Cuộc chiến giành quyền lực giữa 8 hoàng tử hậu duệ Tư Mã Ý sau thời Tam Quốc
Trong lịch sử Trung Hoa, các triều đại trỗi dậy kéo theo quyền lực và giang sơn được chia cho các tông thất với mong muốn gia tộc sẽ trường tồn. Nhưng không ngờ rằng, chính các hoàng tử, huynh đệ trong gia tộc quay sang tàn sát lẫn nhau để chiếm trọn quyền lực.
Ảnh minh họa Tấn Vũ Đế, Tư Mã Viêm, cháu nội của Tư Mã Ý.
Loạn bát vương (năm 291-206) là cuộc xung đột trong nội bộ tông thất nhà Tấn, trực tiếp làm suy yếu, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Tây Tấn ở Trung Hoa (năm 266-316), bước vào thời kỳ bất ổn mới trong lịch sử Trung Quốc.
Quyền lực của gia tộc Tư Mã được Tư Mã Ý (179-251) gây dựng ở nước Ngụy trong thời kỳ Tam Quốc. Năm 266, Tư Mã Viêm ép hoàng đế Tào Ngụy nhường ngôi, lập ra nhà Tấn, trở thành Tấn Vũ Đế, truy phong ông nội Tư Mã Ý là Tấn Cao Tổ.
Năm xưa, Ngụy Văn Đế Tào Phi phế Hán Hiến Đế, lập ra nhà Ngụy, song lại chèn ép các hoàng tử, ngăn tông thất họ Tào nắm binh quyền, dẫn đến nhà Tư Mã trỗi dậy không cách nào ngăn cản được.
Nhận ra bài học này, Tấn Vũ Đế sắc phong cho các tông thất làm phiên vương, được nắm toàn quyền ở các vùng đất sắc phong, chiêu mộ binh sĩ, giống như một vương quốc nhỏ.
Tổng cộng có 27 hoàng tử được phong vương. Các vương quốc lớn được quyền chiêu mộ 5.000 quân, các vương quốc nhỏ hơn có quân số nhỏ hơn, chủ động đứng ra chống giặc khi quân triều đình chưa tiếp ứng kịp.
Nhà Tấn tạm thời yên ổn suốt những năm tháng Tấn Vũ Đế nắm quyền, cho đến khi con trai là Tư Mã Trung lên ngôi, lấy hiệu là Tấn Huệ Đế. Hoàng đế bị coi là kể yếu đuối, chậm chạp mà các sử gia ngày nay cho rằng là mắc chứng bệnh thiểu năng trí tuệ.
Tấn Vũ Đế sắp xếp để Tư Mã Trung cưới Giả Nam Phong, con gái của một đại thần. Giả Nam Phong lập gia đình năm 14 tuổi, khi Tư Mã Trung mới 12 tuổi. Bà được xem là người quyết đoán nhưng cực kỳ tàn nhẫn. Ở thời điểm Vũ Đế qua đời, Tư Mã Trung 31 tuổi còn Giả Nam Phong 33 tuổi.
Hoàng hậu nắm trọn quyền lực
Với lý do hoàng đế mắc bệnh, không tự mình cai quản triều chính, hoàng thái hậu Dương Chỉ, mẹ kế của hoàng đế nắm quyền lực cao nhất. Hoàng thái hậu trao quyền hành lại cho người cha, đại thần Dương Tuấn
Tư Mã Vĩ là một trong những vương thất nhà Tư Mã bỏ mạng trong cuộc binh biến mang tên Loạn bát vương.
Nhưng Giả Nam Phong không chấp nhận điều này. Bà gửi thư cho Tư Mã Lượng và Tư Mã Vĩ. Đây là hai hoàng tử đầu tiên tham gia vào cuộc binh biến.
Đội quân do Tư Mã Vĩ chỉ huy đánh thẳng vào hoàng cung, cùng với Giả Nam Phong cáo buộc đại thần Dương Tuấn định mưu phản. Giả Nam Phong tự soạn chiếu thư dưới danh nghĩa hoàng đế, phế truất Dương Tuấn.
Thành viên trong gia đình họ Dương và những người ủng hộ bị tàn sát. Thái hậu Dương Chỉ bị quản thúc tại gia và bỏ mặc đến chết.
Khi hòa bình lập lại, Giả Nam Phong nhớ lại chuyện Tư Mã Lượng từ chối giúp lật đổ nhà họ Dương, nên tự soạn chiếu thư thứ hai, cáo buộc Tư Mã Lượng mưu phản.
Tư Mã Vĩ ra tay sát hại Tư Mã Lượng nhưng không ngờ bị Giả Nam Phong đâm sau lưng, bị phe cánh tẩy chay và cuối cùng bị xử tử.
Đến lúc này, Giả Nam Phong quay sang bày kế sát hại thái tử Tư Mã Duật, khi đó 22 tuổi, vì lo ngại quyền lực sớm muộn cũng sẽ phải trao lại cho thái tử. Tư Mã Duật là con của hoàng đế với một phi tần, còn Giả Nam Phong mãi không sinh được con trai nối dõi.
Giả Nam Phong lấy cớ thái tử âm mưu giết cha đoạt ngôi để yêu cầu hoàng đế xử tử con trai. Tấn Huệ Đế không nỡ ra tay, chỉ giáng Tư Mã Duật làm dân thường.
Tư Mã Luân, hoàng tử thứ ba trong cuộc binh biến Loạn bát vương, khuyên hoàng hậu nên giết Tư Mã Duật để trừ hậu họa về sau. Giả Nam Phong làm đúng như vậy mà không biết mình rơi vào bẫy Tư Mã Luân, bị phanh phui dã tâm đàn tộc.
Giả Nam Phong buộc phải tự sát, gia đình bị sát hại còn Tư Mã Luân trở thành thừa tướng, quyền lực lấn át hoàng đế.
Vị trí 8 vương thất nhà Tư Mã tham gia cuộc binh biến tranh giành quyền lực.
Năm 301, một năm sau khi Giả Nam Phong chết, Tư Mã Luân ép Tấn Huệ Đế nhường ngôi, tôn Huệ Đế làm Thái Thượng hoàng.
Cuộc chiến đẫm máu giữa các hoàng tử
Tề Vương Tư Mã Quýnh là người trợ giúp đắc lực để Tư Mã Luân lên ngôi hoàng đế, nhưng cuối cùng chỉ được phong chức nhỏ, đem lòng oán hận. Tư Mã Quýnh liên minh với một loạt vương thất, phát động chiến tranh lật đổ Tư Mã Luân.
Hà Gian Vương (Tư Mã Ngung), Thành Đô Vương (Tư Mã Dĩnh), Thường Sơn Vương (Tư Mã Nghệ), Tân Dã Vương (Tư Mã Hâm) cùng hưởng ứng Tư Mã Quýnh nổi dậy đánh Tư Mã Luân.
Tư Mã Luân chống đỡ không nổi buộc phải tự sát. Sử sách Trung Hoa sau này không công nhận Tư Mã Luân là hoàng đế hợp pháp của nhà Tấn. Ca khúc khải hoàn, Tư Mã Quýnh nắm trọn quyền lực nhà Tấn, nhưng không xưng đế, đưa Tấn Huệ Đế trở lại ngai vàng.
Tư Mã Dĩnh và Tư Mã Ngung được ban chức tước và nhiều bổng lộc. Nhưng Tư Mã Ngung muốn nắm trọn quyền lực, bày kế phao tin rằng Tư Mã Nghệ muốn làm phản.
Tư Mã Ngung nghĩ rằng Tư Mã Quýnh gây chiến với Tư Mã Nghệ sẽ là cơ hội để mình ra đòn quyết định, đoạt ngôi hoàng đế.
Nhưng Tư Mã Ngung không ngờ rằng Tư Mã Nghệ quá mạnh, giết chết Tư Mã Quýnh và trở thành người nắm quyền lực ở kinh đô Lạc Dương.
Tư Mã Việt là vương thất cuối cùng sống sót sau binh biến mang tên Loạn bát vương.
Tư Mã Ngung bèn quay sang liên minh với Tư Mã Dĩnh. Trong trận đánh năm 303, Tư Mã Nghệ thua trận rồi bị giết. Tư Mã Việt, Tư Mã Dĩnh và Tư Mã Ngung chia sẻ quyền lực.
Không lâu sau, Tư Mã Việt ganh tị với Tư Mã Dĩnh xúi giục hoàng đế khởi binh tiêu diệt. Tư Mã Dĩnh bắt sống hoàng đế, đem về kinh đô Lạc Dương, khi đó do Tư Mã Ngung kiểm soát.
Tư Mã Việt chưa chịu thua, tập hợp lại lực lượng và quyết một trận sống mái cuối cùng vào năm 305. Cả Tư Mã Dĩnh và Tư Mã Ngung đều bị xử tử vào năm sau.
Tấn Huệ Đế qua đời năm 307, cuối cùng chỉ còn Tư Mã Việt là hoàng tử sống sót cuối cùng trong cuộc binh biến Loạn bát vương. Ngai vàng được truyền lại cho Tấn Hoài Đế, Tư Mã Xí.
Tư Mã Việt quay sang gây thù chuốc oán với Tấn Hoài Đế, phát động chiến tranh. Năm 311, Tư Mã Việt đột tử và Loạn bát vương cũng kết thúc. Ở thời điểm đó, các thủ lĩnh quân phiệt nổi lên khắp nơi ở Trung Hoa, tự mình xưng đế, mở ra thời kỳ Ngũ Hồ Thập lục quốc.
Có thể nói, binh biến Loạn bát vương là một trong những sự kiện huynh đệ tương tàn đẫm máu nhất lịch sử Trung Hoa, làm suy yếu nhà Tấn đến mức dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nhà Tây Tấn vào năm 316. Kể từ đây, Trung Hoa lại bị chia cắt, chìm trong loạn lạc.
______________________
Bài dài kỳ xuất bản 10h ngày 15.2 điểm lại chi tiết một cuộc nổi loạn đáng chú ý ở thời nhà Hán, khi các phiên vương phát động binh biến đòi lật đổ hoàng đế.
Dù không xuất hiện vào thời kỳ đỉnh cao của giai đoạn Tam Quốc nhưng dòng họ Tư Mã lại là thế lực giành được chiến...
Nguồn: [Link nguồn]