Công bố nội dung đơn từ chức của Tổng thống Sri Lanka: Ông Gotabaya "trải lòng"

Cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cho biết, ông đã cố gắng hết sức để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.

Cựu Tổng thống Sri Lanka - ông Gotabaya Rajapaksa (ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Sri Lanka - ông Gotabaya Rajapaksa (ảnh: Reuters)

Hôm 16.7, Quốc hội Sri Lanka tổ chức họp để bầu tổng thống mới. Cuộc họp bắt đầu bằng việc ông Dhammika Dasanayake – Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka đọc nội dung đơn từ chức của ông Gotabaya.

Trong đơn từ chức, ông Gotabaya cho rằng, khủng hoảng kinh tế Sri Lanka bắt nguồn từ nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém trước khi ông nhậm chức Tổng thống. Cùng với đó, dịch Covid-19 làm suy giảm đáng kể lượng khách du lịch và kiều hối khiến Sri Lanka cạn kiệt ngoại tệ dẫn đến khủng hoảng trầm trọng hơn.

“Tôi tin bản thân đã làm mọi cách có thể để giải quyết khủng hoảng. Tôi cũng đã mời các nghị sĩ thành lập một chính phủ đa đảng và đoàn kết”, ông Gotabaya viết.

Hôm 14.7, ông Gotabaya từ Maldives đến Singapore và nộp đơn từ chức Tổng thống bằng email. Trước đó, hàng chục nghìn người biểu tình ở thủ đô Colombo đã xông vào các tòa nhà chính phủ, dinh tổng thống nhằm lật đổ ông Gotabaya. Nhiều người biểu tình cáo buộc ông Gotabaya tham nhũng và không biết cách quản lý đất nước, khiến nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ.

Quốc hội Sri Lanka dự kiến sẽ tiếp tục họp vào ngày 19.7 để bỏ phiếu chọn người kế nhiệm ông Gotabaya.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe – người vừa được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống Sri Lanka – là một trong những ứng viên sáng giá của đảng cầm quyền cho vị trí Tổng thống. Tuy nhiên, ông Ranil Wickremesinghe không được nhiều người dân ủng hộ.

Cảnh sát bảo đảm an ninh ở trụ sở Quốc hội Sri Lanka hôm 16.7 (ảnh: Reuters)

Cảnh sát bảo đảm an ninh ở trụ sở Quốc hội Sri Lanka hôm 16.7 (ảnh: Reuters)

Hôm 15.7, ông Wickremesinghe tuyên bố, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ sửa đổi hiến pháp để hạn chế quyền lực của tổng thống và nâng cao vị thế của quốc hội. Ông Wickremesinghe cũng cảnh báo sẽ có hành động pháp lý đối phó với “quân nổi dậy”.

“Có sự khác biệt lớn giữa người biểu tình và quân nổi dậy. Chúng tôi sẽ chống lại quân nổi dậy”, ông Wickremesinghe phát biểu trên sóng truyền hình.

Hôm 16.7, hơn 100 cảnh sát được trang bị vũ khí đã dàn hàng ngang trên đường dẫn tới trụ sở Quốc hội Sri Lanka. Người biểu tình ở đảo quốc Nam Á không xuất hiện.

Dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka hiện ở mức gần bằng không trong khi đảo quốc này nợ nước ngoài hơn 51 tỷ USD. Lạm phát tháng trước ở Sri Lanka đã lên tới 54,6%. Sri Lanka cũng phải đối mặt với khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng. Chờ vài ngày để đổ xăng đã trở thành thói quen của người dân nước này.

Nguồn: [Link nguồn]

Vỡ nợ, Sri Lanka vay thêm tiền Trung Quốc

Sri Lanka đang đàm phán với Trung Quốc và hy vọng Bắc Kinh sẽ cho nước này vay tiền “vào một khoảng thời gian nào đó”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Nam – Reuters ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN