Cột mốc quan trọng của du lịch không gian
Công ty Virgin Galactic (Mỹ) có kế hoạch mở rộng đội máy bay vũ trụ để thực hiện khoảng 400 chuyến bay mỗi năm
Công ty Virgin Galactic (Mỹ) hôm 29-6 tiến hành chuyến bay thương mại đầu tiên đưa 4 hành khách lên không gian cận quỹ đạo và trở lại trái đất.
Theo đài CNBC, chuyến bay Galactic 01 này cất cánh từ cảng vũ trụ Spaceport America ở bang New Mexico - Mỹ và lên đến không gian cận quỹ đạo sau đó khoảng 58 phút.
Sau vài phút trôi nổi ở độ cao 85,1 km, máy bay vũ trụ SpaceShipTwo Unity đã trở lại trái đất. Toàn bộ chuyến đi dài khoảng 90 phút.
Trong số 4 hành khách nói trên, có 3 người trả tiền cho chuyến đi, gồm 2 thành viên của Không quân Ý và 1 người của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Ý.
Chuyến đi của bộ ba này không chỉ mang tính du ngoạn bởi có nhiều thiết bị khoa học được mang theo để phục vụ mục đích nghiên cứu. Chẳng hạn, một người mặc bộ đồ đặc biệt để đo dữ liệu sinh trắc và các phản ứng sinh lý học; một người sử dụng cảm biến để theo dõi nhịp tim, chức năng của não và những chỉ số khác trong môi trường vi trọng lực.
Đám đông chứng kiến chuyến bay không gian thương mại đầu tiên của Công ty Virgin Galactic hôm 29-6Ảnh: Reuters
Bà Sirisha Bandla, Phó Chủ tịch của Virgin Galactic, cho rằng chuyến đi cho thấy hệ thống bay vũ trụ khác biệt của công ty, theo đó cho phép nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm của mình.
Cũng theo bà Bandla, chuyến đi còn cho thấy công ty có thể giúp cộng đồng khoa học và công nghệ lên không gian thường xuyên hơn.
Đáng chú ý, chuyến bay Galactic 01 diễn ra không lâu sau thảm kịch tàu lặn Titan bị nổ trong lúc đưa du khách giàu có đi tham quan xác tàu Titanic dưới đáy đại dương, khiến 5 người thiệt mạng.
Cột mốc quan trọng của du lịch không gian
Loại hành trình rủi ro như thế là một phần của xu hướng gia tăng, theo đó giới lắm tiền nhiều của sẵn sàng chi cực lớn cho các chuyến đi mạo hiểm.
Không gì lạ khi nhiều người lên mạng xã hội chỉ trích thời điểm diễn ra chuyến bay Galactic 01 là không phù hợp, nhất là khi ngành công nghiệp du lịch không gian từng gặp một số sự cố về an toàn.
Chẳng hạn như vào tháng 11-2014, một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng khi tàu vũ trụ của Virgin Galactic bị nổ lúc bay thử trên sa mạc ở bang California - Mỹ. Đến tháng 4-2023, tàu vũ trụ Starship của Công ty SpaceX do tỉ phú người Mỹ Elon Musk sở hữu cũng phát nổ trong chuyến bay thử nghiệm.
Gạt sang một bên những tranh cãi trên, thành công của chuyến bay Galactic 01 đánh dấu cột mốc quan trọng của Virgin Galactic nói riêng và của ngành du lịch không gian nói chung.
Tỉ phú người Anh Richard Branson lập Virgin Galactic năm 2004 nhưng tham vọng của công ty du lịch không gian này gặp không ít trở ngại, trong đó có sự cạnh tranh từ một số đối thủ lớn như SpaceX và Blue Origin (của tỉ phú Mỹ Jeff Bezos).
Giờ đây, nếu mọi chuyện diễn ra như kế hoạch, chuyến bay thương mại thứ 2, gọi là Galactic 02, sẽ diễn ra vào đầu tháng 8. Virgin Galactic cho biết đã nhận đặt chỗ từ ít nhất 800 hành khách với mức giá 450.000 USD/ghế (tính đến thời điểm này). Không dừng lại ở đó, công ty còn có kế hoạch mở rộng đội máy bay vũ trụ để thực hiện khoảng 400 chuyến bay mỗi năm. Theo đại diện của Virgin Galactic, công ty đang phát triển tàu không gian thế hệ mới "lớp Delta", dự kiến đi vào hoạt động năm 2026 và có thể một lần mỗi tuần. Khi đó, theo trang Space.com, Virgin Galactic có thể đưa hành khách vào vũ trụ mỗi ngày từ nhiều địa điểm trên thế giới. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chưa đầy 4 phút sau khi phóng, tàu vũ trụ Starship cùng tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới đã nổ tung trên không, nhưng tỷ phú Elon Musk và công ty SpaceX của ông vẫn có thể ăn mừng.