Covid-19 có thể làm “rung chuyển” những thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Hong Kong, Singapore và Osaka vừa được xếp hạng là thành phố đắt đỏ nhất thế giới, nhưng điều này sẽ chẳng còn ý nghĩa với những ảnh hưởng mà dịch Covid-19 gây ra.
Các thành phố có nguồn thu phần lớn từ hoạt động du lịch có thể trở nên rẻ hơn khi nền kinh tế của chúng bị thu hẹp và vật giá bị đẩy xuống. Đây là một trong những dự đoán được đưa ra bởi Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), tổ chức theo dõi chi phí sinh hoạt trên toàn cầu.
Khảo sát về Chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới của EIU vào năm 2020 đã được tổng hợp trước thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch trên toàn cầu, nên khảo sát tiếp theo có thể sẽ rất khác.
"Các thành phố phụ thuộc vào du lịch sẽ phải chịu áp lực từ tình trạng vật gỉá suy giảm. Vì thế, Singapore và Hong Kong có thể sẽ không giữ vị trí hàng đầu trong tương lai. Chúng ta có thể sẽ thấy một thành phố khác trên đỉnh", Simon Baptist, Trưởng bộ phận kinh tế của EIU, cho biết.
Tác động của dịch Covid-19 đã làm rung chuyển nền kinh tế thế giới, trong đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hong Kong và Singapore là 2 trong số những thành phố có thể thấy rõ sự giảm mạnh về doanh thu, khi nhu cầu cho các hoạt động giải trí, nhà hàng và chỗ ở suy giảm. Nhu cầu giảm sẽ kéo theo vật giá giảm, khiến chi phí sinh hoạt ở các thành phố này rẻ hơn đối với cư dân của chúng.
Singapore, Hong Kong và Osaka có thể mất vị trí các thành phố đắt đỏ nhất thế giới vì dịch Covid-19 (Ảnh: BBC)
Thống kê của EIU từng cho thấy Osaka đã đánh bật Paris khỏi top 3 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, vì giá đồng Yen mạnh hơn khiến thành phố lớn thứ 3 Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn. Nghiên cứu này dựa trên việc xem xét hơn 400 mức giá của 160 sản phẩm và dịch vụ khác nhau, bao gồm xe hơi và hàng điện tử, những thứ đang phải chịu sự gián đoạn lớn về nguồn cung từ Trung Quốc.
Dù ngành công nghiệp xe hơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc trong thời điểm tháng 1 và tháng 2, quá trình sản xuất lại đang dần hồi phục về mức độ trước đại dịch. Điều này có thể dẫn đến việc những chiếc xe được bán với giá rẻ hơn do các nhà sản xuất và đại lý đang có sự thặng dư về cổ phiếu.
"Một khi nhu cầu bắt đầu quay trở lại, chúng ta thường kỳ vọng giá xe sẽ thấp hơn thay vì cao hơn, vì các nhà sản xuất và đại lý ô tô sẽ cố gắng kiếm lại một số doanh thu bị mất. Ở một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ô tô là ngành công nghiệp quan trọng, các khoản trợ cấp sẽ tiếp tục đẩy giá xuống thấp hơn, "Ana Nicholls, giám đốc bộ phận công thương tại EIU cho biết, “Người tiêu dùng có thể chuyển đổi các thương hiệu xe hơi sang những thương hiệu có chuỗi cung ứng mạnh hơn và ít gián đoạn hơn.”
EIU cũng dự đoán rằng chi phí sinh hoạt ở một số thành phố có thể tăng lên khi các biện pháp làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19 sẽ làm tăng chi phí kinh doanh.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Bản kế hoạch liên bang dài 100 trang đối phó dịch Covid-19 của Mỹ đưa ra những dự đoán đáng lo ngại về dịch bệnh và...
Nguồn: [Link nguồn]