Covid-19: Thuốc kháng thể mới của TQ cho kết quả thử nghiệm đầy hứa hẹn

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, 2 loại thuốc kháng thể điều trị Covid-19 do Trung Quốc sản xuất giúp giảm lượng virus SARS-CoV-2 ở người bệnh, giúp người bệnh lấy lại vị giác và khứu giác. Ngoài ra, các loại thuốc này còn có triển vọng giúp đối phó với các biến chủng mới trong tương lai.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Giáo sư Zhang Linqi, làm việc tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), hôm 21/11 cho biết, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy, một loại thuốc gồm các kháng thể đơn dòng BRII-196 và BRII-198 giúp giảm 78% số người nhiễm Covid-19 phải nhập viện và tử vong ở nhóm có nguy cơ cao. 

Tờ China Daily dẫn lời giáo sư Zhang cho biết, các nhà nghiên cứu đã phân tách được vài trăm kháng thể đơn dòng từ những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Họ phát hiện hàng chục loại trong số này có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2

Các nhà nghiên cứu tiếp tục xác định một cặp kháng thể đơn dòng, có thể vừa kháng virus, vừa hạn chế sự xuất hiện của các biến chủng mới.  

Theo giáo sư Zhang, loại thuốc mới này được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hồi tháng 4 năm nay. "Mức độ hiệu quả dựa trên các nghiên cứu thực hiện ở 4 lục địa, 6 quốc gia và 111 cơ sở nghiên cứu lâm sàng", ông Zhang cho hay. 

Vị giáo sư tại Đại học Thanh Hoa nói thêm rằng, những người tham gia thử nghiệm thuộc các sắc tộc khác nhau và thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh nhiều biến chủng Covid-19 đang hoành hành. "Kết quả rất hứa hẹn", giáo sư Zhang cho biết. 

Tại Trung Quốc, thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Kể từ tháng 5, hơn 800 bệnh nhân được chỉ định điều trị khẩn cấp bằng loại thuốc này.

"Các chuyên gia lâm sàng và bác sĩ đã nhận thấy các chỉ số chính về bệnh lý, triệu chứng lâm sàng và miễn dịch của bệnh nhân có cải thiện", giáo sư Zhang nói. 

Đầu tháng 10, nhóm nghiên cứu đã làm đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại thuốc này lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Nhóm cũng nộp đơn xin phê duyệt thị trường với cơ quan quản lý thuốc ở Trung Quốc. 

Một loại thuốc khác, sử dụng kháng thể trung hòa để tiêu diệt virus, được phát triển bởi giáo sư Sunney Xie, giám đốc Trung tâm sáng tạo tiên tiến Bắc Kinh, thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), và các cộng sự. 

Loại thuốc này, dựa trên kháng thể trung hòa DXP-604, được phép sử dụng cho mục đích nhân đạo và đã được chỉ định sử dụng với 35 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Bắc Kinh tính tới hôm 17/11. Các bệnh nhân này có độ tuổi trung bình là 53, bị nhiễm Covid-19 thể nhẹ hoặc trung bình. 

Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính và đủ điều kiện xuất viện sau khoảng thời gian trung bình là 15 ngày. Người nhiễm biến chủng Delta sẽ có thời gian lâu hơn, trung bình khoảng 26 ngày. 

Loại thuốc sử dụng kháng thể trung hòa này còn làm giảm lượng virus SARS-CoV-2 ở người bệnh, giảm viêm và các triệu chứng ở đường hô hấp, tăng cường kháng thể cũng như giúp người bệnh lấy lại vị giác và khứu giác, theo giáo sư Xie. 

Ngoài các thử nghiệm sử dụng vì mục đích nhân đạo, giáo sư Xie cho biết, loại thuốc này được chứng minh là an toàn trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu. Các thử nghiệm giai đoạn 2 đang được thực hiện ở Trung Quốc và một số quốc gia khác. 

Căn cứ vào các kết quả trong phòng thí nghiệm, loại thuốc sử dụng kháng thể trung hòa này được cho là có khả năng đối phó với các biến chủng đã biết và các biến chủng khác trong tương lai. 

Theo giới chức y tế địa phương, Trung Quốc đang nghiên cứu 3 loại thuốc điều trị Covid-19, giúp ngăn virus xâm nhập vào tế bào, ức chế sự nhân lên của virus hoặc điều chỉnh hệ thống miễn dịch. 

Ngoài việc điều trị bằng kháng thể, thường ở dạng tiêm, Trung Quốc còn phát triển thêm thuốc điều trị Covid-19 dạng viên nén.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát hiện mới về hiệu quả thuốc kháng thể chống Covid-19 của AstraZeneca

AstraZeneca ngày 18.11 thông báo hiệu quả loại thuốc kháng thể chống Covid-19 dạng tiêm của hãng, cung cấp thêm lựa chọn để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - China Daily, Asia News Network ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN