Covid-19: Tình cảnh ở nhiều bệnh viện Ấn Độ
Trong 3 ngày, Goldi Patel, 25 tuổi, đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè ở New Delhi, cố gắng tìm một chiếc có giường với các trang thiết bị có thể giúp chồng cô thở được.
Bệnh nhân Ấn Độ chờ đợi bên ngoài bệnh viện dã chiến Sardar Patel ở ngoại ô New Delhi,
4 bệnh viện từ chối người phụ nữ đang mang thai 7 tháng tuổi, cho đến khi cô tìm được một bệnh viện còn giường trống cho chồng mình.
Nhưng đây chỉ là một bệnh viện dã chiến ở ngoại ô thủ đô New Delhi, thiếu thốn các trang thiết bị y tế và sự chăm sóc của các y bác sĩ, đến mức chồng của Patel muốn xuất viện, theo CNN.
Những người bệnh ở cùng Sadanand Patel, 30 tuổi, đều trong tình trạng rất nặng. Chồng của Patel nhận được rất ít thuốc men và gần như không được bác sĩ để tâm, vì họ đã hoạt động hết công suất. Lá phổi của người đàn ông này đã bị tổn thương tới 80%.
“Tôi rất sợ”, Sadanand nói với CNN. “Tôi sợ rằng nếu tình hình sức khỏe tồi tệ hơn, các bác sĩ ở đây sẽ không có cách nào cứu giúp được”.
Khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Ấn Độ, hệ thống y tế của quốc gia này gần như bị tê liệt. Ấn Độ thiếu giường bệnh, oxy y tế và nhân lực tại các bệnh viện.
Các nhân viên gấp rút chuẩn bị giường bệnh trước ngày bệnh viện dã chiến Sardar Patel mở cửa trở lại.
Một số bệnh nhân Covid-19 tử vong khi chờ ngoài phòng cấp cứu. Số khác may mắn hơn được nhập viện. Nhưng khi ở bên trong, một số đối mặt với tình cảnh cũng hết sức tồi tệ. Họ hầu như không được sự chăm sóc của các y bác sĩ, do bệnh viện đã quá tải.
Hồi tháng 2, bệnh viện dã chiến Sardar Patel đóng cửa vì giới chức Ấn Độ cho rằng đã kiểm soát thành công dịch bệnh. Nhưng khi đợt dịch thứ hai bùng phát, bệnh viện với 500 giường bênh này mở cửa trở lại vào ngày 26.4.
Sadanand là bệnh nhân nhập viện trong ngày đầu tiên bệnh viện dã chiến này mở cửa trở lại. Vài ngày sau, khi người vợ đến thăm, 500 giường bệnh đã không còn chỗ trống.
Sadanand nói anh chỉ được gặp bác sĩ từ 2-3 ngày một lần. Người đàn ông này tận mắt chứng kiến cảnh hai người nằm ở giường bên cạnh tử vong sau vài giờ vì thiếu oxy y tế.
Sadanand Patel bị tổn thương 80% lá phổi.
Đến ngày 1.5, Sadanand nói rằng 5 người ở xung quanh anh đã tử vong. Có trường hợp bệnh nhân đã tử vong nhưng thi thể vẫn nằm trên giường suốt nhiều giờ vì chưa có người tới đưa đi.
Bộ Y tế Ấn Độ hồi tháng trước thông báo sẽ mở rộng quy mô bệnh viện dã chiến Sardar Patel với 2.000 giường bệnh, bổ sung thêm nguồn oxy y tế dự trữ. 40 bác sĩ và 120 y tá cũng sẽ được bổ sung đến bệnh viện.
Nhưng mục tiêu đó cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Các bệnh nhân đến đây với hi vọng được chữa trị. Nhưng thực tế không như họ mong đợi”, Sadanand nói.
Sadanand sợ rằng nếu một ngày tình trạng bệnh tình của mình xấu đi, anh ấy không có sức để gọi bác sĩ. Một số bệnh nhân khác khuyên rằng, nếu cảm thấy tốt hơn, dù chỉ một chút, thì hãy xin ra viện. “Nhiều người qua đời ở đây chỉ vì họ không còn sức gọi bác sĩ”, Sadanand chia sẻ.
Khung cảnh bên trong bệnh viện dã chiến.
Sadanand không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy ở bệnh viện dã chiến Sardar Patel. Người đàn ông muốn được chuyển viện nhưng các bác sĩ nói rằng tất cả các bệnh viện ở New Delhi đều đã chật kín người bệnh.
“Anh ấy muốn tôi đưa về nhà, không muốn ở đây nữa”, người vợ Goldi Patel chia sẻ hôm 1.5. “Tôi giải thích rằng ít nhất ở đây anh vẫn được trợ thở bằng máy móc”.
Trấn an chồng về việc bệnh viện mới được bổ sung oxy dự trữ, Goldi Patel lo lắng về một điều khác. Đó là tình trạng sức khỏe của chồng không hề tốt. Sadanand bị tổn thương phổi tới 80%, theo ảnh chụp CT.
Mỗi khi ngồi dậy, Sadanand ho liên tục, nói rằng cảm thấy đau tức ngực, Goldi kể lại. Ở bệnh viện, Sadanand được cấp thức ăn, nước uống, máy thở oxy nhưng thiếu thuốc men.
Goldi phải đấu tranh với các bác sĩ mới xin được một ít thuốc kháng sinh cho chồng.
Ấn Độ đang thiếu hụt nghiêm trọng các bác sĩ và nhân viên y tế.
Bác sĩ Chandrasekhar Singha, công tác tại bệnh viện Madhukar Rainbow ở New Delhi, nói các trường hợp như Sadanand cần được chữa trị bằng thuốc kháng virus, thuốc chống viêm và thuốc kháng sinh.
“Bệnh nhân được cung cấp oxy đầy đủ cũng là cách để họ có thêm thời gian”, bác sĩ Singha nói.
Cứ 2-3 giờ, Goldi lại gọi điện cho chồng, hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của chồng. Nhưng Sadanand chỉ nói được vài phút rồi gác máy vì mệt mỏi.
Tại các vùng tâm dịch ở Ấn Độ, các trường hợp như Sadanand xảy ra khá thường xuyên, do số ca nhiễm tăng lên hơn 300.000 mỗi ngày, nhưng đội ngũ y bác sĩ ở nhiều nơi đã kiệt sức, không thể chăm sóc được tất cả các bệnh nhân, theo CNN.
Nguồn: [Link nguồn]
Một năm trước, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn ở giai đoạn ban đầu, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã...