Cuba: Những cột mốc quan trọng của kỷ nguyên Fidel Castro
Cựu Chủ tịch Cuba vừa qua đời tối ngày 25.11, hưởng thọ 90 tuổi, và theo nhiều người cảm nhận, sự kiện đã đánh dấu sự kết thúc của một kỉ nguyên.
Truyền hình Cuba đưa tin ông Fidel Castro qua đời tối ngày 25.11
Sau nhiều năm đối phó với bệnh tật, Fidel Castro, lãnh đạo của cuộc cách mạng Cuba, đã qua đời ở thủ đô Havana vào tối ngày 25.11 (giờ địa phương), truyền hình Cuba cho biết
Castro lãnh đạo Cuba từ năm 1959 đến năm 2006, khi một căn bệnh đường ruột đã suýt nữa khiến ông qua đời. Ông tạm thời nhường quyền cho em trai, và sau đó chính thức nhường quyền vào năm 2008. Trong những năm cuối đời, ông hầu như không xuất hiện trước công chúng, chỉ thỉnh thoảng bình luận về các sự kiện ở Cuba.
Ông Castro trong lần xuất hiện gần đây nhất hồi tháng 4.2016
Sự qua đời của ông Fidel Castro đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên với nhiều người. Castro là lãnh đạo cuối cùng còn lại trên thế giới trong nhóm các nhà lãnh đạo cộng sản cũ bao gồm Mao Trạch Đông của Trung Quốc, Kim Nhật Thành của Triều Tiên và Nikita Khrushchev và Leonid Brezhnev của Liên Xô.
Castro được gọi là anh hùng dân tộc trong suốt con đường chính trị của ông. Tháng 2 năm 1959, cuộc Cách mạng Cuba thành công đã đưa Castro lên làm thủ tướng. Ông được hậu thuẫn bởi Phong trào ngày 26.7 và nhà cách mạng người Mỹ Latinh Che Guevara. Cùng nhau, họ đã lật đổ chế độ do Mỹ hậu thuẫn của Tổng thống Batista.
Sau khi không thể duy trì quan hệ với Washington, Cuba đã bị nước láng giềng cô lập khi Mỹ cắt giảm tất cả các liên kết thương mại với Cuba. Năm 1961, Cuba đã chống trả thành công một cuộc xâm lược do CIA hậu thuẫn được gọi là Vịnh Con Heo, theo RT.
Ông Castro trong Dinh Tổng thống ở thủ đô Havana năm 1985
Sau khi nhậm chức, Castro nhanh chóng tìm thấy một đồng minh mới. Liên Xô cung cấp vũ khí, ô tô, thiết bị công nghiệp cho Cuba để giúp đỡ đất nước này.
Nhưng liên minh này không chỉ mang lại lợi ích. Cuba và Nga đã trở thành những quốc gia chủ chốt trong Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba, được cho là cuộc đối đầu nguy hiểm nhất của Chiến tranh Lạnh, suýt kết thúc bằng màn phô diễn vũ khí hạt nhân.
Tháng 10 năm 1962, Castro đồng ý triển khai tên lửa hạt nhân của Liên Xô trên lãnh thổ Cuba, một động thái khiến Mỹ triển khai tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Washington kịch liệt phản đối bước đi này của Cuba, và cam kết sẽ sử dụng vũ lực nếu cần thiết để ngăn chặn điều đó. Lãnh đạo các nước thời điểm đó, Kennedy của Mỹ và Khrushchev của Nga, cuối cùng đã đồng ý thoả hiệp.
Cựu lãnh đạo Cuba thời trẻ
Chính phủ Mỹ luôn tỏ ra cởi mở với chính quyền Cuba. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ có tổng cộng bao nhiêu lần CIA đã cố gắng ám sát Castro. Một số quan chức Cuba cho biết con số này cao tới 600 lần, trong đó có sự cố tai tiếng khi thuốc lá của ông Castro được phát hiện bị nhồi chất nổ.
Dưới sự lãnh đạo của Raul Castro, người chính thức kế nhiệm anh trai Fidel từ năm 2008, Cuba đã trải qua một sự biến đổi chậm khi Raul giới thiệu một số cải cách kinh tế theo phong cách thị trường. Ông cũng đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ trong tháng 12 vừa qua, chấm dứt hàng nhiều thập kỷ đối đầu. Fidel hoài nghi về sự bình thường hoá quan hệ Mỹ-Cuba, nhưng không phản đối nó.