Công nghệ - con dao hai lưỡi trong cuộc chiến ở Ukraine
Công nghệ được cho là con dao hai lưỡi trong cuộc chiến ở Ukraine, khi vừa giúp Ukraine phá thế bế tắc trên chiến trường vừa khiến nước này khó trong việc chọc thủng phòng tuyến Nga.
Trong cuộc phỏng vấn tờ The Economist vào hôm 1-11, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine - ông Valery Zaluzhny thừa nhận cuộc chiến của Ukraine đang rơi vào thế bế tắc. Theo ông, dù giao tranh xảy ra ác liệt trong nhiều tháng nhưng không có những chuyển biến mới nào dọc chiến tuyến và có thể cũng không có bước đột phá nào trong tương lai gần.
Tờ The New York Times nhận định rằng đây là đánh giá thẳng thắn nhất của một quan chức cấp cao Ukraine về cuộc phản công hiện đang bị đình trệ của Kiev.
Tướng Zaluzhny đưa ra đánh giá trên vào thời điểm căng thẳng của Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 20 tháng qua, khi vũ khí do phương Tây cung cấp đã không giúp Kiev phá vỡ hàng phòng thủ Nga và chỉ còn rất ít vũ khí có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.
Lính Ukraine ở TP Avdiivka (Donetsk, Ukraine) vào hồi tháng 10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cạnh đó, sự sẵn lòng của các đồng minh phương Tây trong việc duy trì hỗ trợ cho Ukraine đang có dấu hiệu suy giảm, nhất là ở Mỹ khi một số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện ngần ngại cung cấp thêm viện trợ cho Kiev.
Các quan chức Ukraine cũng lo ngại rằng cuộc chiến giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) sẽ làm chuyển hướng sự chú ý của phương Tây khỏi Ukraine và phân tán nguồn lực khi phải hỗ trợ cả hai chiến trường cùng lúc.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov hôm 2-11 nói rằng cuộc chiến ở Ukraine “không hề bế tắc” và quân Nga sẽ tiếp tục tiến lên trên chiến trường.
Cuộc chiến của Ukraine bế tắc vì… công nghệ
Tướng Zaluzhny giải thích rằng công nghệ hiện đại và vũ khí chính xác của cả hai bên, bao gồm máy bay không người lái (UAV) và khả năng gây nhiễu UAV, khiến lực lượng hai bên khó lòng chọc thủng phòng tuyến của nhau. Theo ông Zaluzhny, Ukraine sẽ không đạt được đột phá nào sớm nhưng quân Nga cũng khó có thể tiến lên.
“Giống như trong Thế chiến thứ nhất, chúng ta đã đạt đến một trình độ về công nghệ khiến chúng ta rơi vào bế tắc. Rất có thể sẽ không có đột phá lớn” - ông Zaluzhny nhận định.
Lính Ukraine khai hỏa trên chiến trường miền đông vào hồi tháng 10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trong cuộc phỏng vấn trên cùng với bài luận dài 9 trang, cũng được The Economist đăng tải, vị Tổng tư lệnh chỉ ra rằng tình trạng bế tắc phần lớn là kết quả của sự ngang bằng về công nghệ trên chiến trường, khi cả Ukraine và Nga đều sử dụng các thiết bị cảm biến hiện đại để phát hiện và loại bỏ nhân lực, trang thiết bị và vũ khí tiên tiến.
Tướng Zaluzhny cho biết ông nhận ra tình hình trên sau khi đến thăm tiền tuyến ở TP Avdiivka (tỉnh Donetsk) - nơi đã phải đối mặt các cuộc tấn công liên tục của Nga trong vài tuần qua. Việc sử dụng pháo binh và UAV cho phép mỗi bên nhắm vào đối phương dễ dàng hơn.
“Trên mặt trận, đơn giản là chúng ta thấy mọi thứ đối phương đang làm và họ thấy mọi thứ chúng ta đang làm” – ông Zaluzhny viết trong bài luận.
Cạnh đó, ông Zaluzhny nói rằng hiệu quả của vũ khí do phương Tây cung cấp đã giảm đi vì chúng sử dụng công nghệ định vị GPS nên dễ bị hệ thống gây nhiễu liên lạc của Nga nhắm mục tiêu.
Chiến tranh điện tử là một trong những nhân tố then chốt trong phần lớn cuộc chiến. Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, Moscow dường như có lợi thế hơn khi có khả năng tác chiến điện tử vượt trội so với Kiev. Lực lượng Nga có thể phát hiện tín hiệu điện thoại di động, gây nhiễu tần số GPS và vô tuyến.
Ukraine cũng có hệ thống tác chiến điện tử nhưng lực lượng Kiev nói Nga thường chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực này. Điều đó có nghĩa là các đội hình của Ukraine ngày càng bị cô lập khi họ cố gắng chiến đấu trong một môi trường mà bộ đàm của họ đôi lúc trở nên vô dụng.
Đối mặt việc gây nhiễu của Nga, quân Ukraine thường không thể tập trung đông đảo và tấn công với quy mô lớn lớn vì sự phối hợp giữa bộ binh, xe tăng và pháo binh yểm trợ rất khó khăn nếu thiết bị liên lạc không hoạt động.
Chính công nghệ sẽ phá thế bế tắc
Ông Zaluzhny cho rằng để phá vỡ thế bế tắc đó thì cần phải có thêm những công nghệ cao hỗ trợ để giành ưu thế trên không cũng như tăng hiệu quả pháo binh.
“Chúng ta cần tận dụng sức mạnh được tích hợp trong các công nghệ mới” - ông Zaluzhny nói.
Ông viết trong bài luận của mình rằng lực lượng Ukraine "cần những khả năng và công nghệ quân sự quan trọng để thoát ra khỏi loại xung đột này”. Điều này bao gồm việc sử dụng rất nhiều UAV và vũ khí tiên tiến hơn để xuyên thủng các hệ thống phòng không của Nga, cũng như các thiết bị gây nhiễu để ngăn UAV Nga.
Một tòa nhà tại TP Avdiivka (tỉnh Donetsk, Ukraine) bị phá hủy vào hồi tháng 10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ukraine từ lâu đã hối thúc phương Tây hỗ trợ máy bay chiến đấu F-16. Hiện tại, lính Ukraine đã được phương Tây đào tạo điều khiển loại máy bay này. Tuy nhiên, Tướng Zaluzhny cho rằng F-16 sẽ ít hữu dụng hơn trong giai đoạn mới này của cuộc chiến so với trước đây vì Nga đã cải thiện khả năng phòng không.
Đại tá Roman Kostenko - Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và tình báo của quốc hội Ukraine - nhận định đánh giá của ông Zaluzhny cho thấy quan chức Ukraine thừa nhận rằng cuộc phản công của Ukraine đã kết thúc mà không đạt được mục tiêu.
Ông Kostenko cũng cho rằng bài luận của Tổng tư lệnh là thông điệp dành cho Bộ Quốc phòng Ukraine - cơ quan chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí - rằng việc tập trung có được vũ khí hạng nặng bao gồm xe tăng và pháo binh không quan trọng bằng việc sở hữu công nghệ mới và vũ khí chính xác.
Ông Kostenko nói rằng quân đội Ukraine đã tiêu diệt nhiều pháo và xe bọc thép của Nga bằng UAV hơn là bằng pháo.
Trong cuộc phỏng vấn trên, vị Tổng tư lệnh cũng thừa nhận sai lầm khi đã đánh giá thấp việc Nga sẵn sàng hy sinh nhân lực nhằm ngăn Ukraine có những bước đột phá. Theo ông, Nga đã mất ít nhất 150.000 lính. Ông nói rằng với con số thương vong như vậy thì đối với một số quốc gia khác có thể sẽ cân nhắc kết thúc xung đột nhưng Nga thì không làm như vậy. Tướng Zaluzhny bày tỏ chính xác nỗi lo sợ rằng lực lượng Ukraine sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh chiến hào đẫm máu tương tự như trong Thế chiến thứ nhất, có thể kéo dài nhiều năm và Nga, với quân số đông đảo, có thể sẽ có lợi thế. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các binh sĩ Ukraine thiệt mạng khi tập trung ở cùng một địa điểm để dự một buổi lễ trao huân chương nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng tên lửa và pháo...