Covid-19: Phát hiện cách biến chủng Delta lây lan rất nhanh

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phát hiện ra vì sao biến chủng Delta dễ lây lan hơn và đang "thống trị" khắp nơi trên thế giới.

Nghiên cứu mới cho thấy, virus SARS-CoV-2 tự nhân lên thành nhiều bản sao với tốc độ nhanh ở những ca bệnh nhiễm biến chủng Delta. Ảnh minh họa: DW

Nghiên cứu mới cho thấy, virus SARS-CoV-2 tự nhân lên thành nhiều bản sao với tốc độ nhanh ở những ca bệnh nhiễm biến chủng Delta. Ảnh minh họa: DW

Theo Daily Mail, các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã nghiên cứu những ca nhiễm biến chủng Delta (B1.617.2)

Họ phát hiện, virus trong cơ thể bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta tạo ra các bản sao của chính nó với tốc độ rất nhanh. Đồng thời, bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các biến chủng khác. 

Điều này giải thích vì sao biến chủng Delta đã "càn quét" ở Mỹ với tốc độ khó tin. Số ca nhiễm biến chủng Delta ở Mỹ chỉ chiếm 10% tổng số ca Covid-19 của nước này hồi giữa tháng 6, nhưng chỉ một tháng sau, số ca nhiễm biến chủng Delta ở Mỹ đã chiếm 83,2% số ca Covid-19 mới ở nước này, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. 

Trong nghiên cứu mới được công bố trực tuyến hồi đầu tháng 7, các nhà khoa học đã xem xét tải lượng virus SARS-CoV-2 trên 62 bệnh nhân trong đợt lây nhiễm đầu tiên của biến chủng Delta tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ ngày 21/5 đến ngày 18/6. 

Sau đó, họ so sánh với tải lượng virus SARS-CoV-2 của 63 bệnh nhân Covid-19 khác - những người bị lây nhiễm năm 2020 với biến chủng cũ. 

Các nhà khoa học phát hiện, khi một người mắc biến chủng Delta, virus trong người đó sẽ tự động nhân lên thành nhiều bản sao với tốc độ nhanh, khiến nó lây lan khắp cơ thể. 

Người nhiễm biến chủng Delta có tải lượng virus cao hơn 1.000 lần so với người nhiễm biến chủng cũ. 

Ngoài ra, thời kỳ ủ bệnh - tính từ khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 và  phát hiện triệu chứng - cũng ngắn hơn ở bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta. 

Nghiên cứu mới cho thấy, người nhiễm biến chủng Delta chỉ khoảng 4 ngày là sẽ xuất hiện các triệu chứng phổ biến như ho hoặc sốt. Người nhiễm các biến chủng khác có thời gian ủ bệnh khoảng 6 ngày. 

Kết quả nghiên cứu càng ủng hộ thêm cho tuyên bố biến chủng Delta lây lan nhanh hơn 2-3 lần so với biến chủng ban đầu ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. 

"Tải lượng virus cao hơn cho thấy khả năng dễ lây nhiễm hơn của biến chủng Delta ngay cả khi bệnh nhân chỉ ở giai đoạn đầu của lây nhiễm. 

Khả năng lây nhiễm dễ hơn của biến chủng Delta ở giai đoạn tiền triệu chứng cho thấy sự cần thiết phải cách ly kịp thời các ca bệnh đáng ngờ hoặc những người tiếp xúc gần với các ca bệnh đó trước khi sàng lọc bằng xét nghiệm PCR", các nhà khoa học Trung Quốc cho biết. 

Biến chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 9/2020, được Bộ Y tế Ấn Độ gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến: L452R và E484Q.

L452R là đột biến giống với biến chủng được tìm thấy ở California, Mỹ, trong khi E484Q là đột biến tương tự như biến chủng Gamma (Brazil) và biến chủng Beta (Nam Phi). 

Cả hai đột biến này cho phép virus SARS-CoV-2 xâm nhập và lây lan trong các tế bào của con người. 

Covid-19: Tình thế đáng lo ngại ở Indonesia

Cảnh tượng ám ảnh các bệnh viện ở đảo Java của Indonesia trong nhiều tháng qua nay đã lan ra khắp cả nước, trong bối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Daily Mail ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN