Cú sốc lớn chờ Taliban
Số phận của nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc vào việc Mỹ và các nước khác có công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp hay không
Trong lúc Taliban đang cố chuyển mình từ một phong trào phiến quân sang chính phủ chính thức thì đất nước Afghanistan đối mặt với nguy cơ sụp đổ tài chính ngày càng cao. Nền kinh tế được chống đỡ bằng viện trợ nước ngoài suốt 2 thập kỷ qua đã lộ ra hàng loạt dấu vết nguy cơ trong tuần này, như giá trị đồng afghani liên tiếp lập đáy mới, nợ nước ngoài cao chót vót, lạm phát đẩy giá lương thực lên cao..., đe dọa làm bùng lên một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Mỹ và cộng đồng quốc tế đã bắt đầu ngắt nguồn tiền chảy vào Afghanistan. Sau khi rót khoảng 1.000 tỉ USD vào Afghanistan hơn 20 năm qua, Mỹ đã phong tỏa các quỹ dự trữ quốc tế trị giá 9,4 tỉ USD của nước này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dừng kế hoạch phân phối hơn 400 triệu USD quỹ dự phòng khẩn cấp cho Afghanistan. Về phần mình, Ngân hàng Thế giới đã sơ tán nhân viên khỏi Afghanistan sau khi Taliban tái kiểm soát thủ đô Kabul trong tuần này. Cho đến nay, định chế tài chính đã cung cấp hơn 5,3 tỉ USD (kể từ năm 2002) cho các dự án tái thiết Afghanistan vẫn chưa thông báo gì về hoạt động sắp tới tại đây.
Các tay súng Taliban tuần tra ở TP Jalalabad - Afghanistan hôm 17-8. Ảnh: EPA-EFE
Thực ra, ngay từ trước khi Taliban chiếm quyền kiểm soát, kinh tế Afghanistan đã chao đảo dữ dội do Mỹ dần rút bớt lực lượng và các nhà thầu chính phủ - vốn đóng góp rất lớn cho thuế của Afghanistan - cộng với sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Vào năm ngoái, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ ghi nhận hơn 90% dân số Afghanistan có thu nhập chưa tới 2 USD/ngày. Sự hỗ trợ của quốc tế cũng bắt đầu suy giảm. Cuối năm 2020, các nhà tài trợ nước ngoài nhóm họp tại Geneva - Thụy Sĩ cam kết viện trợ Afghanistan 12 tỉ USD cho 4 năm tiếp theo, giảm 20% so với 4 năm trước đó. "Nhiều khả năng Taliban sẽ phải chi trả cho một số hoạt động của chính phủ bằng tiền từ các nguồn thu nhập khác, như buôn bán ma túy" - ông Paul Cadario, chuyên gia tại Trường ĐH Toronto (Canada), nhận định. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 qua, thu nhập của Taliban đến từ nhiều hoạt động phạm tội như buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền, khai thác mỏ trái phép... Ước tính nhóm này thu về khoảng 300 triệu đến 1,6 tỉ USD mỗi năm.
Đòn bẩy mạnh nhất mà Mỹ và cộng đồng quốc tế có trong tay là trừng phạt kinh tế Taliban, đẩy họ ra khỏi hệ thống tài chính thế giới và phong tỏa hoạt động đi lại của các thủ lĩnh nhóm. Ông Juan Zarate, cựu trợ lý bộ trưởng tài chính Mỹ, cho biết: "Giờ đây Taliban có thể bị nhấn chìm bởi một biển trừng phạt vì những dính líu của họ tới vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ".
Trong khi đó, ngày 21-8, hàng chục ngàn người ở Afghanistan chờ đợi trong căng thẳng xem Mỹ có thực hiện cam kết sơ tán toàn bộ công dân Mỹ và những người bản địa đã làm việc cho Mỹ mà Tổng thống Joe Biden tuyên bố một ngày trước đó hay không. Theo AP, ước tính có tối đa 15.000 công dân Mỹ còn kẹt lại ở Afghanistan. Trong lúc Mỹ bận rộn với công tác sơ tán khi thời hạn rút toàn bộ lực lượng đang đến gần (ngày 31-8), một quan chức Taliban giấu tên tiết lộ phó thủ lĩnh nhóm này là Mullah Abdul Ghani Baradar đã đến Kabul để tham gia các cuộc họp thành lập chính phủ mới. Baradar chính là người đã thay mặt Taliban đàm phán thỏa thuận hòa bình với Mỹ năm 2020. |
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng chống Taliban ở phía Bắc Afghanistan tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát 3 quận gần thung lũng Panjshir, điểm...