Cuộc chiến giúp Anh hất cẳng Pháp, chính thức thống trị toàn cõi thuộc địa ở nước Mỹ
Được biết đến với tên gọi Chiến tranh Pháp – Da đỏ (hay Chiến tranh Trăm năm lần II) cuộc chiến này thực chất là xung đột quân sự trực tiếp bên ngoài lãnh thổ châu Âu giữa Anh và Pháp, 2 cường quốc thuộc địa lớn mạnh nhất thời kỳ đó.
Chiến tranh Pháp - Da đỏ thực chất là cuộc đụng độ quân sự đầu tiên giữa 2 cường quốc Pháp - Anh bên ngoài châu Âu
Đầu những năm 1750, việc Pháp liên tục bành trướng sang thung lũng sông Ohio khiến cho người Anh lo ngại, vì điều này trực tiếp xung đột với các thuộc địa trù phú của nước này ở phía đông lục địa Mỹ.
Mùa thu năm 1753, người Anh gửi một sứ giả băng qua các miền hoang dã đến các đồn ải của người Pháp ở vùng đang tranh chấp. Sứ giả này chính là George Washington, Tổng thống tương lai của nước Mỹ, khi đó mới 21 tuổi. Ông mang lá thư của vị thống đốc thuộc địa Virginia gửi cho vị tư lệnh các đồn ải của Pháp, nhằm cảnh cáo họ phải rời bỏ vùng lãnh thổ này vì chúng từ lâu đã là đất của người Anh.
Nhưng vị tư lệnh của người Pháp đã bỏ ngoài tai toàn bộ những lời cảnh báo trên. Tình thế này khiến người Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nổ súng.
Địa giới vùng thuộc địa của Anh (đỏ), Pháp (tím) và khu vực tranh chấp (xám) tại Mỹ trước thời điểm chiến tranh nổ ra
Năm 1775, quân Anh bắt đầu tấn công các pháo đài, đồn ải quan trọng của Pháp. Tướng Edward Braddock, Tổng Tư Lệnh các lực lượng Anh ở Mỹ vào lúc đó, đã tự thân chinh cầm quân đánh chiếm pháo đài Duquesne. Đạo quân gồm lực lượng chính quy và các lực lượng địa phương tại Virginia, chủ yếu từ các bộ lạc da đỏ.
Khi đoàn quân vừa di chuyển vừa thiết lập đường tiến quân xuyên qua một vùng đất hoang, bất chấp lời khuyên của các binh sĩ da đỏ, tướng Braddock vẫn tự tin khẳng định: “Thực ra quân mọi rợ này chỉ có thể là kẻ thù đáng sợ đối với những dân quân châu Mỹ còn thiếu kinh nghiệm như các bạn. Nhưng đối với đội quân có kỷ luật của nhà vua, thì chúng không phải là điều đáng lo.”
Sự chủ quan khinh địch của ông đã dẫn đến hậu quả thảm hại. Ngay khi quân đội Anh chỉnh tề đi theo hàng dọc xuyên qua khu đất hoang vu, thì một toán quân Pháp và da đỏ mai phục từ 2 bên đã tấn công họ bất ngờ. Những chiếc áo đỏ của quân Anh trở thành mục tiêu béo bở của đối phương. Đoàn quân dũng lược kiêu hùng của tướng Braddock vỡ trận thê thảm và phải rút lui.
Liên quân Anh - Da đỏ bị quân Pháp vây khốn tại Duquesne
Theo sau sự thất bại của tướng Braddock là những lợi thế liên tiếp của người Pháp. Quân Anh không thể huy động đầy đủ hậu cần và lính tiếp viện từ các thuộc địa của mình, trong khi tổng tư lệnh Edward Braddock lại không phải là người có kinh nghiệm chiến đấu ở địa hình rừng núi. Kết quả là quân Pháp chiến thắng hầu hết trên các mặt trận trong suốt 2 năm liên tiếp, chiếm được nhiều đồn ải của người Anh.
Nhưng số mệnh cuộc chiến đã thực sự thay đổi vào năm 1758 nhờ sự thay đổi vị trí lãnh đạo nội các Anh vào thời điểm đó, với Tân Thủ tướng William Pitt (cha). Nhận thấy tiềm năng mở rộng thuộc địa to lớn của đế quốc Anh nếu giành chiến thắng, Thủ tướng Pitt đã ra sức thúc giục các thuộc địa cung cấp thêm binh lính và hỗ trợ tài chính, đồng thời gửi sang châu Mỹ những vị chỉ huy trẻ trung và dày dạn kinh nghiệm hơn.
Kể từ đó, người Anh liên tiếp giành chiến thắng, khởi đầu từ việc đánh chiếm thành công pháo đài Louisburgh của quân Pháp vào năm 1758. Đến tháng 9 cùng năm, tướng John Forbes lãnh đạo quân Anh tái chiếm thành công pháo đài Duquesne, sau lần đầu tiên thất bại ê chề. Pháo đài sau đó được đổi tên thành Pháo đài Pitt để vinh danh thủ tướng Anh thời đó, và là nơi khai sinh ra thành phố Pittsburgh sau này của nước Mỹ.
Tân Thủ tướng William Pitt là người đã góp phần thay đổi hoàn toàn chiến cục của người Anh tại châu Mỹ
Trận đánh quyết định thắng lợi của Anh diễn ra tại vào đầu mùa hè năm 1759. Dưới sự chỉ huy của tướng James Wolfe, một hạm đội Anh với hàng ngàn binh sĩ đã ngược dòng sông St. Laurence đổ bộ lên thị trấn Quebec (nay thuộc Canada) và giao chiến dữ dội với quân Pháp đồn trú tại đây.
Quân Pháp dù đông hơn, nhưng phần lớn binh sĩ trong số này là tân binh không được huấn luyện kỹ càng, thị trấn thì thiếu lương thực và không còn hy vọng nhận được quân lương và tiếp viện từ chính quốc, do tuyến đường thủy duy nhất tới Quebec là sông St. Laurence khi đó đã bị hải quân Anh phong tỏa. Dù vậy, tướng chỉ huy quân đội Pháp khi đó là Louis Montcalm thề sẽ liều chết để bảo vệ Quebec cho đến mùa đông với hy vọng khi dòng sông bị đóng băng, hạm đội của Anh sẽ vì thế mà buộc phải rút lui.
Sau nhiều lần bắn đại bác qua sông vào Quebec nhưng không gây thiệt hại cho đối phương, nhận thấy mùa đông đang tới gần, tướng Wolfe quyết định đi nước cờ mạo hiểm. Trong đêm tối, ông chỉ huy toàn bộ các binh sĩ của mình bí mật vượt sông, leo lên một ngọn đồi ở phía trái thị trấn, nơi quân Pháp không canh chừng. Sáng hôm sau, quân Pháp thất kinh thấy quân Anh chỉnh tề từng hàng đứng sừng sững ngay bên ngoài thành lũy của mình.
Nhưng Montcalm vẫn hạ lệnh tấn công. Dù chiến đấu rất gan dạ, nhưng quân Pháp không thể chống đỡ đạo quân chính quy tinh nhuệ của Anh. Hai vị tướng của cả 2 bên đều bị thương nặng sau trận tử chiến. Trong khi nằm hấp hối, tướng Montcalm trăng trối: “Tôi cảm thấy sung sướng là không còn sống để chứng kiến cảnh đầu hàng của Quebec”. Còn tướng Wolfe, khi hay tin địch quân đang rút lui, ông nói những lời cuối cùng trong đời: “Bây giờ thì tôi có thể chết trong hòa bình”.
Tướng James Wolfe tử thương trong trận thắng quyết định của quân Anh tại Quebec năm 1759
Trận Quebec được coi như trận đánh quan trọng nhất trong chiến tranh Pháp – da đỏ, định đoạt số phận của quân đội 2 nước tại Bắc Mỹ. Quân Anh chiếm thế thượng phong trong khi Pháp đại bại, phải ký hòa ước tại Paris vào năm 1763 để chấm dứt chiến tranh.
Theo hòa ước này, thì ngoại trừ New Orleans, Anh quốc chiếm được toàn bộ lãnh thổ của Pháp nằm ở phía Đông sông Mississippi, bao gồm cả Canada cùng với dải đất phía Nam vùng Hồ Lớn. Tây Ban Nha, một nước đồng minh của Pháp trong cuộc chiến, cũng phải trao cho Anh vùng Florida. Sau cùng, để bù đắp cho những tổn thất sau cuộc chiến, Pháp nhường cho Tây Ban Nha New Orleans, chỉ còn làm chủ vùng đất nằm phía Tây sông Mississippi. Ngoại trừ hai hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi Newfoundland và một hòn đảo ở vùng Tây Ấn (tức vùng biển Caribbean), Pháp mất hết lãnh thổ ở lục địa châu Mỹ.
Phải mãi tới 15 năm sau, sự cay đắng của người Pháp mới phần nào được khuây khỏa, khi họ đã góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng của George Washington để lật đổ sự thống trị của người Anh, giành độc lập cho toàn bộ 13 bang thuộc địa ở Mỹ.
Theo một khảo sát mới ở Anh, bức ảnh “Em bé Napalm“ do nhiếp ảnh gia Nick Ut chụp năm 1972 được bình chọn là bức ảnh có...
Nguồn: [Link nguồn]