tuyên bố ủng hộ tới 500.000 USD.
Về phía ông Joe Biden, ứng viên này ngay sau khi được nghe về kế hoạch kiện tụng của ông Trump đã khẳng định cứng rắn trong cuộc họp báo ngày 5-11 rằng ông sẵn sàng “quyết chiến” với ông Trump tới cùng, dù là ở cuộc bầu cử hay ở tòa án. Đội ngũ tranh cử của ông Biden cũng gửi lời kêu gọi tới cử tri trung thành ủng hộ quỹ pháp lý cho ông.
Trình bày: QUANG TUỆ
Phía trước ông Trump là khó khăn
Theo tờ The New York Times, dù cho ông Trump và đồng minh sẵn sàng nhờ tòa án giải quyết tranh chấp kết quả bầu cử đến mức nào thì theo giới chuyên gia, cuộc chiến pháp lý sắp tới của ông chắn chắn sẽ gặp rất nhiều thử thách.
Đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào để trình tòa ngoài các tuyên bố suông. Vụ kiện chỉ được tiếp nhận trong trường hợp phải có bằng chứng chứng minh được là có dấu hiệu thêm bớt phiếu bầu không hợp lệ.
Thứ hai, Tòa án Tối cao là tòa phúc thẩm cuối cùng ở Mỹ và chỉ tiếp nhận tranh chấp một khi tòa án liên bang không đủ khả năng giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, việc đưa được hồ sơ lên Tòa án Tối cao là cực kỳ khó khăn và tốn thời gian, tiền bạc. Vì vậy, sẽ có rất nhiều việc phải làm tại các tòa án cấp bang trước khi vụ việc được phân xử tại Tòa án Tối cao.
Ngay cả trong trường hợp đưa lên được Tòa án Tối cao thì phán quyết nhiều khả năng cũng không tạo ra được tác động đáng kể lên kết quả bầu cử theo hướng mà ông Trump muốn, bởi các lá phiếu vẫn là thứ quyết định ai cuối cùng sẽ là tổng thống chứ tòa không thể chỉ định rằng ai sẽ thắng hoặc ai sẽ thua. Kịch bản khả dĩ nhất là nếu Tòa án Tối cao tuyên bố có dấu hiệu sai phạm trong khâu kiểm phiếu thì nó cũng sẽ chỉ là một phương tiện để ông Trump có cơ sở yêu cầu loại bỏ các phiếu không có lợi cho mình. Nếu ngay cả khi loại bỏ những lá phiếu đó mà vẫn không đủ phiếu thì ông Trump phải chấp nhận thất bại rõ ràng.
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng ông mong đợi Tòa án Tối cao Mỹ sẽ có vai trò quan trọng trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng vì trước đó ông đề cử thành công ba thẩm phán bảo thủ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thẩm phán có thể ra một phán quyết trái với quan điểm chính trị của tổng thống nhưng lại phù hợp với pháp luật vì cơ quan này vẫn bị hiến pháp ràng buộc. Do đó, dù đang có lợi thế về số thẩm phán bảo thủ (sáu người) so với số thẩm phán cấp tiến (ba người) song cơ hội cho ông Trump ở Tòa án Tối cao là chưa rõ ràng.
Nếu thất bại, ông Trump sẽ ra tranh cử lại vào năm 2024? Theo đài CNN, nhiều trợ lý của Tổng thống Trump đã bắt đầu thảo luận khả năng tái tranh cử năm 2024 của ông khi tình hình cuộc bầu cử năm nay ngày càng bất lợi. Việc thảo luận về khả năng tái tranh cử năm 2024 cho thấy “nội bộ chiến dịch của Tổng thống Trump ngày càng tỏ ra bi quan” với kết quả kiểm phiếu hiện tại. “Mọi người đều nghĩ đây sẽ là cuộc bầu cử thất bại. Chúng tôi trước bầu cử tuyên bố sẽ dẫn trước ông Biden với cách biệt hai con số và thu được một lượng lớn phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, giờ chúng đã quá xa vời” - một cố vấn của ông Trump tên Bryan Lanza chia sẻ với CNN. Ông này cũng nói thêm rằng ông tin Tổng thống Trump sẽ có “vị thế tốt hơn” nếu tái tranh cử vào bốn năm sau. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ cần Hạ viện phân xử cuộc bầu cử năm nay là có khả năng tái đắc cử, mà không cần giành...