Covid-19: WHO cảnh báo về “đội quân” biến thể nguy hiểm hơn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15-7 cảnh báo làn sóng dịch Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới đang làm gia tăng khả năng xuất hiện các biến thể mới, tiềm ẩn nguy hiểm trong tương lai.
GS Didier Houssin, chủ tịch Ủy ban Covid-19 khẩn cấp của WHO, cho rằng: "Đại dịch chưa thể kết thúc". WHO cảnh báo các biến thể "nguy hiểm hơn" có thể lan rộng khắp thế giới khi số ca nhiễm toàn cầu tăng lên nửa triệu người mỗi ngày, phần lớn là do biến thể Delta.
Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 mới trên toàn cầu đã nêu bật những thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ở châu Phi, các ca mắc Covid-19 đã vượt qua đỉnh dịch trong làn sóng dịch thứ hai trong 7 ngày tính đến hôm 4-7 và số ca tử vong trong tuần này tăng 40%, theo WHO.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng Delta sẽ là chủng trội hoành hành trên thế giới. Ảnh: AP
Khi đại dịch mới bùng phát, chỉ có một biến thể của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, khi virus lây lan rộng trên toàn cầu, nó đã đột biến thành hàng ngàn biến thể, trong đó có một số biến thể dễ lây lan hơn chủng gốc.
Hiện có 4 biến thể "đáng quan tâm" được WHO đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp. Gần đây nhất, biến thể Delta, lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, đã được xác định ở hơn 111 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện là nguyên nhân gây ra gần 60% trong tổng số ca mắc ở Mỹ.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng Delta sẽ là chủng trội hoành hành trên thế giới. WHO cảnh báo khi virus tiếp tục lây lan, các biến thể mới có thể xuất hiện trong tương lai, thậm chí còn khó kiểm soát hơn.
Vắc-xin là một trong những công cụ quan trọng nhất trên thế giới để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2 hiện tại, ngăn virus có cơ hội phát triển thành các biến thể mới.
Nhưng nhiều quốc gia hiện vẫn không có đủ nguồn cung vắc-xin. Trên toàn cầu, chỉ 25,8% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, theo Phòng thí nghiệm Thay đổi Dữ liệu Toàn cầu của Trường ĐH Oxford.
WHO hôm 15-7 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng tất cả các loại vắc-xin hiện đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp và đưa ra lời kêu gọi hành động nhằm đạt được mục tiêu ít nhất 10% dân số ở mỗi quốc gia được tiêm chủng vào tháng 9 năm nay.
WHO cũng khuyến khích các nước giàu có chia sẻ nguồn cung vắc-xin với phần còn lại của thế giới. Kết hợp với tiêm chủng, việc sử dụng các biện pháp giãn cách xã hội và sức khỏe cộng đồng, bao gồm khẩu trang, giữ khoảng cách và vệ sinh tay vẫn là chiến lược hiệu quả nhất để chống lại sự lây lan của tất cả các biến thể SARS-CoV-2. Hiện thế giới ghi nhận hơn 189 triệu ca nhiễm và hơn 4 triệu ca tử vong do dịch Covid-19.
Khu vực Đông Nam Á đang nổi lên như "chiến trường" mới cho một trong những đợt lây lan Covid-19 mạnh nhất thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]