Covid-19: Phát hiện nơi hình thành miễn dịch cộng đồng lớn nhất thế giới
Cứ khoảng 10 người sống ở những khu ổ chuột lớn nhất của Ấn Độ thì có 6 người mang trong mình kháng thể ngừa virus SARS-CoV-2, đủ điều kiện để được coi là hình thành miễn dịch cộng đồng, một nghiên cứu mới cho biết.
Một người phụ nữ Ấn Độ hồi phục sau khi nhiễm Covid-19, tình nguyện hiến huyết tương.
Theo SCMP, những người mang trong mình kháng thể nghĩa là họ đã bị nhiễm Covid-19 và nay khỏi bệnh. Dường như các khu ổ chuột của Ấn Độ đã hình thành miễn dịch cộng đồng với quy mô lớn nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận trên sau cuộc khảo sát huyết thanh đối với 6.936 người tại 3 khu ổ chuột ở Mumbai. Điều này có thể lý giải tại sao có những cộng đồng người ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 ngày càng giảm so với phần còn lại ở Ấn Độ.
“Các khu ổ chuột ở Mumbai đã đạt đến mức miễn dịch cộng đồng”, Jayaprakash Muliyil, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoa học của Viện Dịch tễ Quốc gia Ấn Độ, nói. “Nếu mọi người ở Mumbai muốn tìm nơi nào đó an toàn tránh dịch Covid-19, thì đó chính là ở những khu ổ chuột”.
Nghiên cứu do chính quyền thành phố Mumbai và Viện nghiên cứu Tata thực hiện, cho thấy sự bất lực của chính phủ Ấn Độ trong việc ngăn chặn virus lây lan. Những nơi nghèo nhất ở Mumbai là nơi virus lây lan nhanh nhất.
Khoảng 57% số người tham gia lấy huyết tương ở khu ổ chuột Dahisar, Chembur và Matunga có kháng thể, so với mức 21,2% ở thành phố New York, Mỹ trong tháng 4 và 14% ở Stockholm, Thụy Điển trong tháng 5.
Ở các khu ổ chuột tại Mumbai, đa số dân là người trẻ, ít chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và có thể vì vậy mà cộng đồng người ở đây đạt miễn dịch cộng đồng rất nhanh.
Những người ở khu ổ chuột Ấn Độ chờ đến lượt xét nghiệm Covid-19.
Khu ổ chuột Dharavi là nơi có tới 1 triệu người sinh sống, mật độ lên tới 277.136 người/km2. Trong khu ổ chuột này, 80 người dùng chung một nhà vệ sinh công cộng và gia đình 8 người chỉ trong tập trung trong căn phòng có diện tích 30m2.
Trong vài tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 ở Dharavi đã giảm mạnh so với thời điểm những ca đầu tiên ghi nhận vào tháng 4, ngay cả khi tốc độ lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đang cao nhất thế giới.
Theo nhóm nghiên cứu, sở dĩ số ca nhiễm ở khu ổ chuột này giảm là vì virus có thể đã lây lan ở đây một cách nhanh chóng.
“Xem ra virus giúp chấm dứt tình trạng lây nhiễm tốt hơn là nỗ lực cố gắng kiểm soát của chính phủ”, Muliyil nói.
Dĩ nhiên, chính quyền vẫn có vai trò trong việc làm giảm tối đa tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở khu ổ chuột. Các ca nhiễm được chẩn đoán sớm và được chăm sóc chu đáo.
Tính đến nay, Dharavi mới chỉ ghi nhận 253 ca tử vong vì Covid-19.
Ở thủ đô New Delhi, số ca nhiễm Covid-19 cũng có xu hướng giảm. Một nghiên cứu hồi đầu tháng 7 cho thấy có 25% dân số New Delhi nhiễm Covid-19.
New Delhi không được coi là đạt mức độ miễn dịch cộng đồng vì tỉ lệ này phải đủ 60%. Nhưng số ca nhiễm chỉ tập trung ở một nhóm người không thể tuân thủ giãn cách xã hội cũng có thể giúp làm chậm tốc độ lây lan.
Nguồn: [Link nguồn]
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 31/6 cho biết quốc gia này đã siết chặt các biện pháp chống dịch Covid-19 ở thủ...