Covid-19: Tiêm đủ 83% dân số, tại sao Singapore vẫn "run chân quá mức"?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tiêm phòng đầy đủ cho 83% dân số, 98,4% ca mắc chỉ có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng, tỉ lệ tử vong thuộc loại thấp nhất thế giới, là một trong những nước đầu tiên đưa ra khái niệm "sống chung với Covid-19"... nhưng Singapore vẫn chưa dám mở rộng cửa.

Các loại vắc-xin được cho là "tấm vé" giúp thoát khỏi đại dịch Covid-19. Nhưng tại Singapore, mọi thứ đã không diễn ra theo kế hoạch. Kinh nghiệm của Singapore là bài học cho các quốc gia khác muốn giảm bớt các hạn chế phòng dịch Covid-19 nhưng vẫn chưa giải quyết được bài toán lây nhiễm trên diện rộng.

Singapore được nhiều người xem là hình mẫu thành công trong cuộc chống dịch Covid-19. Nước này đã đóng cửa biên giới, xét nghiệm, truy vết tích cực và là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á đặt hàng vắc-xin.

Một chính trị gia hàng đầu Singapore từng cho rằng tỉ lệ tiêm chủng đạt 80% là tiêu chí để mở cửa trở lại theo từng giai đoạn. Singapore hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho 83% dân số nhưng thay vì mở rộng cửa họ đã làm ngược lại - cách làm mà một số chuyên gia cho là "cẩn trọng quá mức".

Người dân đã kêu gọi chính phủ cân nhắc những lo ngại về vấn đề sức khỏe tâm thần do các hạn chế phòng dịch gây ra. Ảnh: Reuters

Người dân đã kêu gọi chính phủ cân nhắc những lo ngại về vấn đề sức khỏe tâm thần do các hạn chế phòng dịch gây ra. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 9, với số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ sau 8-10 ngày, chính phủ Singapore đã khôi phục các hạn chế đối với các cuộc tụ tập đông người. Người dân một lần nữa được khuyến cáo làm việc tại nhà.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, chủ tịch lực lượng đặc trách về Covid-19, cho rằng bài học cho các xã hội hướng đến mục tiêu "không Covid" như Singapore, New Zealand và Úc là sẵn sàng cho những đợt lây nhiễm lớn bất kể đã phủ sóng vắc-xin.

"Một khi chúng ta mở cửa sẽ có nhiều tương tác xã hội hơn. Với bản chất lây nhiễm cao của biến thể Delta, chúng ta sẽ chứng kiến những ổ dịch lớn" - ông Wong nói.

Ăn uống ở hàng quán bị giới hạn 2 người một bàn ở Singapore. Ảnh: New York Times

Ăn uống ở hàng quán bị giới hạn 2 người một bàn ở Singapore. Ảnh: New York Times

Theo ông Wong, các loại vắc-xin hiệu quả trong việc ngăn hầu hết người mắc Covid-19 nhập viện, với 98,4% các trường hợp mắc bệnh ở Singapore có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Theo hãng tin Reuters, Singapore ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới mỗi ngày trong những ngày qua nhưng hầu hết ca mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Singapore hiện ghi nhận hơn 126.000 ca mắc và chỉ 162 ca tử vong do dịch Covid-19. Các trường hợp tử vong chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, thường có bệnh nền và chiếm 0,2% tổng các trường hợp trong 28 ngày qua. Nhưng vắc-xin không thể ngăn lây nhiễm, đặc biệt là biến thể Delta.

Đối với ông Wong, kịch bản về một đại dịch có thể diễn ra ở Singapore và các nơi khác sẽ bao gồm việc đeo khẩu trang, hạn chế đi lại và giãn cách xã hội cho đến năm 2024.

Chờ đợi người mua hàng thưa thớt. Ảnh: New York Times

Chờ đợi người mua hàng thưa thớt. Ảnh: New York Times

Ông Wong nhấn mạnh Singapore vẫn đang trên con đường hướng tới việc chung sống với  Covid-19 và bất kỳ hình thức siết chặt dù nhỏ đến mức nào cũng đều khiến người dân tức giận và thất vọng. Bộ trưởng Tài chính Singapore cho rằng: "Chúng ta phải điều chỉnh dựa trên thực tế, dựa trên tình hình mà chúng ta đang đối mặt".

Đối với nhiều người, những điều chỉnh hạn chế xã hội lặp đi lặp lại đã gây ra thiệt hại. Số vụ tự tử ở Singapore vào năm 2020 đạt mức cao nhất kể từ năm 2012, xu hướng mà một số chuyên gia sức khỏe tâm thần cho là do ảnh hưởng bởi Covid-19. Người dân đã kêu gọi chính phủ cân nhắc những lo ngại về sức khỏe tâm thần do hạn chế phòng dịch gây ra.

Người dân Singapore vẫn được khuyến cáo làm việc tại nhà. Ảnh: New York Times

Người dân Singapore vẫn được khuyến cáo làm việc tại nhà. Ảnh: New York Times

"Nạn nhân của chính mình"

Ông Devadas Krishnadas, giám đốc điều hành của Future-Moves Group, một công ty tư vấn ở Singapore, cho biết: "Các hạn chế gây ra sự không bền vững về mặt kinh tế, xã hội, cảm xúc và tinh thần". Ông Krishnadas cho rằng quyết định áp dụng lại các biện pháp hạn chế sau khi đạt tỉ lệ tiêm chủng cao như vậy đã khiến Singapore "lạc nhịp" với thế giới.

Ông Jeremy Lim, phó giáo sư tại Trường ĐH Quốc gia Singapore và là chuyên gia về chính sách y tế, nhận định chính phủ không nên chờ các điều kiện hoàn hảo để mở cửa trở lại bởi "thế giới sẽ không bao giờ hoàn hảo".

TS Paul Tambyah, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH Quốc gia Singapore, cho biết: "Chúng ta trở thành nạn nhân trong thành công của chính mình bởi Singapore đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 gần bằng không và tỉ lệ tử vong là rất, rất thấp. Chúng ta muốn duy trì điều đó nhưng nó rất khó thực hiện".

Quốc gia ĐNA ”sống chung với Covid-19”: 2 tuần nữa sẽ ra sao?

Một chuyên gia về mô hình dự đoán các bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Singapore cảnh báo, số ca mắc mới trong ngày của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN