Cuộc chiến Houthi và quân đội Yemen: Vì sao cứ đến buổi chiều là dừng bắn?

Từ giờ ăn trưa cho đến khi hoàng hôn, pháo kích và giao tranh giảm dần. Houthi và nhiều đơn vị quân đội Yemen ngầm định đình chiến để lực lượng 2 bên nhai lá "thiên đường", một thói quen mà phần lớn người dân Yemen duy trì từ lâu.

Lá khat được xem như “rượu Whisky” của binh sĩ Yemen. Ảnh: ADN

Lá khat được xem như “rượu Whisky” của binh sĩ Yemen. Ảnh: ADN

Theo một bài viết trên The Economist năm 2018, các quan chức Yemen gọi lá khat (lá "thiên đường") là "viagra của Yemen" và không cấm sử dụng. Taher Ali al-Auqaili, người giữ chức tham mưu trưởng quân đội Yemen dưới thời Tổng thống Abdrabbuh Mansur Hadi, nói rằng, cây khat là "rượu whisky của chúng tôi", đồng thời tuyên bố loại cây này "mang lại sức mạnh cho binh sĩ Yemen để đối đầu với Houthi". 

Houthi, nhóm vũ trang đối đầu với chính phủ Yemen, cũng chú trọng đến cây khat và cung cấp cho các tay súng của nhóm. Hàng ngày, các xe tải chở đầy lá khat được đưa tới các khu vực do Houthi kiểm soát.

Dù đối địch và giao tranh ác liệt trong cuộc nội chiến ở Yemen, Houthi và quân đội Yemen vẫn có "luật bất thành văn" là tạm đình chiến mỗi chiều để lực lượng 2 bên nhai lá khat. 

Theo giới chuyên gia, hoạt chất alkaloid trong lá khat có tính kích thích cao. Sau khi nhai xong, các tay súng Houthi hoặc quân đội Yemen sẽ rất hưng phấn. Họ không còn lo lắng, mệt mỏi hay đau đớn mà thay vào đó là một cảm giác tràn đầy năng lượng khiến họ nghĩ rằng có thể làm mọi việc. Sau khi thỏa mãn "cơn nghiện", lực lượng 2 bên lấy lại sức rồi tiếp tục chiến đấu.

Ngoài việc ngầm mặc định đình chiến mỗi chiều, lực lượng 2 bên cũng ngầm thống nhất phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thương gia, người bán lẻ và xe chở lá khat vì lợi ích mà họ thu được từ loại cây này quá lớn.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược Sanaa, ở những nơi có xung đột tại Yemen, các xe chở lá khat băng qua tiền tuyến vào mỗi sáng sớm rất dễ dàng. Các xe này được gọi là xe "Trăng lưỡi liềm xanh", một cách ví von các xe này được các bên liên quan xung đột đặc cách như xe của tổ chức nhân đạo Trăng lưỡi liềm đỏ.

Theo một bài viết trên trang The Defense Post năm 2019, Houthi còn sử dụng lá khat để chiêu mộ một đội quân ở tuổi vị thành niên (bé nhất là 11 tuổi). Bộ trưởng Thông tin Yemen khi đó nói, Houthi thường cho các tay súng vị thành niên dùng lá khat để giữ tỉnh táo khi giao tranh.

Một bài viết trên Fox News, trong năm 2018, cũng đưa thông tin, Houthi sử dụng lá khat và một số thuốc cấm để khiến các tay súng trẻ "không còn biết sợ". "Họ dùng khat, thuốc cấm và cả bùa phép để khiến các tay súng tập trung chiến đấu", Fox News dẫn lời một sĩ quan quân đội Yemen. "Bùa phép khiến các tay súng Houthi tin rằng đối phương không thể bắn trúng họ".

"Các tay súng Houthi ngủ đến trưa và sau đó bắt đầu nhai lá khat", một sĩ quan quân đội Yemen nói thêm về thói quen nhai lá khat của đối thủ. "Sau khi thỏa mãn, họ bắt đầu di chuyển".

Một bài viết năm 2021 trên LA Times dẫn lời một quan chức Yemen cho hay, "các binh sĩ quân đội Yemen sẽ chiến đấu với Houthi dưới các chiến hào. Sau đó, họ sẽ đi mua lá khat, loại được lấy về từ các khu vực do Houthi kiểm soát. Từ trưa đến 16h, sẽ ngầm có một lệnh ngừng bắn giữa 2 bên".

Nhiều người Yemen dù thiếu ăn nhưng vẫn không thể bỏ thói quen nhai lá khat mỗi ngày. Họ làm mọi thứ để có tiền mua khat. Thậm chí, có những người sẵn sàng gia nhập lực lượng của Houthi chỉ để có thể có nguồn cung lá khat. Việc thu thuế từ cây khat cũng giúp chính phủ Yemen và Houthi có những khoản tiền lớn. 

Lá "thiên đường" hay "địa ngục"

Theo Reuters, thú tiêu khiển nhai lá khat là một trong số ít điều không bị đảo lộn ở Yemen, quốc gia bị tàn phá vì nhiều năm chiến tranh liên miên.

Khat (hay còn gọi là lá "thiên đường") là loại cây gây nghiện, dạng cây bụi nhỏ, giống cây trà, lá có mùi thơm, vị hơi ngọt, được trồng nhiều ở Yemen và Đông Phi. Trong khi nhiều nước như Mỹ, Anh, Canada, Đức cấm trồng, mua bán và tiêu thụ khat thì tại các nước như Djibouti, Ethiopia, Somalia, và Yemen, các hoạt động liên quan đến loại cây gây nghiện này lại hợp pháp.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược Sanaa, khat có nguồn gốc từ Ethiopia và được đưa đến Yemen khoảng 700 năm trước. Đầu thế kỷ 20, loại cây này được xem là một thứ xa xỉ, chủ yếu dùng trong giới thượng lưu. Cùng thời điểm đó, việc buôn bán cà phê của Yemen bị suy giảm, một phần do chủ nghĩa thực dân châu Âu mở rộng sản xuất toàn cầu. Cà phê Yemen khi đó phải cạnh tranh với cà phê Java và châu Mỹ.

Trước tình hình đó, vị lãnh đạo cai trị miền bắc Yemen khuyến khích các chủ đồn điền thay thế cây cà phê bằng cây khat. Miền bắc Yemen sau đó bán cây khat sang miền nam Yemen, nơi loại cây này chưa phổ biến. Số tiền lớn thu được từ việc bán khat sang miền nam càng khuyến khích nông dân Yemen chuyển sang trồng nhiều loại cây này.

Sau thế kỷ 20, khat trở nên phổ biến ở Yemen khi việc trồng loại cây này tăng lên cùng việc tiêu thụ. Kể từ đó, việc nhai lá khat vào mỗi buổi chiều trở thành một phần phổ biến trong văn hóa Yemen, đặc biệt là vùng cao nguyên phía bắc.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2008, 90% đàn ông và 70% phụ nữ Yemen sử dụng lá khat. Ngoài ra, khoảng 15-20% trẻ dưới 12 tuổi ở Yemen cũng học theo người lớn, nhai loại lá này.

CNN năm 2015 dẫn kết quả một số nghiên cứu của Liên Hợp Quốc cho thấy, khoảng 60% đất nông nghiệp Yemen được dùng để trồng khat, trong khi hàng triệu người ở nước này vẫn sống trong cảnh thiếu ăn. Chính những người buôn khat cũng cho rằng thật phi lý khi một quốc gia đang thiếu lương thực đến mức nguy hiểm lại dồn đất để trồng một loại cây gây nghiện.

Houthi, nhóm vũ trang kiểm soát nhiều vùng ở Yemen, thu lợi lớn từ cây khat. Ảnh: AP

Houthi, nhóm vũ trang kiểm soát nhiều vùng ở Yemen, thu lợi lớn từ cây khat. Ảnh: AP

Nhai khat là một phần truyền thống và trọng tâm trong đời sống ở Yemen. Ngày làm việc ở Yemen chỉ từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Thời gian sau đó, đại đa số người dân dừng làm việc để tán gẫu, nhai lá khat và nhấm nháp những ly trà nhỏ.

Lá và búp cây khat chứa cathinone, một loại chất kích thích giống như amphetamine, khiến người dùng phấn khích. Dần dần, người sử dụng phụ thuộc vào loại cây này và hứng chịu những tác động tiêu cực về sức khỏe.

"Ban đầu, khi nhai khat, các chất trong loại cây này sẽ tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ra trạng thái tâm lý hưng phấn ở cấp độ từ nhẹ đến trung bình. Tâm lý đó thúc đẩy tương tác xã hội và khiến người dùng nói nhiều hơn bình thường.

Khi đạt đến trạng thái hưng phấn, người nhai cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Trạng thái này kéo dài khoảng 1,5 - 3,5 giờ kể từ khi bắt đầu nhai khat. Sau đó, sự hưng phấn dần được thay bằng chứng khó nuốt nhẹ, lo lắng, mất ngủ, chán ăn", một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurosciences chỉ ra. Ngoài ra, cathinone trong lá khat cũng dẫn tới một số trường hợp ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, có các hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực.

Khat được thu hoạch vào lúc bình minh và phân phối trên khắp Yemen bằng mạng lưới xe bán tải tốc độ cao để kịp đưa ra thị trường trước khi chúng héo. Phần lớn, người nhai khat nhận được loại cây này vào giờ ăn trưa. Đó là lý do loại cây này thường được sử dụng vào buổi chiều. Loại khat rẻ nhất có giá khoảng 2,5 USD (hơn 60.000 đồng).

Cho đến nay, vẫn chưa có một biện pháp đặc hiệu nào để điều trị ngộ độc chất cathinone có trong lá khat. Việc chữa trị phần lớn là điều trị triệu chứng, hỗ trợ chức năng hô hấp, tuần hoàn và thần kinh.

Mỹ và châu Âu liệt lá khat vào danh mục ma túy cực kỳ nguy hiểm, cấm sử dụng. Tại châu Á, loại cây gây nghiện này cũng bị cấm ở nhiều nước.

Các tay súng Houthi nhai lá khat. Ảnh: Khaled Abdullah

Các tay súng Houthi nhai lá khat. Ảnh: Khaled Abdullah

-------------------

Houthi là một nhóm vũ trang được đánh giá là "đáng gờm". Dù liên tục bị thử thách trong suốt 2 thập kỷ chiến tranh, nhưng nhóm vũ trang này vẫn ngày càng lớn mạnh. Điều này khiến Mỹ và Israel "gặp khó" trong cách lựa chọn phương án tốt nhất để đối phó, trong bối cảnh Houthi liên tục có động thái rắn ở Biển Đỏ thời gian gần đây. Thế khó của Mỹ và Israel là gì? Liệu giải pháp quân sự nhằm vào Houthi có khả thi? Bài kỳ tới sẽ giúp giải đáp phần nào các câu hỏi này.

Những động thái rắn ngày càng leo thang của Houthi ở Biển Đỏ đã nhận phản ứng quân sự từ Mỹ và các đồng minh. Theo giới chuyên gia, phản ứng như vậy là hợp lý, nhưng sẽ mang lại cho Houthi, hoặc ít nhất là những người theo đường lối cứng rắn của nhóm vũ trang này, những gì họ muốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Tiềm lực của phong trào Houthi ở Yemen Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN