COVID-19 ngoài lãnh thổ Trung Quốc chỉ mới bắt đầu bùng phát?
Với số lượng người tử vong ngoài Trung Quốc đại lục bất ngờ tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn, nhiều chuyên gia lo ngại dịch bệnh có thể chỉ mới bắt đầu bùng phát dữ dội ở phần còn lại của thế giới.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trên du thuyền ở Nhật Bản. Ảnh: AP
Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận tính đến 8 giờ tối 15-2, có 1.670 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 69.270 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 15-2, số ca tử vong tăng 143 người.
Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 8.141 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, không tăng so với ngày 15-2.
Hiện số ca tử vong bên ngoài đại lục đã lên đến năm ca. Ca mới nhất vừa được xác nhận ở Đài Loan chiều 16-2. Nạn nhân là một người đàn ông 60 tuổi, gần đây không đi du lịch nước ngoài, đã mắc sẵn bệnh tiểu đường và viêm gan B. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên ở Đài Loan trong tổng số 20 ca nhiễm đã được xác nhận ở vùng lãnh thổ này.
Bốn trường hợp tử vong còn lại bao gồm một ở Philippines vào ngày 2-2, một ở đặc khu Hong Kong vào ngày 4-2, một ở Nhật vào ngày 13-2 và một ở Pháp vào ngày 15-2. Với số lượng ca tử vong tăng đột ngột chỉ trong thời gian ngắn ở nhiều nước trên thế giới, nhiều chuyên gia lo ngại dịch bệnh có thể chỉ mới bắt đầu bùng phát bên ngoài TQ.
Dịch có thể kéo dài hơn một năm nữa
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters ngày 15-2, người đứng đầu Mạng lưới cảnh báo và ứng phó với dịch bệnh toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Dale Fisher cảnh báo virus đã lan sang những khu vực khác, nơi dịch bệnh đang bắt đầu bùng phát. “Tại Singapore, chúng ta chỉ mới đang ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch” - ông Fisher khẳng định.
Được biết Singapore cho đến nay đã ghi nhận ít nhất 50 trường hợp nhiễm dịch và là một trong những nước có số ca nhiễm virus COVID-19 nhiều nhất bên ngoài TQ. “Tôi tin rằng cuối cùng mỗi nước sẽ có ít nhất một trường hợp nhiễm dịch và một trường hợp tử vong” - ông Fisher nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng bất đồng về thời điểm dịch sẽ kết thúc. Trong khi giới y khoa TQ khẳng định dịch có thể đạt đỉnh trong tháng 2 trước khi chấm dứt vào tháng 4, các chuyên gia của WHO cho rằng tình hình vẫn quá căng thẳng và “còn quá sớm để dự đoán đỉnh dịch”.
Chưa có con số chính xác người lây nhiễm trên thế giới
Trong bài viết cho tờ South China Morning Post ngày 15-2, TS Chris Smith thuộc ĐH Cambridge (Anh) nhận định rằng sở dĩ số ca lây nhiễm ở các nước ngoài TQ không tăng là vì các nước này có thể không chủ động xét nghiệm và tìm kiếm bệnh nhân. Thay vào đó, chính quyền chỉ xét nghiệm những người vừa trở về từ một số vùng nhất định như Vũ Hán. “Nhiều ca bệnh có thể đã xuất hiện mà cơ quan y tế hoàn toàn bỏ sót” - ông Smith khẳng định.
Việt Nam đã xử lý dịch bệnh lần này rất tốt. Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đã tăng lên đáng kể. Dù vậy, Việt Nam cũng cần tiếp tục cảnh giác bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới trong những ngày tới. Ông KIDONG PARK, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam |
Chẳng hạn ở Anh, ông Smith cho biết chỉ những người được cho là đã lây nhiễm theo định nghĩa của nước này (tức đã có biểu hiện triệu chứng bệnh ra bên ngoài, đã tới ít nhất một trong những nơi đang bùng phát dịch và tiếp xúc với bệnh nhân ở đó) mới được xét nghiệm. Do đó, nếu một công dân Anh vô tình lây nhiễm virus trên đường phố mà không phù hợp với định nghĩa trên thì sẽ không được xét nghiệm và đặt toàn bộ cộng đồng xung quanh vào nguy hiểm.
Đánh giá về khả năng bùng phát mạnh ở khu vực còn lại của thế giới, chuyên gia trên cho rằng viễn cảnh này hoàn toàn có khả năng. Theo đó, biểu hiện của bệnh khá đa dạng, từ nhẹ, khó phát hiện (80% số ca) đến nặng (20% số ca), cùng thời gian ủ bệnh dài (có thể lên đến 24 ngày nếu các khảo sát mới nhất được chứng minh), đồng nghĩa với việc nhiều người nhiễm bệnh có thể đã rời khỏi vùng dịch và mang virus tới các nước khác mà không bị phát hiện.
Đáng chú ý, mỗi ngày có hàng ngàn người bay các chuyến từ Vũ Hán đi quốc tế trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19. “Tôi không thể hình dung nổi số người này có thể đã tiếp xúc với những ai trong suốt hành trình của mình và mang mầm bệnh lây lan hàng loạt” - TS Chris Smith cảnh báo.
“Cho đến nay, đối với những ca đã xác nhận, các nước đều lần dấu vết người bệnh khá tốt dựa vào lịch trình đi lại, danh sách chuyến bay… Nhưng một khi virus lây rộng ra cộng đồng, khả năng có thể đã xảy ra, sẽ gần như không thể kiểm soát được tất cả. Cách duy nhất lúc đó chỉ có thể là mở rộng định nghĩa một ca nghi nhiễm, mở rộng đối tượng phải xét nghiệm rồi cách ly, kiểm soát tương ứng” - ông Smith nói.
Ngoài ra, cũng theo TS Chris Smith, một lý do khác cũng giúp ngăn cản tốc độ lây lan của virus COVID-19 là nhờ vào việc TQ tiến hành cách ly và phong tỏa các thành phố bị ảnh hưởng nặng, “mua thêm thời gian cho thế giới chuẩn bị”. Dù vậy, với số ca lây nhiễm quá lớn, chuyên gia này lo ngại không thể biết được chính quyền Bắc Kinh có thể duy trì được bao lâu.
WHO: Không biết được COVID-19 sẽ lây lan đến mức nào Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 ở Đức, Tổng giám đốc (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 15-2 cho biết vẫn rất lo ngại về tình hình dịch virus COVID-19 ở TQ, hãng tin Reuters cho hay. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: Số lượng ca lây nhiễm vẫn không ngừng tăng và ngày càng có thêm nhiều báo cáo về số lượng nhân viên y tế TQ tử vong vì dịch bệnh ở Vũ Hán. Cũng theo người đứng đầu WHO, thế giới hiện chưa có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả mà chỉ có thể chống đỡ khi dịch đã bắt đầu bùng phát mạnh. “Chúng ta ném tiền vào một ổ dịch và khi hết dịch, chúng ta quên nó đi và không làm gì để ngăn chặn những đợt dịch tiếp theo. Chúng ta phải tận dụng cơ hội khi vừa tan dịch để chuẩn bị” - ông Ghebreyesus nói. |
Khi nhiều quốc gia đang cùng nhau ngăn chặn virus Corona chủng mới (COVID-19) lây lan trên toàn cầu, những người du hành trên...
Nguồn: [Link nguồn]