Cơn sốt tìm kho báu ở Indonesia

Sự kiện: Tin tức Indonesia

Nhiều thợ lặn đã tìm đến Palembang, thành phố lâu đời nhất của Indonesia, để săn kho báu trong thời gian gần đây.

Được thành lập cách đây khoảng 1.300 năm, Palembang được cho là trung tâm của Vương quốc Phật giáo Sriwijaya thống trị phần lớn đảo Sumatra từ thế kỷ VII - XII. Sông Musi dài 750 km chia đôi Palembang và những kho báu tìm thấy dưới dòng sông được cho là di tích của Vương quốc Sriwijaya.

Nghề lặn tìm kho báu trên sông Musi bắt đầu từ những năm 1970 khi người dân đổ xô tìm kiếm gỗ vụn và kim loại rơi từ những con tàu chở hàng đi qua đây. Những món đồ cổ thường được tìm thấy dưới đáy sông nhưng người dân địa phương không biết giá trị của chúng nên không sưu tầm hay bán lại.

Khi gỗ vụn và kim loại cạn kiệt, người dân sống ven sông chuyển sang khai thác cát. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều món đồ tạo tác được tìm thấy và nhiều người đến đây tìm kiếm cổ vật để bán, theo bà Retno Purwanti thuộc Trung tâm Khảo cổ Nam Sumatra.

Tờ South China Morning Post dẫn lời nhà khảo cổ học này nói: "Việc phát hiện đồ cổ ở sông Musi đã kéo dài nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng chưa chắc chúng từng thuộc về Vương quốc Sriwijaya".

Khoảng 15 chiếc thuyền từ đảo Kemaro tìm kho báu ở sông Musi mỗi ngày. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Khoảng 15 chiếc thuyền từ đảo Kemaro tìm kho báu ở sông Musi mỗi ngày. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Hầu hết thợ lặn tìm kiếm kho báu đến từ đảo Kemaro, phía Đông Bắc TP Palembang. Thứ họ tìm thấy dễ dàng nhất ở sông Musi là bụi vàng. Họ sử dụng máy bơm hút cát dưới đáy sông, sau đó đổ chúng vào thủy ngân để tách ra bột vàng và bán cho đại lý với giá 500.000 rupiah/g (tương đương 35 USD).

Một thợ lặn tên Adi cho biết: "Trong một tháng, một thợ lặn có thể kiếm được từ 3-5 triệu rupiah từ việc bán bột vàng". Trong khi đó, mức lương tối thiểu ở Palembang là 3,27 triệu rupiah/tháng (khoảng 226 USD).

Ngoài bụi vàng, thợ lặn thường tìm thấy đồ gốm sứ như bát, đĩa hoặc đồ đất nung. Các mảnh gốm sứ cổ có giá khoảng 50.000-100.000 rupiah và được bán ở chợ địa phương trong khi những món đồ gốm sứ nguyên vẹn được định giá cao hơn, đắt nhất có thể lên tới 10 triệu rupiah tùy vào độ tuổi ước tính và độ quý hiếm.

Những hạt châu đầy màu sắc và tiền xu cổ của Trung Quốc cũng có thể được tìm thấy ở sông Musi. Nghề lặn hấp dẫn đến mức khiến anh Asmadi, người đã tốt nghiệp Trường ĐH Stisipol Candradimuka, quyết định bỏ việc để chuyển sang làm thợ lặn toàn thời gian vào năm 2018. Chàng trai 26 tuổi hiện có một bộ sưu tập đồ cổ lớn, chủ yếu bằng vàng và đồng.

Mặc dù số lượng đồ tạo tác được tìm thấy ở sông Musi đã giảm dần trong những năm qua nhưng người dân địa phương vẫn nuôi được gia đình bằng cách lặn sông mỗi ngày. Nhà khảo cổ học Purwanti cảnh báo các vật phẩm có thể được tạo ra, đặt xuống sông Musi và sau đó vớt lên như thể chúng là đồ cổ. 

Nguồn: [Link nguồn]

Khu rừng kỳ lạ ở ĐNA:  Phụ nữ thích khỏa thân khi đi vào 

Đàn ông bị cấm tới khu rừng của những người phụ nữ khỏa thân. Thậm chí, chỉ cần đứng ngoài nhòm ngó vào trong, họ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Tin tức Indonesia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN