Cuộc chiến 'drone đấu drone' tại Ukraine
Các cuộc đối đầu giữa drone với nhau ở Ukraine đang gia tăng, với nhiều chiến thuật triệt hạ nhau, như tung đòn tự sát, thả đầu nổ hay quăng lưới.
Mỗi ngày có hàng nghìn thiết bị bay không người lái (drone) được triển khai trong xung đột Nga - Ukraine để thực hiện nhiều loại nhiệm vụ, như trinh sát, chỉ thị mục tiêu cho pháo binh hay tấn công tự sát.
Các cuộc đấu "drone với drone", điều hiếm khi xảy ra trước đây, cũng đang trở nên ngày càng phổ biến hơn. Thay vì tập kích các phương tiện bọc thép trị giá hàng triệu USD như thường thấy, một số drone được sử dụng để nhắm vào những phương tiện bay không người lái khác của đối phương vì chúng là mối đe dọa lớn không kém, theo Mike Monnik, CEO của công ty tình báo drone DroneSec.
Nga và Ukraine "đang chạy đua vũ trang về drone, đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và chuyên gia vào việc phát triển cách chống lại khí tài này", James Patton Rogers, chuyên gia về drone và là giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Công nghệ Cornell Brooks, nhận định.
Sau khi phân tích hơn 40 video do DroneSec tổng hợp, Business Insider đã xác định một số chiến thuật phổ biến được cả Nga và Ukraine sử dụng trong cuộc đấu "drone với drone".
Thứ nhất là điều khiển thiết bị từ trên cao lao thẳng vào drone đối phương. Drone dòng DJI Mavic, loại có giá rẻ và được sử dụng với tần suất lớn trên chiến trường Ukraine, bị hạn chế về khả năng quan sát phía trên, nên các vật thể bay trên đầu là mối đe dọa rõ rệt với chúng.
Video do một tài khoản mạng xã hội ủng hộ Moskva đăng đầu tháng 4 cho thấy một drone Nga từ trên cao đâm thẳng xuống drone DJI Mavic-3 Ukraine, khiến nó rơi xuống đất. Minnok cho rằng drone Nga có thể đã phát hiện drone địch trên bầu trời khi đang làm nhiệm vụ trinh sát và quyết định hạ mục tiêu bằng cách bay lên trên cao và lao xuống với ý đồ làm gãy cánh quạt của đối phương.
"Dù vậy, trong nhiều trường hợp tương tự, cả hai drone đều bị hỏng", Minnok cho biết.
Các hình thức "drone đấu drone". Video: Telegram/Liniya_fronta6,vog25ru
Một kiểu tấn công khác từ trên cao là thả đầu nổ. Video đăng gần đây cho thấy quân đội Nga đã hạ một drone DJI Mavic-3 Ukraine bằng cách này. Một số binh sĩ Ukraine năm ngoái tiết lộ họ đang chỉnh sửa drone thương mại để có thể mang loại đạn thả được từ trên cao xuống.
Dùng drone góc nhìn thứ nhất (FPV) tập kích drone địch theo phương ngang cũng là một chiến thuật. Tuy nhiên, do drone FPV thường được sử dụng với mục đích tấn công tự sát, chiến thuật này chỉ hợp lý khi dùng để hạ drone cỡ lớn, còn gọi là máy bay không người lái (UAV), đắt tiền.
Mạng xã hội ngày 1/6 chia sẻ video một drone FPV Ukraine truy đuổi UAV trinh sát Orlan-10 của Nga trên không trung. Drone Ukraine sau đó áp sát và kích nổ, khiến chiếc Orlan-10 rơi xuống đất, dường như đã phá hủy hoàn toàn.
Theo Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), UAV Orlan có giá 87.000-120.000 USD và là một trong các khí tài quan trọng nhất của quân đội Nga. Trong khi đó, drone FPV thường có giá từ vài trăm đến vài nghìn USD mỗi chiếc.
Chiến thuật tiếp theo là tung lưới bắt drone. Trung tâm An ninh Thông tin và Truyền thông Chiến lược Ukraine (CSCIS) tháng 2/2023 cho biết cơ quan này đã tiếp nhận 7 chiếc DroneHunter F700 do Mỹ chế tạo. Đây là loại drone được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và có thể phóng lưới vào mục tiêu đang bay trên không.
Video do CSCIS đăng cho thấy công nghệ này đã được dùng đã vô hiệu hóa UAV Orlan và UAV dạng Shahed, loại vũ khí tự sát thường được Nga sử dụng để tập kích hạ tầng ở hậu phương Ukraine. Theo Scientific American, DroneHunter F700 trên thực tế đã được triển khai tại Ukraine từ tháng 5/2022.
DroneHunter F700. Ảnh: Ukrinform
Nga cũng được cho là đã sở hữu công nghệ tương tự. Một tài khoản mạng xã hội ủng hộ Moskva hồi tháng 4 đăng video drone nước này thả lưới trúng một drone của Kiev bay phía dưới.
Ngoài nhắm mục tiêu vào drone, lực lượng hai bên cũng có thể tìm cách ngăn khí tài này thực hiện đòn tập kích. Trong video chia sẻ hồi tháng 5, một drone tự sát Ukraine đã lao vào khối thuốc nổ treo phía dưới drone DJI Mavic-3 trước khi đối phương kịp thả nó.
Một lựa chọn nữa là bỏ qua drone và nhắm thẳng vào người điều khiển chúng. Drone có thể được triển khai để săn tìm các ngôi nhà có ăng-ten chĩa ra ngoài cửa sổ, "dấu hiệu cho thấy đây là nơi phi công drone đối phương ẩn nấp để thực hiện nhiệm vụ", theo chuyên gia Rogers.
"Sau khi xác định được vị trí đối phương, một hoặc nhiều drone sẽ được điều đến để tấn công người vận hành drone địch", chuyên gia này cho hay.
Theo Scientific American, thị trường về công nghệ chống drone có thể đạt mức 12,6 tỷ USD trong năm 2030. Đây được đánh giá là dự báo hợp lý trong bối cảnh lĩnh vực này đang không ngừng phát triển.
Monnik cho biết DroneSec đã ghi nhận nhiều trường hợp drone được sử dụng để tấn công trực thăng và máy bay cỡ nhỏ, song không đề cập kết quả. Ông cũng dự đoán drone sẽ sớm được trang bị các loại vũ khí giống súng và chúng sẽ được sử dụng để tấn công theo dạng bầy đàn nhiều hơn.
Trong tương lai, các cuộc chiến "drone đấu drone" có thể tái hiện những cuộc không chiến trong Thế chiến I, khi các phi công dùng súng máy gắn phía trước chiến đấu cơ, thậm chí cả súng lục, để tấn công nhau trong lúc đang bay, theo Rogers.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, ông đã hỏi Tổng thống Nga Putin 3 câu hỏi liên quan đến tình hình xung đột ở Ukraine.