Cuộc bầu cử quan trọng ở Pháp

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Pháp tổ chức bầu cử quốc hội trong ngày 30-6, được xem là cuộc bầu cử bất ngờ sau khi đảng cực hữu của nước này tạo được tiếng vang trong bầu cử Nghị viện châu Âu cũng trong tháng 6.

Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 30-6, vòng thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 7-7. Khoảng 49 triệu cử tri đủ điều kiện sẽ chọn ra 577 ghế nghị sĩ. 

Đây được xem là canh bạc lớn của Tổng thống Emmanuel Macron, bởi nếu phe cực hữu giành đủ số ghế cần thiết, họ sẽ bước qua cánh cổng quyền lực ở Pháp lần đầu tiên kể từ thời chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo đài NPR, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu (chiếm tỉ lệ ủng hộ 36%) là đảng cực hữu National Rally, theo đường lối dân túy và chủ nghĩa dân tộc. 

Gương mặt mới của đảng là ông Jordan Bardella, người trở thành lãnh đạo đảng thay bà Marine Le Pen, 55 tuổi. Ở độ tuổi 28 cộng với sự thu hút, thông minh và tận dụng mạng xã hội (với 1,7 triệu người theo dõi trên TikTok), ông Bardella cam kết giải quyết vấn đề nhập cư, an ninh, chi phí sinh hoạt leo thang, bao gồm cắt giảm các loại thuế đánh vào nhiên liệu, điện và gas.

Áp-phích của các ứng viên ra tranh cử tại vòng bỏ phiếu đầu tiên (ngày 30-6) trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp Ảnh: REUTERS

Áp-phích của các ứng viên ra tranh cử tại vòng bỏ phiếu đầu tiên (ngày 30-6) trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp Ảnh: REUTERS

Ở vị trí thứ hai trên bảng thăm dò (chiếm 29%) là liên minh cánh tả có tên gọi New Popular Front (Mặt trận nhân dân mới), với nòng cốt là đảng Xã hội do chính trị gia Raphael Glucksmann, 44 tuổi, dẫn dắt. 

New Popular Front có kế hoạch tăng lương lĩnh vực công, áp giá trần đối với thực phẩm, gas, điện, hạ tuổi nghỉ hưu về lại 60 và đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu.

Đứng thứ ba (chiếm 20%) là đảng liên minh trung dung Renaissance (Phục hưng) của Tổng thống Macron, có lập trường ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) và bảo vệ môi trường. Gương mặt vận động dẫn đầu của đảng này là ông Gabriel Attal, vị thủ tướng 35 tuổi của Pháp.

Lẽ ra cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo của Pháp là vào năm 2027, song Tổng thống Macron hôm 9-6 bất ngờ thông báo trên truyền hình về việc "trao cho người dân cơ hội quyết định tương lai lập pháp bằng lá phiếu". Lý do, theo ông Macron, là để chống lại mối nguy hiểm do sự trỗi dậy của phe cực hữu gây ra. 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ. Ông Douglas Webber, chuyên gia khoa học chính trị của trường kinh doanh INSEAD (Pháp), nói: "Khả năng National Rally giành được thế đa số, tương đối hoặc tuyệt đối, sau cuộc bỏ phiếu này là hoàn toàn có thật".

Trong trường hợp đó, Tổng thống Macron có khả năng phải làm việc với một chính phủ dưới quyền một thủ tướng thuộc đảng khác. 

Kịch bản này không chỉ khiến việc hoạch định chính sách ở Pháp gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng đến vai trò của Pháp trên trường quốc tế, đặc biệt là đối với nỗ lực ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hiện nay. 

Nguồn: [Link nguồn]

Cuộc bầu cử sớm mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi có thể là sự kiện có sức tàn phá lớn nhất kể từ sau chiến tranh, không chỉ đối với Pháp mà cả Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Ngọc ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN