COVID-19: Chuyên gia Trung Quốc nêu sai lầm ở Mỹ, châu Âu
Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho rằng người dân ở Mỹ và châu Âu sai lầm khi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong mùa dịch COVID-19.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc – ông Gao Fu cho rằng người dân ở Mỹ và châu Âu sai lầm khi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong mùa dịch COVID-19.
Những nghệ sĩ biểu diễn đường phố không đeo khẩu trang trên các con đường ở Paris (Pháp). Ảnh: Tân Hoa Xã
“Theo tôi, sai lầm lớn ở Mỹ và châu Âu là mọi người không đeo khẩu trang. Virus này truyền qua các giọt nước và tiếp xúc gần. Các giọt nước đóng vai trò rất quan trọng, bạn phải đeo khẩu trang bởi vì khi bạn nói sẽ luôn có các giọt nước bắn ra từ miệng bạn”, ông Gao trả lời phỏng vấn tạp chí y khoa hàng đầu thế giới Science Magazine.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Gao, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chẳng hạn.
WHO nói rằng chỉ những người biểu hiện các triệu chứng nhiễm bệnh hoặc những ai đang chăm sóc những người nhiễm COVID-19 thì mới cần phải đeo khẩu trang.
Các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ có quan điểm tương tự WHO.
Tuy vậy, ông Gao nói rằng mọi người nên cẩn thận vẫn hơn.
“Nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng có triệu chứng. Nếu họ đeo khẩu trang thì có thể ngăn những giọt nước mang virus thoát ra ngoài và lây nhiễm cho người khác”, ông giải thích thêm.
Trong khuyến cáo công cộng mới nhất ban hành ngày 22-3, CDC Trung Quốc nói rằng người dân không cần đeo khẩu trang khi ở nhà, ở ngoài trời hay ở một môi trường nơi có luồng không khí tốt và không đông người. Tuy nhiên, mọi người vẫn nên đeo khẩu trang ở văn phòng làm việc, các phòng hội họp, thang máy và trên các phương tiện công cộng.
Cùng với lời khuyên đeo khẩu trang, ông Gao kêu gọi cần có nhiệt kế ở những nơi công cộng tại châu Âu và Mỹ.
“Bất cứ nơi nào bạn đi ở Trung Quốc đều có nhiệt kế. Bạn phải cố gắng đo nhiệt độ của mọi người thường xuyên nhất có thể để đảm bảo họ có bị sốt cao hay không mà tránh tiếp xúc”, ông Gao nói.
Ông Gao cho hay giữ khoảng cách xã hội, hạn chế mọi người di chuyển và tiến hành cách ly những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm và những người mà họ đã tiếp xúc cũng quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Mỹ và châu Âu hiện là khu vực có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất. Theo trang web thống kê Worldometer, 6/10 nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới tính đến thời điểm hiện nay là ở châu Âu.
Cụ thể, Ý ( 92.472 ca), Tây Ban Nha (72.735 ca), Đức (57.695 ca), Pháp (37.575 ca), Anh (17.089 ca), Thụy Sĩ (14.076 ca).
Mỹ hiện đã vượt Ý (92.472) và Trung Quốc (81.439) trở thành nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới với 123.776 ca, trong đó 2.229 người đã tử vong.
Hiện số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 30.000 người và hơn 664.000 ca nhiễm.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Thành phố Vũ Hán, nơi khởi nguồn dịch Covid-19 tại Trung Quốc, hôm qua (28/3) bắt đầu đưa các dịch vụ công cộng hoạt...
Nguồn: [Link nguồn]