Con người có thể ngủ đông như gấu, khi cần sẽ hồi sinh?
Thông tin các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland ở Mỹ bắt đầu thử nghiệm quá trình “đóng băng” người sống để chữa bệnh có thể mở ra hướng đi mới trong việc giúp con người có thể ngủ đông như gấu.
Những loài sinh vật to lớn như gấu biết cách ngủ đông.
Theo Daily Mail, trong những năm qua, nền y học thế giới đã đạt nhiều bước tiến, đặc biệt trong các hoạt động cấy ghép, mở ra nhiều hướng chữa trị mới.
Mới đây nhất, nhóm nghiên cứu tại Đại học Maryland ở Mỹ đã thành công trong việc “đóng băng” bệnh nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh.
Bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng tim ngừng đập, mất máu cấp, có thể do đạn bắn hoặc bị dao đâm.
Ở nhiệt độ cơ thể 37 độ C, các bác sĩ chỉ có 5 phút để cứu bệnh nhân tim ngừng đập. Nhưng trong nghiên cứu, các chuyên gia hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống mức 10-15 độ C, rút máu bệnh nhân và thay bằng hỗn hợp muối lạnh. Điều này khiến các phản ứng hóa học trong các tế bào và hoạt động của não gần như ngừng hoàn toàn.
Các bác sĩ khi đó sẽ có khoảng 2 giờ đồng hồ để chữa trị các vết thương trước khi bơm máu và khiến tim bệnh nhân đập trở lại.
Trên thực tế, có trường hợp cả trẻ em và người lớn được chẩn đoán đã chết trong nhiều giờ, nhưng thực tế họ vẫn còn sống, bởi nhiệt độ cơ thể giảm đến mức đáng kể.
"Đóng băng" có thể là phương pháp đột phá giúp con người trị bệnh.
Năm 1999, Anna Bagenholm đang trượt tuyết ở Na Uy thì gặp nạn, bị mắc kẹt dưới băng. Sau 40 phút, tim của Anna ngưng đập. Bạn bè may mắn cứu được cô nhưng phải mất 90 phút để trực thăng có mặt.
Đến khi vào viện, tim của Anna đã ngừng đập được 2 giờ nhưng nhờ được ngâm mình trong băng mà các cơ quan nội tạng của Anna chưa bị tổn thương. 5 giờ sau, Anna trải qua quá trình rã đông, cơ thể bắt đầu ấm trở lại, tim đập bình thường. Cô cuối cùng hồi phục hoàn toàn và có thể tiếp tục làm việc.
Giáo sư vật lý Marco Durante tin rằng phương pháp “đóng băng” người sống mà các nhà nghiên cứu đang theo đuổi còn có tác dụng chữa bệnh ung thư. Đó là bởi bệnh nhân ở trạng thái này có thể tiếp nhận lượng phóng xạ lớn hơn gấp nhiều lần mà các tế bà chưa bị tổn thương.
“Bệnh nhân tỉnh lại và các căn bệnh đã được chữa trị. Đó là viễn cảnh trong mơ”, Durante nói.
Loài vượn lùn chỉ sống ở Madagascar, họ hàng gần nhất của con người về mặt di truyền, được biết đến là loài có thể ngủ đông, kéo dài 8 tháng. Nhịp tim bình thường của loài vượn này là 180 nhịp/phút nhưng có thể xuống đến mức 4 nhịp/phút. Nhiệt độ cơ thể từ 36 độ C xuống còn 5 độ C.
Ngủ đông mở ra phương pháp mới để con người du hành không gian.
“Về mặt kỹ thuật, chúng giống như đã chết”, Sheena Faherty, nhà sinh vật học tại Đại học Duke ở North Carolina, Mỹ, nói. Loài vượn này có hệ gen giống con người tới 97% nên Sheena đặt giả thuyết “một ngày kia con người cũng có khả năng ngủ đông, nhờ vào phương pháp can thiệp gene”.
“Gấu là loài vật điển hình đã vượt qua mọi thách thức mà con người gặp phải để có thể ngủ đông. Hiểu rõ về cơ chế ngủ đông của gấu có thể giúp con người tạo ra những đột phá mới”, Maria Berg von Linde đến từ Đại học Orebro, Thụy Điển, nói.
Tìm hiểu bí mật của việc ngủ đông có thể mở ra hướng đi mới của con người trong việc bảo toàn các cơ quan nội tạng chờ ngày hồi sinh, thậm chí mở ra phương pháp để con người du hành đến những nơi xa xôi trong vũ trụ.
Các nhà khoa học NASA hiện đang nghiêm túc nghiên cứu về khả năng này. Các nhà du hành vũ trụ có thể bước vào trạng thái ngủ đông để tiết kiệm tuổi thọ cho đến khi đến được nơi cần đến.
Nguồn: [Link nguồn]
Thi thể đông lạnh tại Viện Cryonics hiện đang được gìn giữ, với hy vọng một ngày con người có thể sống lại và thậm...