"Cuộc chiến" giữa Nga và Ukraine trên nền tảng Telegram
Nga và Ukraine sử dụng mạng xã hội Telegram để truyền tải thông điệp trên mặt trận thông tin trong cuộc xung đột đang diễn ra.
CEO kiêm nhà sáng lập Telegram, Pavel Durov. Ảnh: Moscow Times.
Trong tuyên bố ngày 27/8, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói nền tảng Telegram giúp Nga "truyền tải thông điệp tới người dân Ukraine".
Đề cập việc CEO kiêm nhà sáng lập Telegram Pavel Durov bị bắt giữ ở Pháp với 12 cáo buộc hình sự, ông Medvedev nói sự tồn tại của nhiều loại hình tội phạm trên Telegram không có nghĩa là người sáng lập nền tảng hoan nghênh điều này.
Ông Medvedev nói Telegram được sử dụng rộng rãi ở Nga, cả ở các khu vực chiến sự và việc người Ukraine sử dụng Telegram cũng rất quan trọng.
"Ukraine từng thừa nhận rằng họ không thể kiểm soát Telegram. Thông qua nền tảng này, thông tin mà chúng tôi đăng tải tới được với người dân Ukraine - những người dân bình thường. Nhờ đó, họ bắt đầu nắm được những gì đang diễn ra, khác với thông tin họ biết trên truyền hình", ông Medvedev nói tại một sự kiện của đảng cầm quyền Nga.
Cùng trong ngày 27/8, phát ngôn viên Điện Kremlin bác bỏ thông tin chính phủ yêu cầu các quan chức xóa tài khoản Telegram, "tẩy sạch các nội dung tin nhắn". Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói việc Pháp bắt giữ Durov đã chứng minh Telegram là một nền tảng "thực sự" an toàn, theo RT.
Theo tờ Ukrainska Pravda, Kyrylo Budanov, Giám đốc Cơ quan Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, từng thừa nhận Telegram tạo ra mối đe dọa an ninh với Ukraine. Nhưng ông Budanov nói Telegram cũng giúp Kiev truyền tải thông tin tới những người dân sống ở các khu vực do Nga kiểm soát.
Việc Pháp bắt giữ Durov cũng thổi bùng tranh cãi trong nội bộ Ukraine về việc có nên cấm Telegram hay không. Hôm 27/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói vấn đề cấm mạng xã hội Telegram hay không cần được xem xét kỹ lưỡng. Cá nhân ông Zelensky cũng có tài khoản chính thức trên Telegram.
Theo trang RBC-Ukraine, có hai luồng ý kiến ở Ukraine về việc có nên cấm Telegram hay không. Luồng ý kiến ủng hộ cho rằng, Telegram thực chất là "con ngựa thành Troy" để Nga lan truyền ảnh hưởng trong nội bộ Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thường xuyên đăng tải thông tin trên nền tảng Telegram.
Luồng ý kiến này lập luận Durov chưa bao giờ công khai tuyên bố từ bỏ quốc tịch Nga và mặc dù Durov nói Telegram là nền tảng trung lập, CEO này rất có thể đã âm thầm hợp tác với nhà chức trách Nga từ lâu.
"Không có bằng chứng nào cho thấy Durov đã từ bỏ quốc tịch Nga. Durov có quốc tịch Pháp và sống chủ yếu ở Dubai. Nhưng điều này không đòi hỏi anh ta phải từ bỏ quốc tịch Nga. Do đó, có khả năng Nga phần nào đó vẫn kiểm soát Telegram. Có khả năng thông tin cá nhân của người dùng trên Telegram được chuyển cho Cơ quan An ninh Nga", nghị sĩ Ukraine Yaroslav Yurchyshyn nói vào tháng 4/2024, theo RBC-Ukraine.
Trước khi bị bắt ở Pháp, Durov xuất hiện ở Azerbaijan, được cho là tìm cách dàn xếp một cuộc gặp với Tổng thống Nga Valdimir Putin khi ông Putin thăm Azerbaijan nhưng không thành công.
Luồng ý kiến thứ hai phản đối cấm Telegram cho rằng, Durov rời Nga từ cách đây 10 năm, từng đối mặt sức ép từ nhà chức trách Nga nên có sự độc lập nhất định. Telegram cũng là nền tảng liên lạc qua mạng được sử dụng chính ở Ukraine nên rất khó để có thể cấm hoàn toàn.
Trong cuộc xung đột đang diễn ra, các tài khoản Telegram có liên hệ với quân đội Ukraine đăng tải nhiều video cho thấy tổn thất của Nga trong giao tranh. Các video này nhận được sử hưởng ứng rộng rãi từ phương Tây. Các quan chức Ukraine cũng sử dụng Telegram để chia sẻ thông tin về tình hình chiến sự, cảnh báo người dân về các cuộc không kích của Nga.
Ở phía bên kia, các tài khoản Telegram có liên hệ với quân đội Nga cũng đăng video chiến sự cho thấy tổn thất của Ukraine.
"Cấm Telegram đồng nghĩa Ukraine chấp nhận thất bại trước Nga trong cuộc chiến ngầm trên mặt trận thông tin. Lỗi không nằm ở Telegram mà do đối phương sử dụng nền tảng này tốt hơn", trang RBC-Ukraine nhấn mạnh luồng ý kiến thứ hai.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng loạt quan chức Nga lên án việc Pháp bắt ông Pavel Durov - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) Telegram.