Covid-19: "Quả bom nổ chậm" ở Ấn Độ
Nhiều người Ấn Độ vẫn phải đi thu gom rác mỗi ngày vì miếng cơm, manh áo, bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ rác thải y tế, sinh hoạt.
Vào một buổi chiều tại thành phố Faridabad, bang Haryana (Ấn Độ), một chiếc xe tải màu cam chạy qua các khu dân cư và phát loa nhắc nhở người dân hãy chăm chỉ rửa tay, hạn chế rời khỏi nhà trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, Ashok - một người thu gom rác, vẫn phải ra khỏi nhà để thực hiện công việc của mình. Ông đi đến từng nhà và gọi cửa. Một số người mang rác ra ngoài giao cho Ashok, trong khi một số khác thì đứng trên ban công và ném rác xuống xe.
Đây là lần đầu tiên Ashok dùng găng tay và đeo khẩu trang khi đi thu gom rác. Trước đây ông làm việc cùng với một người khác, nhưng kể từ khi có lệnh phong tỏa, Ashok phải làm một mình.
Rác thải tại Ấn Độ được xử lý bởi hơn 4 triệu người thu gom, bao gồm cả những nhân viên môi trường và người làm việc tự do. Họ thường đến từng khu dân cư, doanh nghiệp và bệnh viện để gom rác mà không được trang bị bất kỳ đồ bảo hộ nào.
Một người đàn ông đi thu gom rác tại Ấn Độ (ảnh: SCMP)
Ashok và những người thu gom rác khác luôn có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 từ rác thải. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đã ví nguy cơ từ 4 triệu người thu gom rác như ông Ashok tại Ấn Độ như một “quả bom nổ chậm”.
Một số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 và các trường hợp nghi nhiễm tại Ấn Độ đang được cách ly tại nhà. Khăn giấy, găng tay, khẩu trang và những dụng cụ vệ sinh cá nhân từ những đối tượng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan virus nhưng không được phân loại trước khi giao cho người thu gom.
Thêm vào đó, nhiều người làm công việc thu gom rác tại Ấn Độ là lao động tự do, không hề được hướng dẫn và cũng không có nhiều hiểu biết về các biện pháp giữ vệ sinh an toàn.
“Những người thu gom rác và nhân viên môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải y tế và sinh hoạt. Chúng không được phân loại dựa trên nguồn gốc và trở nên nguy hiểm”, Bharati Chaturvedi, giám đốc Nhóm hành động và nghiên cứu môi trường Chintan (Ấn Độ), cho biết.
Hồi tháng 3, Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ (CPCB), đã đưa ra những hướng dẫn về cách xử lý và phân loại rác để ngăn ngừa Covid-19 lây lan.
Đối với những cơ sở y tế, khu cách ly và nhà của người nhiễm, nghi nghiễm Covid-19, CPCB khuyến cáo cần gom rác thải y tế vào các túi màu vàng hoặc thùng chứa riêng biệt, trước khi giao cho nhân viên môi trường.
“Tuy nhiên chẳng mấy ai nhận thức được sự cần thiết của hành động phân loại rác theo hướng dẫn”, bà Chaturvedi nhận xét.
Nhiều người Ấn Độ vẫn muốn đi thu gom rác, bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (ảnh: SCMP)
Năm 2018, Ấn Độ ghi nhận 27.427 trường hợp vi phạm quy định về môi trường bị xử lý.
Vào cuối tháng 3, một số lượng lớn rác thải y tế, bao gồm khẩu trang đã qua sử dụng, đồ bảo hộ và ống tiêm bị phát hiện vứt bừa bãi ngoài trời tại thủ đô New Delhi. Cùng tháng đó, một người đàn ông đã bị bắt giữ tại Mumbai vì thu gom hơn 100.000 khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại.
Tại thành phố Pune, bang Maharashtra, số khẩu trang đã qua sử dụng của hơn 2.000 người đang phải cách ly vì Covid-19 bị phát hiện tại nhà của một người gom rác địa phương.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được đi gom rác vào thời điểm này ở Ấn Độ.
Ở New Delhi, Sahana Khatun và chồng, cả 2 đều làm nghề thu gom rác cho biết, họ đã không được cho ra ngoài làm việc kể từ khi có lệnh phong tỏa.
“Rác thải bị chất thành đống nhưng tôi không thể đi thu gom, chồng tôi cũng vậy. Mỗi ngày trôi qua mà làm việc, chúng tôi có thể không nuôi nổi con mình”, bà Khatun chia sẻ.
Sau khi lệnh phong tỏa kết thúc, bà Khatun nói rằng đứa con lớn nhất – 10 tuổi, sẽ cùng mình đi nhặt rác.
“Tôi cũng lo lắng về việc mình sẽ bị nhiễm bệnh và lây cho con cái. Nhưng nếu làm việc thì sẽ không có tiền để mua thức ăn. Đằng nào thì cũng chết”, Sahana Khatun, một người đi thu gom rác, chia sẻ.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Theo các nhà nghiên cứu tại Thụy Sĩ, việc xem xét nước thải ở các ống cống có vai trò hiệu quả trong phát hiện và đưa...
Nguồn: [Link nguồn]