Danh tướng mang dòng máu Nhật Bản giúp Trung Quốc lần đầu kiểm soát đảo Đài Loan
Trong giai đoạn nhà Thanh tấn công Trung Quốc, có một danh tướng nhà Minh giương ngọn cờ phản Thanh, phục Minh. Vào thời khắc khó khăn nhất, danh tướng này quay sang tấn công đảo Đài Loan do người Hà Lan kiểm soát nhằm xây dựng căn cứ chống quân Thanh lâu dài.
Trịnh Thành Công được coi là người đầu tiên giúp Trung Quốc kiểm soát đảo Đài Loan.
Bồ Đào Nha là quốc gia phương Tây đầu tiên phát hiện đảo Đài Loan, hòn đảo khi đó chủ yếu là người địa phương sinh sống và nhờ vào vị trí biệt lập mà tách biệt với Trung Hoa. Năm 1544, các tàu thám hiểm Bồ Đào Nha tới đảo Đài Loan, gọi vùng lãnh thổ này là Ihla Formosa (hòn đảo xinh đẹp). Tên gọi này còn được phương Tây tiếp tục sử dụng cho đến sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc
Khi Bồ Đào Nha suy yếu, một thế lực khác ở châu Âu trỗi dậy, đó là đế quốc Hà Lan. Năm 1624, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đánh đuổi người Bồ Đào Nha, thành lập một khu định cư quy mô nhỏ trên bờ biển tây nam của Đài Loan.
Công ty Đông Ấn là tổ chức được Quốc hội Hà Lan trao quyền thực thi những hoạt động thực dân tại châu Á. Công ty có quyền đơn phương phát động chiến tranh, thay mặt chính phủ Hà Lan đàm phán hiệp ước, đúc tiền và thành lập thuộc địa.
Người Hà Lan kinh doanh các mặt hàng như đường, gạo, tiêu, tơ lụa và sa tanh, đồ gốm sứ, hạt nhục đậu khấu và quế ở Đài Loan.
Công việc kinh doanh tại đây vô cùng khởi sắc và lẽ ra người Hà Lan có thể bám trụ lâu hơn nếu không có sự xuất hiện của một nhân vật kiệt xuất gọi là Trịnh Thành Công, danh tướng kiệt xuất thời kỳ cuối nhà Minh đầu nhà Thanh.
Danh tướng Trung Quốc có dòng máu Nhật Bản
Trịnh Thành Công (1624-1662) có tên thật là Trịnh Sâm. Cha ông là Trịnh Chi Long thương nhân kiêm hải tặc. Mẹ ông tên Tagawa Matsu, người Nhật.
Ông sinh ra ở tỉnh Hizen (nay là thành phố Hirado, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản) vào năm Kan'ei thứ nhất của Nhật Bản (1624), là năm Thiên Khải thứ 4 triều Minh bên Trung Quốc.
Trịnh Thành Công sống với mẹ ở Nhật đến năm 7 tuổi, sau đó được cha đón về định cư ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Ở thời điểm đó, cha ông là thương nhân giàu có hàng đầu châu Á, sở hữu hàng trăm tàu buôn lớn, và lực lượng quân sự tư nhân lên đến hàng chục nghìn người.
Vào thời hoàng đế Minh Tư Tông (Sùng Trinh), Trịnh Chi Long được nhà Minh thu nạp, làm quan đến chức Thái sư, rồi trở thành một quan chức hải quân cấp cao của Đại Minh.
Trịnh Thành Công từ đó được tiếp cận nền giáo dục của nhà Minh. Năm 20 tuổi, Trịnh Thành Công được vào học tại Quốc Tử Giám ở Nam Kinh.
Cũng năm đó, cuộc đời Trịnh Thành Công bước sang trang mới khi quân khởi nghĩa của Sấm vương Lý Tự Thành tấn công thành Bắc Kinh, vua Sùng Trinh treo cổ tự tử.
Tổng binh nhà Minh trấn thủ Sơn Hải quan là Ngô Tam Quế mở cửa biên cương, dẫn quân Thanh nhập quan tiến vào Trung Nguyên. Quân Thanh đánh bại Lý Tự Thành, mở ra thời kỳ nhà Thanh cai trị Trung Quốc.
Năm 1645, Trịnh Chi Long cùng với một số quan lại nhà Minh chạy nạn về phía nam lập Đường vương Chu Duật Kiện lên làm hoàng đế Đại Minh, đóng đô ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, gọi là Long Vũ Đế.
Trịnh Thành Công khi còn sống là người có tư tưởng phản Thanh, phục Minh.
Trịnh Thành Công là người đệ trình lên Long Vũ Đế bản điều trần phản Thanh phục Minh. Nhưng người cha Trịnh Chi Long lại hoài nghi năng lực của quân Minh nên để mặc Long Vũ Đế đơn độc một mình chống quân Thanh. Khi Long Vũ Đế đại bại, Trịnh Chi Long quay sang đầu hàng quân Thanh, được phong làm Đồng An Hầu.
Trịnh Thành công thì khác, ông vẫn quyết tâm chống quân Thanh đến cùng, âm thầm chạy trốn ra đảo Kim Môn. Ông tuyên bố khởi binh, chiêu mộ các thuộc hạ cũ của cha, tiếp tục các hoạt động giao thương ở vùng ven biển ngoài khơi Phúc Kiến, vươn tầm ảnh hưởng tới Đông Nam Á.
Ở thời kỳ đỉnh cao, lực lượng của Trịnh Thành Công chiếm hơn 60% toàn bộ năng lực ngoại thương của Trung Quốc. Năm 1649, ông được hoàng đế cuối cùng của nhà Minh là Minh Chiêu Tông phong làm Diên Bình Vương.
Năm 1658, lực lượng của Trịnh Thành Công bị nhà Thanh đánh bại trong chiến dịch Nam Kinh. Hoàng đế Minh Chiêu Tông bị đánh tan tác, phải chạy trốn sang Myanmar. Năm 1662, khi quân Thanh áp sát biên giới, người Myanmar giao nộp Minh Chiêu Tông. Ngô Tam Quế sai người bí mật thắt cổ hoàng đế nhà Minh trong một ngôi miếu nhỏ tại Côn Minh. Triều đại nhà Minh đến đây là kết thúc.
Về phần mình, Trịnh Thành Công hướng tầm mắt sang đảo Đài Loan, tính tới việc kiểm soát hòn đảo để làm căn cứ phản Thanh phục Minh lâu dài. Hòn đảo lúc đó do Công ty Đông Ấn Hà Lan kiểm soát.
Đánh tan quân Hà Lan
Frederick Coyett, tổng đốc đảo Đài Loan đại diện Công ty Đông Ấn, khi đó sở hữu đội quân gồm khoảng 2.000 người. Lực lượng Hà Lan tập trung ở hai pháo đài Zeelandia và Provintia trên đảo.
Theo các sử gia phương Tây, sở dĩ Công ty Đông Ấn Hà Lan có thể kiểm soát đảo Đài Loan suốt hàng chục năm mà người Trung Quốc không làm gì được là nhờ vào các chiến hạm công nghệ cao và pháo đài.
Tàu chiến Hà Lan lớn hơn, nặng hơn và mang nhiều pháo hơn các tàu Trung Quốc. Nếu giao tranh ở vùng biển mở, chắc chắn các tàu Hà Lan sẽ chiến thắng. Tháng 3/1661, Trịnh Thành Công đích thân dẫn 25.000 quân, huy động 120 tàu chiến, xuất phát từ Kim Môn hướng ra đảo Đài Loan.
Trịnh Thành Công chọn thời điểm mà các tàu chiến cỡ lớn của Hà Lan gặp bất lợi khi neo ở vùng ven bờ đảo Đài Loan để tận dụng cơ hội tấn công bất ngờ. Các tàu thuyền của Trịnh Thành Công đi qua đảo Bành Hồ, bất ngờ đổ bộ vào Lập Nhĩ Môn và cảng Hoà Liêu ở đảo Đài Loan.
Công ty Đông Ấn Hà Lan bị lực lượng của Trịnh Thành Công đánh đuổi khỏi đảo Đài Loan.
Đầu tiên, Trịnh Thành Công dẫn quân đánh chiếm thành Xích Khảm (nay là Đài Nam). Trịnh Thành Công cử 2.000 người tấn công lực lượng phòng thủ ven biển gồm 240 lính Hà Lan được trang bị súng hỏa mai tiên tiến thuộc hàng tốt nhất thế giới lúc bấy giờ. Nhưng trước quân Trung Quốc đông đảo, lính hà Lan buộc phải rút lui về pháo đài.
Ở trên biển, 3 tàu chiến Hà Lan cố gắng ngăn chặn các các tàu của Trịnh Thành Công, bắn cháy nhiều tàu. Nhưng chiến hạm lớn nhất và uy lực nhất là Hector lại tự phát nổ do pháo bắn gần kho thuốc súng gây cháy. Hai tàu còn lại bất lực khi đội tàu đông đảo của Trịnh Thành Công vượt qua.
Ngày 4/4/1661, lực lượng của Trịnh Thành Công đánh chiếm thành phòng thủ yếu ớt nhất là Provintia (thuộc thành phố Đài Nam ngày nay).
Ngày 7/4/1661, đội quân tiếp tục tiến tới thành Zeelandia, thành trì kiên cố được người Hà Lan xây dựng theo kiểu châu Âu ở đảo Đài Loan.
Trịnh Thành Công ban đầu tự tin nghĩ rằng có thể áp đảo lực lượng của tổng đốc Frederick Coyett ở pháo đài Zeelandia do quân số chêch lệch lên tới 20:1.
Cuộc tấn công đầu tiên kết thúc trong thất bại với thương vong lên tới hơn 1.000 người. Trịnh Thành Công ra lệnh cho quân bao vây, đưa pháo lên ngọn đồi để oanh tạc pháo đài Hà Lan.
Người Hà Lan đáp trả bằng cách xây công sự, chĩa pháo về phía lực lượng của Trịnh Thành công để bắn trả. Tiếp theo, Trịnh Thành Công ra lệnh xây dựng một pháo đài ven biển với thiết kế kiểu phương Tây với mục đích cắt đứt pháo đài Hà Lan với nguồn tiếp tế trên biển.
Pháo đài Zeelandia (góc bên phải) được người Hà Lan xây dựng kiên cố ở đảo Đài Loan.
Tháng 1/1662, quân Hà Lan đã bị bao vây suốt 9 tháng, trong thành dần cạn lương thực. Một sĩ quan người Đức bên phía Hà Lan là Hans Jeuriaen Rade đào ngũ, cung cấp thông tin giúp đỡ Trịnh Thành Công. Một tháng sau, do bị tấn công dữ dội, tổng đốc Frederik Coyett buộc phải ra ngoài thành ký giấy đầu hàng Trịnh Thành Công. Sự kiện này đánh dấu kết thúc 38 năm Công ty Đông Ấn Hà Lan kiểm soát đảo Đài Loan.
Trong hơn một năm giao tranh, quân của Trịnh Thành Công tổn thất tới 12.500 người, tương đương một nửa lực lượng. Phía Hà Lan tổn thất 1.600 người và 5 tàu chiến.
Sau khi kiểm soát đảo Đài Loan, Trịnh Thành Công cho xây dựng bộ máy cai trị giống như của triều Minh. Ông còn đề ra nhiều chính sách nhằm khai phá và quản lý đảo Đài Loan. Những chính sách đó rất được người dân địa phương đồng tình, tạo cơ sở vững chắc cho thế lực của Trịnh Thành Công ở Đài Loan.
Năm 1662, Trịnh Thành Công mắc bệnh sốt rét rồi qua đời ở tuổi 39. Hậu duệ Trịnh Thành Công tiếp tục sử dụng đảo Đài Loan làm căn cứ đấu tranh với nhà Thanh ở đại lục. Năm 1983, tận dụng thời cơ nhà họ Trịnh đấu đá nội bộ, hoàng đế nhà Thanh là Khang Hi lệnh cho tướng Thi Lang chỉ huy 12 vạn quân đánh chiếm hoàn toàn hòn đảo, chấm dứt giai đoạn tàn dư nhà Minh kiểm soát đảo Đài Loan. Tướng Thi Lang là cấp dưới của Trịnh Chi Long, cha của Trịnh Thành Công.
Kết thúc chiến tranh Thanh - Nhật (1894 - 1895), nhà Thanh buộc phải nhượng đảo Đài Loan cho đế quốc Nhật Bản. Người Nhật kiểm soát hòn đảo cho đến khi kết thúc Thế chiến 2 vào năm 1945 và chính thức bỏ chủ quyền đối với đảo Đài Loan theo Hiệp ước San Francisco có hiệu lực vào ngày 28/4/1952. Sau Thế chiến 2, đảo Đài Loan do Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch kiểm soát. Năm 1949, Tưởng Giới Thạch thất bại trong cuộc nội chiến Trung Quốc, buộc phải chạy sang đảo Đài Loan. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập sau nội chiến Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ đại lục và đảo Đài Loan. Ngày nay, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, nếu cần sẽ phải thu hồi bằng vũ lực. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trong thời kỳ châu Âu khám phá thế giới (thế kỷ 15 - 17), các chính phủ châu Âu ủy quyền cho các đoàn thám hiểm, các đội tàu buôn nhằm xâm chiếm thuộc địa, thiết lập giao thương với thế giới bên ngoài. Đầu thế kỷ 16, những đội tàu buôn Bồ Đào Nha đầu tiên tới Trung Quốc, cuối cùng dẫn đến những cuộc đụng độ.