“Cú sốc” toàn cầu nếu nước Mỹ vỡ nợ

Không chỉ nền kinh tế Mỹ, nước Mỹ mà nền kinh tế toàn cầu có thể phải hứng chịu những “cú sốc” vô cùng nghiêm trọng nếu quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới này bị vỡ nợ.

Trường hợp rơi vào tình trạng vỡ nợ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho nước Mỹ và kinh tế toàn cầu

Trường hợp rơi vào tình trạng vỡ nợ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho nước Mỹ và kinh tế toàn cầu

Cảnh báo liên tiếp về nợ công của Mỹ

Phát biểu với báo giới mới đây, Giám đốc truyền thông của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Julie Kozack cho rằng, hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế Mỹ mà còn với toàn cầu nếu cường quốc kinh tế số một thế giới này vỡ nợ. Đại diện định chế tài chính hàng đầu thế giới này cảnh báo về các nguy cơ nghiêm trọng như chi phí vay mượn tăng, bất ổn tài chính toàn cầu và những tác động về kinh tế nếu Mỹ vỡ nợ.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt sau cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các thành viên Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 11 đến 13-5 cũng đánh giá rằng, sẽ “hoàn toàn tàn khốc” nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Điều này, theo người đứng đầu ngành tài chính Anh, sẽ khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới “đi chệch hướng”, kéo theo đó là kinh tế toàn cầu.

Những cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ liên tục được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ cùng đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden và đảng Cộng hòa chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này dù trải qua nhiều cuộc thương thảo. Chuyện nước Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ gần như thường trực những năm qua do ngân sách quốc gia liên tục bị thâm thủng, khoảng 6% mỗi năm, nên chính phủ nước này buộc phải vay nợ để chi tiêu công.

Việc vay nợ diễn ra từ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và kéo sang thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden để giúp ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như tác động của nó gây ra cho thị trường lao động và chuỗi cung ứng; cũng như các khoản chi tiêu đột xuất như viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine... Việc vay nợ diễn ra dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden diễn ra vào thời thời điểm lãi suất còn thấp, tuy nhiên trong thời kỳ lạm phát cao lịch sử và cũng như tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến chi phí vay nợ đẩy lên cao hơn trước rất nhiều.

Nước Mỹ tới tháng 1 năm nay chạm ngưỡng giới hạn trần nợ công 31.400 tỷ USD và Bộ Tài chính nước này đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên từ hạn chót ngày 1-6 tới, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không có tiền để thực hiện được các khoản thanh toán, từ đó tác động nghiêm trọng đến hoạt động của hệ thống chính quyền và nền kinh tế.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ cũng phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ công hồi năm 2021 nhưng “ngòi nổ” nợ công không khó được tháo gỡ bởi khi đó đảng Dân chủ của ông kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, tình thế hiện nay khó khăn hơn rất nhiều cho chính phủ của Tổng thống Joe Biden do đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện Mỹ.

Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm đa số không phản đối việc tăng giới hạn nợ quốc gia, song phải đi kèm với các biện pháp cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công, buộc phải thực thi chính sách “thắt lưng, buộc bụng” - điều mà Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ phản đối kịch liệt. Theo đó, phe Cộng hòa muốn giới hạn nợ công ở mức bằng với năm 2021. Các nghị sĩ Cộng hòa muốn thúc đẩy thông qua Dự luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng tại Hạ viện để củng cố vị thế của đảng này trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Joe Biden.

Ba kịch bản với nợ công của Mỹ

Tới nay, đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden cùng đảng Dân chủ với đảng Cộng hòa vẫn rơi vào tình thế bế tắc. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nước Mỹ bị vỡ nợ?

Một báo cáo mới công bố của Bộ Tài chính và Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ nêu ra 3 kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế Mỹ nếu vỡ nợ, ứng với 3 trường hợp: tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ hoàn toàn. Theo đó, ngay cả khi Mỹ không bị vỡ nợ, khoảng 200.000 người vẫn bị mất việc làm và GDP năm 2023 vẫn bị suy giảm 0,3%. Nếu nền kinh tế nước này vỡ nợ ngắn hạn, số lượng việc làm sẽ giảm 200.000-500.000 vị trí, tổng GDP sẽ giảm 0,3-0,6% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,1-0,3%.

Với kịch bản xấu nhất là vỡ nợ hoàn toàn, số lượng việc làm có thể giảm 8,3 triệu vị trí, GDP sẽ giảm 6,1%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5% và thị trường chứng khoán sẽ giảm 45%. Tất cả những điều này sẽ xóa bỏ mọi thành tựu của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Cho dù kịch bản xấu nhất khó xảy ra nhưng không nói trước được điều gì nếu cả hai đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden và đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận. Điều đó có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính, gây thiệt hại cho sản lượng kinh tế và gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc nếu Chính phủ Mỹ không thể thanh toán tất cả các hóa đơn đúng hạn. Ngoài ra, việc vỡ nợ cũng có thể gây ra hậu quả toàn cầu và làm mất ổn định thị trường trái phiếu trên toàn thế giới, vì trái phiếu kho bạc Mỹ thường được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất.

Theo các chuyên gia, việc vỡ nợ sẽ ảnh hưởng trước hết đến nước Mỹ, sau đó là nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có nợ công cao. Việc nước Mỹ vỡ nợ có thể “tàn phá” hệ thống tài chính toàn cầu hiện vẫn đang trong thời điểm nhạy cảm khi còn chưa ổn định sau đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua.

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới là đồng USD nên bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, cho dù do vỡ nợ hay mất ổn định, rơi vào suy thoái… đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và do đó làm suy yếu đồng USD. Việc giá trị của đồng tiền giữ vị trí thống trị này giảm đột ngột sẽ khiến các nền kinh tế kém và đang phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn, các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến những nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ.

Nếu Mỹ vỡ nợ, phiếu kho bạc Mỹ (trái phiếu dài hạn Chính phủ Mỹ) mà giới đầu tư và các nước đang nắm giữ sẽ bị mất giá nghiêm trọng, kéo theo giá trị tài sản họ nắm giữ thông qua trái phiếu Mỹ cũng giảm theo. Ngoài ra, số tiền phải trả cho bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu dài hạn Chính phủ Mỹ hiện đang ở mức 0,34%, vốn đã tăng mạnh so với mức 0,2% từ đầu năm sẽ có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Trước cảnh báo Mỹ có nguy cơ vỡ nợ ngay từ đầu tháng 6 tới, Tổng thống Joe Biden dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa vào ngày 12-5 để đưa ra giải pháp cho vấn đề nới trần nợ công, song sẽ được lui lại sang tuần sau để ông Joe Biden tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản. Theo giới quan sát, dù cả hai bên đều tỏ ra khá cứng rắn về lập trường đàm phán, song khả năng các bên sẽ có những thỏa hiệp và nhượng bộ nhất định vào phút chót để tránh tình trạng chính phủ vỡ nợ, điều có thể sẽ mang lại những hậu quả to lớn khôn lường cho cả nước Mỹ và thế giới.

Lầu Năm Góc nêu rủi ro với quân đội nếu nước Mỹ vỡ nợ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11/5 nói viễn cảnh nước Mỹ vỡ nợ sẽ tạo ra rủi ro đáng kể đối với quân đội và Trung Quốc có thể khai thác rủi ro này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà (An ninh Thủ đô)
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN