COVID-19 chính là lúc Trung Quốc lọt vào tầm ngắm Mỹ

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Như cách mà Mỹ chính thức đổ toàn lực cạnh tranh với Liên Xô khi nước này phóng thành công vệ tinh nhân tạo, màn thể hiện của Trung Quốc thời gian qua có thể sẽ là ngòi lửa cuối cùng cho một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) tiếp Tổng thống Donald Trump (phải) trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) tiếp Tổng thống Donald Trump (phải) trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: REUTERS

Tháng 10-1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik, châm ngòi cho cuộc chạy đua vào không gian giữa nước này và Mỹ. Đây cũng là giây phút mà Washington nhận ra Liên Xô không chỉ khác biệt về ý thức hệ mà còn là một đối thủ có sức nặng trong lĩnh vực quân sự và công nghệ. Bằng việc phóng Sputnik, Moscow đã dẫn trước Washington một bước, dù rất ngắn, trong khả năng phát động chiến tranh và xây dựng mạng lưới liên lạc quy mô lớn.

Nhìn từ quá khứ

Trước hết, vụ phóng vệ tinh Sputnik của Liên Xô không chỉ khiến Mỹ có cái nhìn khác đi về Liên Xô mà còn thay đổi hoàn toàn ưu tiên của Washington trong chiến lược toàn cầu giai đoạn Chiến tranh lạnh khi nước này ngay lập tức có những phản ứng mạnh mẽ và có tính hệ thống. Đầu tiên, Mỹ bắt đầu đổ một khoản tiền khổng lồ vào xây dựng chương trình không gian của mình và một khoản tiền khác vào các nghiên cứu tập trung phân tích ý thức hệ, học thuyết chính trị của Liên Xô.

Tất cả nỗ lực này cuối cùng cũng thu được kết quả là Washington vắt kiệt nguồn lực của Liên Xô vào một cuộc chạy đua vũ trang-công nghệ không có hồi kết, dẫn đến sự sụp đổ của cường quốc này vào năm 1991.

Như đã nói ở trên, TQ hiện nay cũng đang ở một tình huống khá giống Liên Xô trong quá khứ. Dù đang là tâm điểm của các tranh cãi xung quanh nguồn gốc của virus gây dịch COVID-19 và vấn đề thiếu minh bạch thông tin, không thể phủ nhận là TQ đã tổ chức một chiến dịch chống COVID-19 nhanh chóng và hiệu quả trong lúc Mỹ vẫn còn đang vật lộn với số ca nhiễm mỗi ngày hơn 22.000 người.

“Kiểm soát dịch tốt cộng với việc TQ gần như là nguồn cung duy nhất các trang thiết bị y tế cho cả thế giới, rõ ràng nước này đã tiến một bước dài về hình ảnh và năng lực trong mắt của cộng đồng quốc tế và giới lãnh đạo Mỹ. Cách thế giới và Mỹ nhìn về TQ chắc chắn sẽ có sự thay đổi giai đoạn hậu đại dịch” - Foreign Affairs bình luận.

Đến hiện tại và tương lai

Tuy hiện nay các thay đổi nói trên vẫn đang trong giai đoạn trứng nước nhưng các dấu hiệu đã bắt đầu lộ rõ. Mới đây, nhiều nhà quan sát cho biết Bắc Kinh vừa tham vấn một loạt đơn vị phân tích, cố vấn chính sách, giới học giả từ nhiều lĩnh vực khác nhau về hướng phát triển và đối phó với môi trường quốc tế ngày càng thù địch hơn.

Giám đốc Viện Phân tích an ninh toàn cầu (Mỹ) Gal Luft cho rằng quan hệ Mỹ-Trung sau đại dịch COVID-19 sẽ chứng kiến việc Washington gia tăng đáng kể sức ép với TQ trên nhiều lĩnh vực nhưng về lâu dài sẽ không có sự thay đổi trong cấu trúc quyền lực, tức TQ khó tạo được đột phá trong thế bị động trước vòng vây của Mỹ và phương Tây.

Ở chiều ngược lại, sự khác biệt ngày càng lớn về tư duy quản lý hai nước cũng là mối đe dọa rất lớn đối với quan hệ Mỹ-TQ. Cách xử lý khủng hoảng dịch bệnh kém hiệu quả của chính quyền Tổng thống Donald Trump càng làm tăng niềm tin của giới tinh hoa TQ rằng mô hình quản trị của TQ có nhiều điểm ưu việt và sẽ vượt qua mô hình của Mỹ về lâu dài. Sức mạnh của niềm tin này đã đẩy TQ điều các nhà ngoại giao của mình ra khắp nơi trên thế giới để tuyên truyền và ca ngợi về mô hình này.

Theo GS khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan thuộc ĐH Baptist Hong Kong, thuật ngữ “Chiến tranh lạnh 2.0” ngày càng được nhiều chuyên gia sử dụng để mô tả cuộc đối đầu sắp tới giữa hai cường quốc trên. Ông Cabestan cho rằng dù đúng là căng thẳng Mỹ-Trung không phải mới diễn ra gần đây mà là một hiện tượng kéo dài từ lúc TQ bắt đầu mở cửa hội nhập với thế giới, giờ mới là lúc thích hợp để sử dụng thuật ngữ này vì quan hệ hai bên đã xuống mức “không thể nào chạm đáy hơn được nữa” - theo tờ The Financial Times.

Dù TQ có vẻ đang thắng thế trước dịch COVID-19 hiện nay nhưng giới lãnh đạo nước này đừng coi thường sức bật trước nghịch cảnh của Mỹ. Mỹ đã vượt qua hai cuộc chiến tranh thế giới và khủng hoảng tài chính năm 2008 và nguồn lực của Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo một chiến thắng khác trước đại dịch.

Giám đốc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) ROBERT DOAR 

Ngoài đối đầu ý thức hệ, sự khác biệt lớn nhất giữa Chiến tranh lạnh cũ 1.0 với Liên Xô với Chiến tranh lạnh kiểu mới với TQ là mục tiêu của Mỹ chuyển dần từ tấn công làm sụp đổ thể chế sang kiểm soát chính trị.

“Điều mà Washington đang cần là TQ phải từ bỏ tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới và soán ngôi Mỹ. Một TQ “phát triển hòa bình”, không có tham vọng địa-chính trị toàn cầu và không đủ khả năng soán ngôi Mỹ có ích cho lợi ích và an ninh của nước này hơn là một TQ sụp đổ hoàn toàn” - GS Jean-Pierre Cabestan nêu rõ.

“Chiến tranh lạnh kiểu mới có thể không phải là điều TQ mong muốn và cũng không phù hợp với lợi ích chiến lược của Bắc Kinh nhưng nếu Mỹ cứ khăng khăng áp đặt thì TQ cũng không có lối thoát” - chuyên gia này nói thêm.

Đồng quan điểm, cựu cố vấn cấp cao về vấn đề châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Evan Medeiros, cũng bổ sung thêm rằng đại dịch COVID-19 đã thu hẹp các cơ hội cho hai nước cùng hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau. “Có thể nói lợi ích của Mỹ giờ đây không còn có thể hòa hợp với lợi ích của TQ trên nhiều lĩnh vực như trong quá khứ. Điều kiện để hai nước ngồi lại hợp tác đang dần biến mất” - ông Medeiros nói.

Vẫn còn cơ hội cho hòa hợp Mỹ-Trung

Theo Foreign Affairs, để giảm bớt được căng thẳng hiện tại giữa TQ và Mỹ chỉ duy nhất là khi TQ chấp nhận cho quốc tế mở điều tra độc lập về nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 ở nước này. Khả năng này khó xảy ra nhưng không phải là không thể nếu nỗi lo thật sự của TQ chỉ dừng ở việc Mỹ can thiệp quá sâu vào nội bộ nước này mà không phải che giấu thêm việc gì khác.

Một giải pháp khác là TQ chịu chấp nhận nhượng bộ Mỹ ở một số lĩnh vực nhạy cảm giữa hai nước như bản quyền trí tuệ hay trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, TQ chủ động mời Mỹ cùng hợp tác đầu tư phát triển và hưởng lợi sòng phẳng. Tuy nhiên, nhượng bộ như thế sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ chiến lược hướng ra toàn cầu của Bắc Kinh, vốn là thứ lớn hơn đại dịch COVID-19 hiện nay rất nhiều. 

Tên lửa TQ uy lực nhất có thể phóng từ tàu ngầm, đưa nước Mỹ vào tầm ngắm

Trung Quốc chưa chính thức xác nhận sự tồn tại của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-3 nhưng đội ngũ phát triển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN