COVID-19 bủa vây nhiều nơi ở châu Á

Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 22-12, tuần qua, toàn cầu ghi nhận thêm 3,73 triệu ca mới và 10.482 người tử vong vì COVID-19.

 Trong 6 khu vực dịch tễ của WHO, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ đang gia tăng nhanh về số ca, cao hơn tuần trước lần lượt 8% và 18%, trong khi châu Âu, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi giảm rõ rệt.

Tây Thái Bình Dương, khu vực mà WHO xếp Việt Nam vào, vẫn là tâm dịch của thế giới nhưng chủ yếu do làn sóng lớn ghi nhận ở 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Chỉ đứng thứ 3 về số ca ở Tây Thái Bình Dương (147.643 ca) nhưng Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn bởi hầu hết dân số chưa có miễn dịch tự nhiên.

 Giám đốc Các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan trong cuộc họp báo toàn cầu hôm 21-12 nhận định Trung Quốc có thể đang gặp vấn đề trong kiểm soát số ca nhiễm, bao gồm những ca ở các ICU (đơn vị hồi sức tích cực).

Khung cảnh vắng lặng ở TP Thượng Hải - Trung Quốc ngày 22-12 dù đang mùa lễ hội cuối năm Ảnh: REUTERS

Khung cảnh vắng lặng ở TP Thượng Hải - Trung Quốc ngày 22-12 dù đang mùa lễ hội cuối năm Ảnh: REUTERS

Bác sĩ Ryan và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đều kêu gọi Trung Quốc tăng cường chia sẻ dữ liệu, bao gồm thông tin chi tiết về mức độ nghiêm trọng của bệnh, số ca nhập viện và các yêu cầu chăm sóc đặc biệt.

WHO cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề thu thập dữ liệu cũng như nhắc lại yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, một hiểu biết cần thiết để có thể tuyên bố kết thúc đại dịch.

Theo The Guardian, bác sĩ Mike Ryan từng lo ngại rằng tỉ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc đang tụt hậu, nhất là tỉ lệ tiêm vắc-xin tăng cường ở người trên 60 tuổi và người có nguy cơ cao còn thấp, hiệu quả vắc-xin nội địa của nước này cũng chỉ khoảng 50%. Trung Quốc cần duy trì tiến độ tiêm chủng mà họ đã cố gắng tăng cường vài tuần qua vì đó là con đường để thoát khỏi Omicron.

Một chuyên gia về hô hấp từ Bệnh viện số 1 thuộc Trường ĐH Bắc Kinh, ông Wang Guangfa, nói với Thời báo Hoàn Cầu về nhiệm vụ quan trọng khác: Tăng cường nguồn lực điều trị, vì số người bệnh nặng và tử vong có thể tăng mạnh vài tuần tới.

Tình hình thiếu thuốc điều trị triệu chứng, thuốc trị COVID-19 như Paxlovid của Pfizer chưa được khắc phục. Chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất trong nước lẫn hợp tác với phía Mỹ để tăng nguồn cung cho người dân.

WHO cho biết tuần qua, Nhật Bản báo cáo có tới 1 triệu ca COVID-19 mới, tức hơn 1/4 số ca cả thế giới. Số ca của tuần sau có thể còn cao hơn vì theo đài NHK, từ ngày 20-12, nước này đã vượt mốc 200.000 ca/ngày. Chính phủ Nhật Bản đang tập trung nâng cao năng lực điều trị để chuẩn bị cho làn sóng mùa đông dữ dội hơn khi người dân đi du lịch và chơi lễ hội đầu năm mới.

Còn theo Yonhap, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) hôm 21-12 thống kê cứ 6 người ở nước này thì có 1 người tái nhiễm COVID-19 do các biến chủng mới như BN.1 và BF.7 lan rộng. Hôm 20-12, nước này báo cáo số ca cao nhất từ tháng 8 đến nay là hơn 88.172. Theo WHO, tuần trước Hàn Quốc đứng thứ 2 thế giới với 459.811 ca mắc COVID-19 mới.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước đầu tiên gửi vaccine COVID-19 đến Trung Quốc

Phát ngôn viên chính phủ Đức cho biết nước này đã gửi lô vaccine COVID-19 của BioNTech đầu tiên đến Trung Quốc sử dụng cho những người Đức đang sống tại nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN