Covid-19: Cuộc chiến đường dài với các biến thể
Trong số 4 biến thể trong danh sách "đáng lo ngại" của WHO, Delta đã xuất hiện tại hơn 120 quốc gia và trở thành chủng trội trên toàn cầu
Biến thể Delta - lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ hồi tháng 10 năm ngoái - là nguyên nhân dẫn đến làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai thảm khốc tại quốc gia Nam Á này vào tháng 4 và 5 vừa qua. Chưa dừng lại ở đó, Delta đang khuấy đảo Đông Nam Á và làm gia tăng số ca nhiễm ở châu Âu lẫn Mỹ.
Delta và hơn thế nữa
Theo đài CNBC, TS Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho hay biến thể Delta hiện chiếm tới 83% trong tổng số các ca mắc Covid-19 mới tại Mỹ gần đây, tăng đáng kể so với mức 50% một tuần trước đó. Số ca nhiễm đang tăng tại toàn bộ 50 bang của Mỹ và thủ đô Washington, gấp gần 3 lần so với 2 tuần trước khi Delta lây lan nhanh chóng. Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 nhất thế giới, lần lượt là hơn 35,2 triệu và hơn 626.000 ca.
Trong báo cáo công bố hôm 21-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra tỉ lệ các ca mắc biến thể Delta trong tổng số mẫu xét nghiệm dương tính 4 tuần qua đã vượt quá 75% tại hàng loạt quốc gia trên thế giới bao gồm Úc, Bangladesh, Botswana, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore, Nam Phi và Anh. Trong khi đó, số ca mắc mới tại Pháp trong 7 ngày qua tăng 223%, ở Ý là 112% và ở Đức là 50%.
Gia đình nạn nhân Covid-19 đau buồn tại khu mộ ở thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 23-7 Ảnh: REUTERS
Chưa hết, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm 21-7 cảnh báo nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn cả Delta và một trong số chúng có thể kháng vắc-xin. Cảnh báo này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi bang Texas - Mỹ ghi nhận ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên. Theo WHO, biến thể Lambda được phát hiện lần đầu ở Peru vào tháng 12 năm ngoái và chiếm 81% trong tổng số ca mắc ở nước này kể từ tháng 4 năm nay. WHO xem Lambda là "biến thể cần quan tâm" khi nó đã xuất hiện tại 29 quốc gia tính đến tháng 6 vừa qua.
Trong khi đó, Indonesia có thể trở thành "lò ấp" biến thể mới. Số ca mắc Covid-19 mới ở đây liên tục xấp xỉ 50.000 ca mỗi ngày trong tuần qua, nâng tổng ca mắc lên hơn 3 triệu và hơn 80.500 ca tử vong. "WHO cho biết nếu hơn 5% các xét nghiệm cho kết quả dương tính, sự bùng phát trở nên không thể kiểm soát. Tại Indonesia, tỉ lệ này hiện hơn 30%. Vậy bạn có thể tưởng tượng khả năng Indonesia tạo ra một biến thể mới hoặc một siêu biến thể Covid-19 cao thế nào" - ông Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học người Indonesia tại Trường ĐH Griffith (Úc), phân tích. Tương tự, GS Jean-Francois Delfraissy, cố vấn của chính phủ Pháp, hôm 23-7 cảnh báo: "Chúng ta có thể chứng kiến một biến thể Covid-19 khác vào mùa đông này".
Nới lỏng rồi lại... siết chặt
Giới chức Mỹ đang kêu gọi người dân đeo khẩu trang trở lại trong môi trường kín. Một số hạt ở bang California và Nevada khuyến cáo tất cả người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng dù đã tiêm phòng hay chưa.
Sau chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng giúp giảm số ca mắc và tử vong, từ 4 tuần trước, người dân Israel đã không cần phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Khoảng 60% trong tổng số 9,3 triệu dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Pfizer-BioNtech. Tuy nhiên, việc biến thể Delta làm tăng mạnh các ca mắc mới ở Israel đã buộc chính quyền Thủ tướng Naftali Bennett tái áp đặt các biện pháp phòng dịch và xem xét thay đổi chiến lược chống dịch. Các hạn chế phòng dịch đối với các sự kiện trong nhà và ngoài trời với hơn 100 người tham gia bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29-7.
Nhiều người tham dự lễ hội ở Công viên Henham - Anh hôm 23-7. Ảnh: REUTERS
Tương tự, chỉ vài ngày sau khi nới lỏng, số ca mắc mới gia tăng trở lại trong cộng đồng khiến Singapore siết chặt các biện pháp phòng dịch từ ngày 22-7 đến 18-8, bao gồm đóng cửa nhà hàng, phòng tập, giới hạn hoạt động tụ tập chỉ còn 2 người. Lễ diễu hành ngày quốc khánh dự kiến diễn ra ngày 9-8 cũng bị hoãn đến 21-8. Đáng nói là lực lượng chuyên trách ứng phó Covid-19 của chính phủ Singapore hồi đầu tháng đã vạch ra kế hoạch "cuộc sống bình thường mới", theo đó xem Covid-19 giống như bệnh cúm thông thường, khi phần lớn dân số đều được tiêm phòng đầy đủ. Khoảng 50% dân số 5,7 triệu người của Singapore đã tiêm 2 mũi vắc-xin, trong khi 73% dân số đã tiêm ít nhất một liều.
Lúc này, sự chú ý đang đổ dồn về nước Anh sau khi chính phủ dỡ bỏ toàn bộ hạn chế phòng dịch từ ngày 19-7. Song song đó, Anh tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng. Tính đến hôm 23-7, khoảng 35,7 triệu người (54,4% dân số Anh) được tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Theo tờ Sky News, việc số ca mắc mới tại Anh trong 3 ngày qua giảm xuống được đánh giá là xu hướng tích cực nhưng chuyên gia cho rằng chưa thể nói trước điều gì.
Thái Lan cũng nhận được cảnh báo về việc mở cửa 3 hòn đảo nghỉ dưỡng trong chương trình "Samui Plus" từ hôm 15-7, nối gót "Hộp cát Phuket" đã được triển khai ở đảo Phuket đầu tháng 7. GS Thira Woratanarat tại Trường ĐH Chulalongkorn nhận định với hãng tin Bloomberg: "Khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát và ngân sách cạn kiệt, Thái Lan có thể phải nới lỏng mọi biện pháp hạn chế và tình trạng lây nhiễm gia tăng. Đó là kịch bản tồi tệ nhất". Bộ Y tế Thái Lan hôm 24-7 ghi nhận thêm 14.260 ca mắc mới và 119 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng ca mắc và tử vong lên khoảng 482.000 và 3.930. Thái Lan trước đó đã mở rộng phòng dịch đối với nhiều tỉnh, thành phố bao gồm thủ đô Bangkok trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải và tỉ lệ tiêm chủng tương đối thấp.
Cần 11 tỉ liều vắc-xin
Nhiều nước đang phải thực hiện biện pháp cứng rắn nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Theo đài CNN, những người chưa tiêm phòng ở một số khu vực của Trung Quốc bị cảnh báo cần tiêm chủng trước cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, nếu không sẽ không được đến siêu thị, bệnh viện, trường học và viện dưỡng lão… trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới đặt mục tiêu đạt tỉ lệ tiêm chủng ít nhất 80%.
Cứng rắn không kém, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh cho tất cả nhân viên y tế tiêm vắc-xin trước tháng 9, nếu không tuân thủ sẽ bị phạt. Bất kỳ ai đến bệnh viện, nhà hàng hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng tại Pháp từ đầu tháng 8 đều phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia huy động nguồn lực để sản xuất vắc-xin, đồng thời thúc giục các nước giàu chia sẻ vắc-xin trong bối cảnh thế giới ghi nhận hơn 192 triệu ca mắc và hơn 4,1 triệu ca tử vong do Covid-19. Theo hãng tin Tass, ông Tedros cho biết việc tiêm chủng cho 70% dân số mọi quốc gia vào giữa năm sau không chỉ giúp ngăn chặn đại dịch mà còn giúp khởi động lại nền kinh tế toàn cầu. Theo ông Tedros, thế giới cần 11 tỉ liều vắc-xin để đạt được mục tiêu này. WHO kêu gọi tất cả quốc gia đẩy mạnh việc tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số nước mình vào tháng 9 này và đạt ít nhất 40% vào cuối năm 2021.
Trong khi nhiều nước đang thiếu hụt vắc-xin thì nhiều nước phát triển đã tính đến việc tiêm liều tăng cường thứ 3, đi đầu là Israel. Nước này hôm 12-7 cho phép tiêm liều vắc-xin Pfizer-BioNTech thứ 3 cho người trưởng thành bị suy giảm hệ miễn dịch. Tại Mỹ, sau nhiều lần tuyên bố không cần tiêm mũi bổ sung, Nhà Trắng hôm 23-7 xác nhận mua thêm 200 triệu liều Pfizer với mục tiêu tăng cường tiêm phòng cho trẻ em dưới 12 tuổi và chuẩn bị cho các mũi tiêm nhắc lại nếu cần thiết. Theo báo The New York Times, giới chức y tế cấp cao của Mỹ cho rằng người từ 65 tuổi trở lên hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu nhiều khả năng sẽ cần tiêm mũi vắc-xin thứ 3 của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
Thử nghiệm vắc-xin dạng uống Công ty Oravax đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng vắc-xin dạng uống đầu tiên trên thế giới tại Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky - Israel. Giám đốc điều hành Nadav Kidron của Oramed Pharmaceuticals - công ty mẹ của Oravax, cho biết Israel sắp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vắc-xin Covid-19 đường uống. Oravax đã hoàn thành sản xuất hàng ngàn viên vắc-xin ở châu Âu theo tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt). Ông Kidron cũng tuyên bố loại vắc-xin này sẽ có khả năng chống lại các biến thể cao hơn nhiều, đồng thời loại bỏ nhiều rào cản đối với việc phân phối và cho phép mọi người uống vắc-xin tại nhà mà không cần nhân viên y tế hỗ trợ. Bên cạnh việc đẩy nhanh tỉ lệ tiêm chủng, vắc-xin dạng uống có thể giúp ích trong trường hợp phải tiêm phòng Covid-19 hằng năm như bệnh cúm. Ông Kidron cũng cho rằng vắc-xin uống có ít tác dụng phụ hơn so với đường tiêm. Vắc-xin của Oravax chỉ cần giữ ở điều kiện nhiệt độ tủ lạnh thông thường, giúp vận chuyển dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hãng dược phẩm Merck (Mỹ) cùng đối tác Ridgeback Biotherapeutics (Mỹ) mới đây thông báo thuốc uống Molnupiravir điều trị Covid-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình đã cho kết quả đầy hứa hẹn. Thuốc Molnupiravir đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân Covid-19. Hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sắp kết thúc và dự kiến kết quả được công bố vào mùa thu tới. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chính quyền ông Biden đang rất lo ngại khả năng xảy ra đợt bùng dịch mới ở Mỹ và đang dồn mọi nguồn lực hiện có...