"Cú sốc Munich" 2025 và bài học từ "Cú sốc Thượng Hải" 1972

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sự thay đổi chính sách của Mỹ không phải điều bất ngờ, mà là xu hướng tất yếu khi một cường quốc điều chỉnh chiến lược toàn cầu.

Những ai đã từng nghiên cứu sâu về quan hệ quốc tế, đặc biệt là vai trò của các đồng minh trong chính sách đối ngoại của các cường quốc, hẳn sẽ không bất ngờ trước diễn biến chính trị đầy kịch tính tại Hội nghị An ninh Munich 2025 vừa qua. 

Trong những ngày qua, Liên minh châu Âu (EU) và các nước NATO rơi vào trạng thái hoảng loạn tột đỉnh khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin tại Ả Rập Xê Út, với mục tiêu đàm phán kết thúc chiến tranh Ukraine. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EFE/EPA

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EFE/EPA

Thông điệp này khiến các đồng minh châu Âu cảm thấy bị bỏ rơi, nhất là khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth tuyên bố rằng đã đến lúc châu Âu phải tự lo an ninh, không còn trông chờ vào Mỹ. 

Nhưng thực tế, đây không phải lần đầu tiên Mỹ khiến đồng minh của mình bất ngờ và cảm thấy bị gạt sang lề. 

Cú sốc Nixon năm 1972 – khi Mỹ bất ngờ thay đổi chính sách đối ngoại để bắt tay với Trung Quốc, "bỏ mặc" Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của mình – chính là một bài học "nhãn tiền" để EU và NATO nhìn lại và điều chỉnh chiến lược của mình.

"Cú sốc Munich" 2025 và sự tương đồng với "Cú sốc Nixon" 1972 

Vào năm 1972, Nhật Bản – quốc gia được ví như "tàu sân bay không thể chìm" của Mỹ ở Đông Á – đã bàng hoàng khi Tổng thống Richard Nixon bí mật đi thăm Trung Quốc, gặp gỡ Chủ tịch Mao Trạch Đông và ký Thông cáo chung Thượng Hải.

Tokyo không hề được báo trước, và cảm giác bị "phản bội" lan rộng khắp nước Nhật. Truyền thông nước này gọi đó là "Cú sốc Nixon" (Nixon Shock). 

Tương tự, vào tháng 2 năm 2025, châu Âu chứng kiến "Cú sốc Munich", khi chính quyền Trump quyết định thay đổi hoàn toàn chiến lược an ninh, giảm cam kết với NATO và tập trung vào việc tái cấu trúc quan hệ với Nga. 

Các nước EU, đặc biệt là Đức, Pháp, và Ba Lan, cảm thấy bị "bỏ rơi" khi Mỹ tuyên bố họ buộc phải "tự lo cho chính mình". 

Nhưng phản ứng của Nhật Bản năm 1972 lại rất khác với châu Âu hiện nay. 

Trong khi EU tỏ ra hoảng loạn, loay hoay tìm cách cứu vãn tình hình, Nhật Bản, với tinh thần võ sĩ đạo Samurai, sau cú sốc đột ngột đã lấy lại bình tĩnh, nhanh chóng thích ứng và chủ động điều chỉnh chiến lược. 

Nhật Bản đã làm gì sau "Cú sốc Nixon"?  

Sau khi nhận ra rằng mình không thể mãi phụ thuộc vào Mỹ, Nhật Bản đã thực hiện ba chiến lược lớn để tự điều chỉnh và đảm bảo vị thế của mình trong hệ thống quốc tế.

Thứ nhất, chủ động bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nhận thấy mối nguy bị cô lập ngoại giao, Nhật Bản nhanh chóng thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc. Thủ tướng Kakuei Tanaka đã thăm Bắc Kinh vào tháng 9 năm 1972 – chỉ vài tháng sau chuyến đi của Nixon. Nhật Bản chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là chính phủ hợp pháp duy nhất, cắt đứt quan hệ với Đài Loan. 

Thông cáo chung Nhật-Trung được ký kết, mở đường cho quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước. Động thái này giúp Nhật Bản chủ động kiểm soát tình hình, tránh bị cô lập và mở rộng cơ hội kinh tế với Trung Quốc.  

Nhật Bản vẫn duy trì vị thế cường quốc khu vực bất chấp sự thay đổi chính sách của Mỹ. Ảnh: The Japan Times

Nhật Bản vẫn duy trì vị thế cường quốc khu vực bất chấp sự thay đổi chính sách của Mỹ. Ảnh: The Japan Times

Thứ hai, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, củng cố kinh tế tự chủ Nhật Bản nhận ra rằng việc dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ về kinh tế và an ninh là một rủi ro lớn. Vì thế, Tokyo quyết định: Đa dạng hóa quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác với các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Đông Nam Á; Tự chủ hơn về công nghệ và công nghiệp, giảm dần sự phụ thuộc vào các công ty Mỹ; Phát triển chính sách kinh tế độc lập, thúc đẩy công nghệ nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là những bước đi chiến lược giúp Nhật Bản vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thập niên 1980. 

Thứ ba, tăng cường sức mạnh quốc phòng Dù vẫn duy trì Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, nhưng Nhật Bản bắt đầu tự chủ hơn trong chiến lược quốc phòng: Tăng ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF); Xây dựng quan hệ an ninh khu vực ngoài Mỹ, đặc biệt là với Đông Nam Á và châu Âu; Định hình chính sách "ngoại giao bằng séc" (Checkbook Diplomacy) vào những năm 1980, với việc Nhật hỗ trợ tài chính thay vì tham gia quân sự. 

Những chiến lược này giúp Nhật Bản duy trì vị thế cường quốc khu vực, bất chấp sự thay đổi chính sách của Mỹ. 

Bài học nào cho EU và NATO? 

Những gì Nhật Bản đã làm sau "Cú sốc Nixon" có thể là bài học quan trọng cho EU và NATO trong bối cảnh Mỹ rút dần cam kết với châu Âu. 

Có hai điểm mấu chốt mà châu Âu cần nhận ra: 

Thứ nhất, Mỹ thay đổi chiến lược để tập trung vào mối đe dọa lớn nhất.

Năm 1972, Nixon chấp nhận hy sinh lợi ích của đồng minh, chấm dứt phần lớn các cuộc chiến tranh và can thiệp quân sự bên ngoài, trong đó có chiến tranh Việt Nam, để tập trung vào mối đe dọa lớn nhất lúc đó: Liên Xô. Việc bắt tay với Trung Quốc giúp Mỹ tạo thế gọng kìm, cô lập Moscow.

Hiện nay, Trump đang làm điều tương tự, đó là bắt tay với Nga, giảm căng thẳng ở châu Âu, đồng thời chấm dứt các cuộc chiến bên ngoài bằng mọi giá, trong đó quan trọng nhất là cuộc chiến Nga - Ucraina để tập trung nguồn lực đối phó Bắc Kinh, đối thủ chiến lược lớn nhất lúc này của Mỹ. Việc làm này tương tự như chiến lược đã thực hiện dưới thời một Tổng thống Cộng hòa khác là Richard Nixon cách đây hơn nửa thế kỷ.

Thứ hai, EU cần chủ động thích ứng thay vì "kêu khóc", rơi vào trạng thái bối rối, hoảng loạn.

Thay vì than phiền về sự rút lui của Mỹ, châu Âu cần học theo Nhật Bản:  Tự chủ hơn về an ninh, xây dựng một NATO mạnh mẽ hơn mà không phụ thuộc vào Mỹ; Đa dạng hóa quan hệ quốc tế, mở rộng hợp tác với các cường quốc khác như Ấn Độ, Nhật Bản; Thúc đẩy hội nhập kinh tế nội khối, giảm phụ thuộc vào Mỹ về thương mại và công nghệ. 

Nhật Bản đã biến "Cú sốc Nixon" thành cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu châu Âu không muốn rơi vào khủng hoảng lâu dài, họ cũng cần làm điều tương tự sau "Cú sốc Munich". 

Kết luận 

Sự thay đổi chính sách của Mỹ không phải điều bất ngờ, mà là xu hướng tất yếu khi một cường quốc điều chỉnh chiến lược toàn cầu. 

EU và NATO không thể mãi phụ thuộc vào Mỹ, mà cần nhanh chóng thích ứng, tự chủ hơn về kinh tế và quốc phòng.  

Nếu không hành động sớm, châu Âu có thể sẽ mất đi vị thế trên trường quốc tế, trong khi những nước biết thích nghi như Nhật Bản đã vượt qua "cú sốc" và tiến lên mạnh mẽ.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha và Chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak cho biết đã thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về tầm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh Tuấn - Đại sứ, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN