Covid-19: Khu vực nhiều nguy cơ trở thành "châu Âu thứ 2"
Trong khi cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Mỹ và châu Âu được dư luận quan tâm và theo dõi chặt chẽ thì chẳng mấy ai để ý tới diễn biến dịch bệnh ở khu vực Mỹ Latinh – nơi chính phủ các nước hiện không thể kiểm đếm đầy đủ số người tử vong do virus.
Khi số ca nhiễm đã bắt đầu có dấu hiệu giảm dần tại Mỹ và châu Âu, dịch Covid-19 bùng phát tại các thành phố Mỹ Latinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nhiều thành phố của Brazil đã phải dùng mộ tập thể để chôn chất những chiếc quan tài xếp chồng lên nhau trong bệnh viện. Hàng trăm gia đình tại Ecuador vẫn đang “đỏ mắt” tìm thi thể người thân nhập viện vì Covid-19 nhưng không bao giờ quay lại.
“Chúng tôi sợ hãi, tự nhốt mình trong nhà và khóa cửa. Chúng tôi tự cách ly nhưng giờ không ai còn tiền để mua khẩu trang, thuốc men hay thực phẩm”, Aguinilson Tikuna, một người dân tại thành phố Manaus, Brazil, chia sẻ.
Dịch bệnh ở khu vực Mỹ Latinh đang ngày càng trở nên tồi tệ khi các bệnh viện bị quá tải, hệ thống y tế yếu kém với nguồn lực ít ỏi hơn nhiều lần so với châu Âu hay Mỹ.
Chôn cất người tử vong do Covid-19 tại Brazil (ảnh: NY Times)
Những con đường cao tốc tại Peru vắng bóng xe cộ qua lại, hàng chục nghìn người đang phải đi bộ về quê khi khi không tìm được việc làm ở các thành phố lớn. Đại dịch tấn công trong lúc kinh tế Mỹ Latinh rơi vào trì trệ kéo dài từ trước đó, khiến ngân sách cho ngành y tế của những nước như Ecuador và Brazil bị cắt giảm.
Mexico, Ecuador và Brazil là những nước đang chứng kiến số người tử vong do Covid-19 cao nhất khu vực. Đến ngày 13.5, Brazil ghi nhận tổng cộng 12.461 người tử vong do dịch bệnh, con số này tại Mexico là 3.926 và Ecuador là 2.327 trường hợp. Tuy nhiên, số người tử vong do virus tại các nước này đều bị các chuyên gia y tế đánh giá là không được kiểm đếm chính xác.
“Chúng tôi có một hệ thống y tế chỉ phục vụ tốt cho những người giàu. Những người nghèo ở Ecuador thường không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và thiết yếu nhất”, Carina Vance - cựu Bộ trưởng Y tế Ecuador, cho biết.
Quân đội bắt giữ một thanh niên vi phạm lệnh giới nghiêm tại Quito, thủ đô của Ecuador (ảnh: NY Times)
Giới chức y tế tại Ecuador, Peru và Brazil cho biết, họ không thể tìm thêm nguồn cung vật y tế khi bị các nước giàu như Mỹ và châu Âu tranh mua hết.
Thêm vào đó, quyết định tạm dừng viện trợ cho WHO của Tổng thống Trump cũng ảnh hưởng đến những nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới cho những nước Mỹ Latinh trong cuộc chiến với Covid-19, đặc biệt là các quốc gia kém phát triển như Venezuela và Haiti.
Chính phủ Peru đã phản ứng với với dịch bệnh bằng lệnh phong tỏa, tuy nhiên, số người tử vong tại quốc gia này vẫn ở mức cao (2.057 trường hợp). Trong khi ở Brazil và Mexico, lãnh đạo các nước này dường như “phớt lờ” mối nguy dịch bệnh.
Khi được hỏi về số người tử vong do dịch bệnh cao tại Brazil, ông Bolsonaro – Tổng thống Brazil trả lời: “Vậy thì sao? Tôi xin lỗi nhưng bạn muốn tôi phải làm gì?”
Covid-19 bùng phát đặc biệt mạnh tại Manaus - thành phố với khí hậu nóng ẩm tại Brazil. Trong tháng 4, Manaus đã ghi nhận 2.800 người tử vong do virus, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này tương đương với những gì Madrid, Tây Ban Nha trải qua trong thời kỳ đỉnh dịch.
Dọn dẹp chuẩn bị đón tử thi nạn nhân Covid-19 tại một nhà hỏa táng ở Mexico (ảnh: NY Times)
“Bùng phát Covid-19 tại Manaus cho thấy hậu quả của sự bất bình đằng về kinh tế - chính trị sâu sắc tại Brazil. Chúng tôi đã phải đấu tranh để có được thiết bị y tế. Chính phủ gần như không quan tâm. Người dân thì không mặn mà với quy định giãn cách xã hội trong khi Tổng thống Bolsonaro thì liên tục chỉ trích chúng tôi”, Arthur Virgilio Neto – Thị trưởng Manaus, vừa nói vừa lau nước mắt.
“Cung ứng thiết bị, vật tư y tế cho thành phố rất khó khăn. Nơi này ít đường bộ và chủ yếu vận tải bằng đường sông hoặc hàng không”, ông Arthur Virgilio Neto nói thêm.
Nghĩa trang tại Manaus quá chật hẹp và người dân đã phải đào mộ tập thể, xếp các cỗ quan tài chồng lên nhau 3 lớp để đáp ứng nhu cầu chôn cất. Bệnh viện tại Manaus đều đã quá tải, thi thể bị bỏ la liệt tại các hành lang chờ chôn cất.
Dịch bệnh bùng phát tại Manaus cũng làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của những người dân bản địa sống trong rừng rậm Amazon – những người đang sống trong điều kiện kém vệ sinh và thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận định, với tỷ lệ người nghèo chiếm hơn 30% dân số, bất bình đẳng xã hội cao và hệ thống y tế yếu kém, Mỹ Latinh đang phải đối mặt với các thách thức to lớn về kinh tế - xã hội do dịch Covid-19 gây ra.
Nhiều quốc gia láng giềng của đang nâng cao cảnh giác tại khu vực biên giới với Brazil, trong bối cảnh khu vực Mỹ Latinh có nguy cơ trở thành “châu Âu thứ 2 tại Nam Mỹ”, theo New York Times.
Đường phố tại Peru trong lệnh phong tỏa vì Covid-19 (ảnh: NY Times)
Phản ứng với dịch bệnh của Peru gần như trái ngược hoàn toàn với Brazil.
Tổng thống Peru – ông Martin Vizcarra, đã ra lệnh phong tỏa cả nước và đưa cảnh sát, quân đội tuần tra trên đường để bắt giữ bất kỳ người nào vi phạm.
Peru cũng triển khai chương trình hỗ trợ y tế được cho là toàn diện nhất khu vực. Bao gồm hỗ trợ tiền mặt, vật tư y tế và các khoản vay lãi suất thấp nhằm giúp người dân yên tâm ở nhà.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của chính phủ, số ca nhiễm Covid-19 tại Peru vẫn gia tăng theo từng ngày và khiến các bệnh rơi vào quá tải. Tuần trước, hình ảnh được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông cho thấy, một bệnh viện ở Peru buộc phải chất đống các thi thể bên ngoài hành lang. Nhiều bệnh viện khác phải điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ngoài trời vì không đủ giường bệnh.
Mặc dù số người tử vong do Covid-19 tại Peru được ghi nhận là hơn 2.000, nhưng chỉ tính riêng trong tháng 4, đã có khoảng 6.200 cái chết do nhiều nguyên nhân xảy ra ở thủ đô Lima.
Tại Quito, thủ đô của Ecuador, các binh sĩ vẫn đang tuần tra trên đường phố sau khi số người tử vong tại thành phố cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: [Link nguồn]
Một nữ nhân viên bán vé tàu tại Anh đã tử vong do Covid-19 sau khi bị người đàn ông tuyên bố nhiễm virus nhổ nước bọt...