Covid-19: Dân Hàn Quốc sợ dịch nhưng còn sợ một thứ hơn nhiều
Vì Hàn Quốc đang đối mặt với số ca nhiễm bệnh Covid-19 tăng chóng mặt nên chính phủ nước này sẽ thông báo thông tin bệnh nhân cho người dân biết để họ đi xét nghiệm nếu có tiếp xúc.
Nhưng theo nhà báo Hyung Eun Kim của đài BBC, số thông tin này đã dẫn đến nhưng tình huống khó xử. Giờ đây một số người trở nên lo ngại về sự kỳ thị của xã hội khi lỡ mắc bệnh. Được biết, chính phủ sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến người dân mỗi khi có ai đó bị xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.
"Một người đàn ông 43 tuổi sống tại quận Nowon đã bị nhiễm virus. Ông ấy đã có mặt ở quận Mapo khi tham dự một lớp chống quấy rối tình dục và bị nhiễm virus từ giáo viên hướng dẫn" - trích nội dung tin nhắn cảnh báo được gửi đến điện thoại của người dân Hàn Quốc. Sau đó, một loạt thông tin khác về lịch trình di chuyển của người đàn ông tiếp tục được cập nhật.
Những tin nhắn như thế này được gửi đến mỗi ngày để thông báo cho người dân rằng người bị nhiễm bệnh đã đi đâu, vào lúc nào. Thông tin cũng có thể được tra cứu trên trang web của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc
Mặc dù tin nhắn không tiết lộ tên hay địa chỉ của người bệnh nhưng một số người có thể dùng những thông tin trên để tìm ra danh tính bệnh nhân. Thậm chí có trường hợp công chúng còn quả quyết rằng có 2 bệnh nhân đang ngoại tình.
Và mặc dù danh tính người bệnh không được xác định hoàn toàn, họ vẫn đối mặt với tình trạng bị đánh giá hay chế giễu trên mạng. Khi gõ số hiệu của bệnh nhân lên Internet, các kết quả tìm kiếm liên quan bao gồm "thông tin cá nhân", "khuôn mặt", "hình ảnh", "gia đình" hay thậm chí "ngoại tình". Cư dân mạng còn đùa cợt rằng những người có quan hệ ngoài luồng sẽ trở nên kín đáo hơn trong những ngày gần đây.
Luật pháp Hàn Quốc về việc kiểm soát và chia sẻ thông tin về người bị bệnh truyền nhiễm đã thay đổi đáng kể từ khi dịch "Hội chứng hô hấp Trung Đông" (MERS) bùng nổ vào năm 2015. Hàn Quốc là nước có số ca nhiễm bệnh cao thứ 2 sau Ả Rập Saudi. Khi đó, chính phủ nước này bị chỉ trích vì che giấu thông tin người bệnh.
Nhân viên y tế khử trùng một con đường ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Sau đó, luật pháp được chỉnh sửa để tăng thêm quyền hành cho các nhà điều tra. "Chúng tôi biết rằng đây là vấn đề dữ liệu cá nhân quan trọng. Đầu tiên chúng tôi sẽ phỏng vấn người bệnh và thu thập thông tin, nhấn mạnh với họ rằng điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự an toàn của tất cả mọi người" - ông Goh Jae-young, một quan chức tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh, nói với đài BBC.
"Sau đó, để bổ sung những chi tiết mà có thể họ chưa nói, đồng thời để xác nhận thông tin, chúng tôi dùng dữ liệu của hệ thống định vị, máy quay an ninh và giao dịch thẻ tín dụng để dựng lại đường đi nước bước của bệnh nhân một ngày trước khi có triệu chứng". Tuy nhiên, ông Goh khẳng định họ không tiết lộ toàn bộ những nơi mà bệnh nhân có mặt. "Chúng tôi chỉ chia sẻ với công chúng những nơi mà bệnh nhân có thể có tiếp xúc gần hay có nguy cơ lây nhiễm, ví dụ như những nơi đông người hay nơi bệnh nhân không đeo khẩu trang" - ông Goh cho biết.
Đôi lúc họ phải thông báo tên của một cửa hàng, dẫn đến việc cửa hàng này phải đóng cửa trong một thời gian và gây tổn thất tài chính cho chủ doanh nghiệp. Ông Goh nói thêm rằng đây là lần đầu tiên chính phủ cung cấp nhiều thông tin như vậy về người bệnh. "Sau khi dịch bệnh qua đi, người dân phải đánh giá xem điều này có hiệu quả và phù hợp hay không" - ông Goh nói.
Giờ đây người Hàn Quốc còn sợ bị đổ lỗi hơn sợ nhiễm bệnh Covid-19. Ảnh: SeongJoon Cho
Vì hầu hết các trường hợp ở Hàn Quốc đều không dẫn đến những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng nên người Hàn Quốc đang trở nên sợ hãi sự kỳ thị của xã hội hơn là sợ virus.
Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường ĐH Y tế Cộng đồng thuộc ĐH Quốc gia Seoul đã khảo sát 1.000 người Hàn Quốc rằng điều gì khiến họ sợ hãi nhất. Danh sách bao gồm: những người có khả năng mang mầm bệnh xung quanh họ, sự chỉ trích và những tổn thương khác họ có thể phải chịu đựng khi bị lây nhiễm, nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Kết quả khảo sát cho thấy người dân Hàn Quốc sợ bị chỉ trích hơn là nhiễm virus.
Một người đàn ông có mẹ, vợ và 2 con cùng bị nhiễm bệnh Covid-19 đã đăng một bức tâm thư xúc động lên Facebook để yêu cầu mọi người ngừng đổ lỗi cho họ. "Tôi không biết mẹ tôi là thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa" - người này cho biết.
Sau đó, ông lên tiếng bảo vệ vợ, một y tá, khi vợ ông bị chỉ trích vì đi đến quá nhiều nơi trong giai đoạn ủ bệnh. "Công việc của cô ấy là giúp đỡ những người bị tàn tật đến các phòng khám và cô ấy không hề biết rằng mình bị nhiễm virus. Đúng là vợ tôi đã đến rất nhiều nơi nhưng xin hãy ngừng nguyền rủa cô ấy. Lỗi lầm duy nhất của cô ấy là lấy một người như tôi và vừa phải làm việc vừa phải chăm sóc con cái" - trích bài đăng của người đàn ông trên.
Các bác sĩ cảnh báo hành động "truy sát" người bệnh trên mạng xã hội có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Việc bình luận ác ý trên mạng từ lâu đã là một vấn nạn ở Hàn Quốc, một số trường hợp còn khiến nạn nhân phải tự sát.
Bà Lee Su-young, một bác sĩ tâm thần tại bệnh viện Myongji, TP Goyang, tiết lộ với đài BBC một số bệnh nhân của bà "còn sợ bị kết tội hơn chết vì virus". "Nhiều người liên tục nói với tôi rằng: 'Tôi đã lây bệnh cho một người quen' hay 'Tại tôi mà người đó bị cách ly'" - bà Lee cho biết. Bệnh viện Myongji cũng là nơi 2 bệnh nhân bị cư dân mạng kết tội ngoại tình đang điều trị. Một người đã trở nên lo lắng quá độ và mất ngủ vì đọc được những bình luận trên mạng.
Trong bối cảnh virus đang lây lan nhanh chóng, việc công chúng được cung cấp đầy đủ thông tin để bảo vệ bản thân và người khác là điều cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ Lee nhấn mạnh người dân cần có cách xử lý đúng đắn với loại thông tin này, nếu không "những người sợ bị chỉ trích sẽ che giấu và điều này khiến tất cả mọi người rơi vào mối nguy nghiêm trọng hơn".
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 8.3, du thuyền Grand Princess với hàng chục ca nhiễm Covid-19 đã được cho phép cập bến tại cảng Oakland, California (Mỹ),...