Covid-19: Iran mà thất thủ, toàn Trung Đông sẽ "vỡ trận"
Nguy cơ thành ổ dịch đang phủ trùm Trung Đông và Iran là một trong các nước, ngoài Trung Quốc, gây lo ngại nhất.
Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi. Ảnh: TEHRAN TIMES
Thứ trưởng y tế Iran Iraj Hairichi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và đã tự mình cách ly vào ngày 25-2.
Đó dường như là sự việc trớ trêu. Một ngày trước, ông có vẻ bị sốt tại một cuộc họp báo, khi đó ông xem nhẹ việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thành phố thánh địa Qom và cho rằng việc cách ly tập thể là không cần thiết. Chỉ một lát sau khi xuất hiện trên truyền hình, Thứ trưởng y tế Iran đổ mồ hôi và yếu ớt rõ rệt.
Trước cuộc họp báo không lâu, khi nghị sĩ đại diện của TP Qom khẳng định đã có 50 người tử vong tại đây, đích thân Thứ trưởng Harirchi bác bỏ thông tin này trong cuộc họp báo trên truyền hình, đồng thời tuyên bố sẽ từ chức nếu số người chết do SARS-CoV-2 tại Qom thực sự vượt quá 1/4 của con số 50.
Nhiều chuyên gia lo ngại Iran thiếu hụt trang thiết bị y tế có thể dẫn đến lây nhiễm quy mô lớn tại nước này và khu vực. Ảnh: AP
Diễn biến này cho thấy vấn đề đáng lo ngại về sự bùng phát dịch bệnh ở Iran, nhất là khi tính đến sáng 27-2, Iran có 19 ca tử vong và thêm 44 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 lên 139.
Dịch bệnh bùng phát chỉ vài ngày sau khi Iran tuyên bố Covid-19 chưa chạm tay đến lãnh thổ này. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ khi xuất hiện thông tin có ca nhiễm mới trong khu vực, chẳng hạn như ở Iraq và Afghanistan (hai quốc gia có quân đội Mỹ đồn trú) và thậm chí có trường hợp ở Canada, đều có liên quan đến Iran.
Theo Vox, có vẻ như Tehran hoặc đã không hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề hoặc nhiều khả năng đã ém nhẹm bằng chứng về sự bùng phát dịch. Việc không phát cảnh báo thổi bùng nguy cơ hàng triệu công dân Iran, khách hành hương và nhiều người đến rồi đi khỏi nước này mỗi ngày "gieo rắc" virus. Kết quả, Iran hiện được cho là ổ dịch thứ 2 sau Trung Quốc.
Iran đã thực hiện một số biện pháp, trong đó có đóng cửa một số địa điểm công cộng, để hạn chế bệnh lây lan. Thế nhưng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani dường như đang đổ lỗi cho những người khác về lỗi lầm của chính phủ. Ông nói rằng đây là một trong những âm mưu của kẻ thù, gieo rắc nỗi sợ hãi và khiến nước này bị cô lập.
Nhân viên chính phủ Iran phun thuốc khử trùng trên tàu điện ngầm ở thủ đô Tehran ngày 25-2. Ảnh: AP
Trung Đông đang khiến nhiều người lo ngại vì các cuộc chiến ở Yemen, Afghanistan và Syria không chỉ gây bất ổn cho các chính phủ này mà còn khiến hàng triệu người chạy trốn đến những vùng đất an toàn hơn. Thêm những người hành hương tôn giáo, dân nhập cư và những người đi khắp Trung Đông mỗi ngày và "đó là nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn" – ông Peter Peter Piot, giám đốc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, nói với tờ New York Times hồi đầu tuần.
Vox dẫn trường hợp TP Qom của Iran. Dân số dao động khoảng 1 triệu nhưng nước này đón hơn 20 triệu du khách mỗi năm. Cho đến nay, thành phố vẫn mở cửa đón khách du lịch, đặc biệt là những người hành hương đến cầu nguyện tại các địa điểm linh thiêng. Dù cho đến này đã có nhiều người có tiếng ở Qom nhiễm dịch và cách ly.
Đáng sợ hơn là tình trạng này có thể tồi tệ hơn. Giáo sư Isaac Bogoch – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto của Canada – ước tính có thể có hơn 18.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 chưa được phát hiện ở Iran vì tốc độ lây lan quá nhanh. Chưa kể, nền kinh tế và tài nguyên nước này suy yếu do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, sẽ phần nào gặp khó trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ả Rập Saudi vừa cấm các chuyến hành hương tôn giáo đến Mecca và Medina trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2. Truyền thông cho biết lệnh cấm chỉ là "tạm thời". Ả Rập Saudi đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn ở khu vực biên giới và cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài đã đi tới những nước nhiễm dịch.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo giới chức tỉnh Osaka, người đầu tiên dương tính lại với Covid-19 ở nước này là một nữ hướng dẫn viên du lịch...