Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya
Các chính sách mới được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm hỗ trợ người Tây Tạng, bao gồm cả người Tây Tạng ở Nepal và chính sách ngoại giao vaccine của Ấn Độ đang tạo ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng đầy căng thẳng giữa hai quốc gia này với Trung Quốc
Người Tây Tạng sống tị nạn ở Nepal, kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma.
Trung Quốc những năm gần đây thúc đẩy quan hệ bền chặt hơn với Nepal, quốc gia láng giềng trên dãy Himalaya. Bắc Kinh đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng Nepal, viện trợ kinh tế cho quốc gia này.
Ở phía bên kia, Ấn Độ và Mỹ, hai đối tác truyền thống của Nepal, đang cùng chung tay đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Nam Á.
Tâm điểm của sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc gặp ở New Delhi, diễn ra vào ngày 28.1. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tiếp đón người đồng cấp Nepal Pradeep Gyawali.
Ấn Độ với lợi thế là trung tâm sản xuất vaccine ngừa Covid-19, sẽ gửi lời đề nghị hỗ trợ Nepal. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua chính sách mới, hối thúc Nepal cấp quyền công dân cho người tị nạn Tây Tạng. Mỹ sẽ chi 6 triệu USD để hỗ trợ người Tây Tạng sinh sống ở Ấn Độ và Nepal, giúp họ duy trì văn hóa truyền thống.
Ước tính có khoảng 70.000 người Tây Tạng sống ở Nepal và hàng ngàn người khác sống ở Ấn Độ và những nơi khác trên thế giới.
“Nếu quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, rất có khả năng Nepal sẽ trở thành tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng mới, giống như Afghanistan dưới thời Mỹ và Liên Xô”, Ashok Swain, nhà nghiên cứu hòa bình và xung đột tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, nói.
Avinash Godbole, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jindal Global, Ấn Độ, nói Bắc Kinh muốn thúc đẩy quan hệ với Nepal để đảm bảo an ninh biên giới, để mắt đến cộng đồng người tị nạn Tây Tạng.
“Trung Quốc luôn coi Nepal là nơi người Tây Tạng kết nối với phần còn lại của thế giới”, Godbole nói. Lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở Nepal bắt đầu hình thành khi ông Tập đề ra Sáng kiến Vành đai Con đường và ngày càng phát triển trong những năm gần đây.
Trong những năm qua, Bắc Kinh chi hàng triệu USD vào các lĩnh vực sức khỏe, giáo dục, giao thông vận tải ở Nepal. Các công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào Nepal, xây dựng đường cao tốc kết nối thủ đô Kathmandu ở phía đông với thành phố Terai ở miền nam.
Hôm 20.12.2020, sau khi thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli đề nghị Tổng thống Bidya Devi Bhandari ra lệnh giải tán Quốc hội, Trung Quốc đã cử đại diện đến theo dõi tình hình, vì lo ngại có những thay đổi lớn ở Nepal, theo SCMP.
Ram Karki, một chính trị gia Nepal, nói Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại rằng Nepal sẽ ngả về Mỹ nhiều hơn. “Nepal chỉ nên tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Mỹ mà không làm ảnh hưởng đến quốc gia láng giềng Trung Quốc”, Karki nói.
“Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trên dãy Himalaya giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Mỹ sẽ càng căng thẳng sau thời Đạt Lai Lạt Ma - nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng”, Mohan Malik, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng Ấn Độ, nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Từng là giống chó quý giá mà người nuôi phải trả tới hàng triệu nhân dân tệ mới có thể sở hữu, chó ngao Tây Tạng...