COVID-19 lại tấn công châu Á
Khu vực Tây Thái Bình Dương, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó có Việt Nam, dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 tuần thứ 3 liên tiếp
Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 24-11, số ca COVID-19 của Tây Thái Bình Dương - bao gồm nhiều nước châu Á, châu Úc, trong đó có Việt Nam - chủ yếu đến từ châu Á, trong khi châu Úc đã "hạ nhiệt".
Trong tuần qua, khu vực này ghi nhận gần 1,19 triệu ca COVID-19 mới, chiếm 49% số ca toàn cầu (2,43 triệu). Tuy giảm nhẹ 4% so với tuần trước nhưng vẫn trong đà tăng tổng thể 6 tuần liên tiếp.
Với hơn 593.000 ca (tăng 18%), Nhật Bản tiếp tục là nước có số ca mắc mới nhiều nhất thế giới. Theo hãng tin Kyodo, Hiệp hội Y tế Nhật Bản đã tuyên bố nước này bước vào làn sóng COVID-19 thứ 8 từ ngày 16-11, sau khi số ca mắc hằng ngày vượt mốc 100.000 ca một ngày trước đó.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do Nhật Bản đã bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với du lịch và đón lượng khách quốc tế tăng cao. Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato cũng cảnh báo số ca COVID-19 nghiêm trọng và tử vong đang gia tăng ở người cao tuổi.
Trong khi đó, Hàn Quốc có số ca cao thứ 2 trong khu vực với hơn 364.000 ca, tăng nhẹ 2% nhưng số ca tử vong lại tăng mạnh (26%). Theo sau là Trung Quốc, đất nước đang siết chặt các biện pháp cách ly, kiểm dịch trong lúc ghi nhận gần 159.000 ca tuần qua.
Nhiều người hâm mộ bóng đá ở TP Thượng Hải - Trung Quốc đeo khẩu trang khi đến các địa điểm cổ động World Cup hôm 23-11. Ảnh: REUTERS
Một số nước khác như Thái Lan, Indonesia thuộc khu vực Đông Nam Á của WHO (bao gồm một phần Đông Nam Á và Nam Á địa lý) cũng ghi nhận số ca mắc tương đối cao, đánh dấu bằng màu cam (10-50 ca/100.000 dân) trên bản đồ tỉ lệ.
Theo Tempo, báo cáo của Bộ Y tế Indonesia cho thấy số ca có dấu hiệu gia tăng từ giữa tháng 11 trong khi Thái Lan đang lo ngại cho mùa du lịch sắp tới.
Một nghịch lý là tình hình tiếp tục phức tạp ở Mỹ - nơi hiện diện các nhà sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 hàng đầu bao gồm Pfizer và Moderna. Trong làn sóng mới được kích hoạt bởi dòng con của BA.5 Omicron là BQ.1 và BQ.1.1 (chiếm gần 50% số ca), Mỹ có tới hơn 274.000 ca mới tuần qua và dẫn đầu thế giới về số ca tử vong (2.202).
Tại buổi họp báo cuối cùng trước khi mãn nhiệm, cố vấn y tế trưởng của 7 đời tổng thống Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, đã kêu gọi người Mỹ tiêm và tiêm tăng cường vắc-xin COVID-19, đẩy lùi khoảng trống vắc-xin do thông tin sai lệch và những lý do không liên quan đến y khoa.
Canada - quốc gia đang báo động quá tải các khoa nhi vì sự tấn công hỗn hợp của COVID-19, cúm và các bệnh hô hấp khác khi thời tiết dần lạnh - cũng kêu gọi người dân tiêm phòng cả COVID-19 và cúm theo khuyến cáo của WHO.
Một bệnh truyền nhiễm khác là sởi vừa được WHO cảnh báo là "mối đe dọa sắp xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới".
Theo thông cáo báo chí toàn cầu khuya 23-11 (giờ Việt Nam), khoảng trống vắc-xin sởi đạt mức kỷ lục trong năm 2021 với gần 40 triệu trẻ em bỏ lỡ liều, kéo theo sự bùng phát ở 22 quốc gia, gây ra 9 triệu ca mắc mới và 128.000 ca tử vong. Tình hình tiêm chủng tiếp tục gián đoạn trong năm 2022 gây ra các đợt bùng phát sởi lớn kéo dài.
"Nghịch lý của đại dịch là trong khi vắc-xin chống COVID-19 được phát triển và triển khai trong thời gian kỷ lục thì các chương trình tiêm chủng thông thường lại bị gián đoạn nghiêm trọng. Hàng triệu trẻ em đã bỏ lỡ những liều vắc-xin cứu mạng, bao gồm vắc-xin sởi" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo.
Vẫn khó dự đoán! Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, đồng thời khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm vắc-xin. Tại Việt Nam, từ tháng 4 đến nay, số mắc đã giảm mạnh, hiện chỉ còn ghi nhận trung bình 400 ca mắc mới mỗi ngày, còn số ca nặng, nguy kịch tiếp tục giảm. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng dịch COVID-19 vẫn chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian trong khi virus liên tục biến đổi với các biến thể mới, biến thể phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại. Tương tự, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhận định Việt Nam chưa thể công bố kết thúc đại dịch COVID-19. Theo ông, nhờ thành quả của tiêm vắc-xin, tỉ lệ ca COVID-19 tử vong/ca mắc trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9-2022 đã giảm 245 lần so với từ tháng 5 đến tháng 9-2021 (thời điểm tỉ lệ tiêm vắc-xin thấp, nước ta ghi nhận biến thể Delta). Thời gian gần đây, số ca tử vong trên thế giới khoảng 10.000 ca/tuần, còn Việt Nam ghi nhận 1-2 ca/tuần. Tuy vậy, theo GS Lân, Việt Nam vẫn có nguy cơ đối mặt tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn. "Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại nước ta đang được kiểm soát, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản đã trở về trạng thái bình thường, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội" - GS Lân nói. Ngọc Dung |
Số ca mắc COVID-19 hằng ngày ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này cuối năm 2019.
Nguồn: [Link nguồn]