Con hổ "quỷ dữ" giết 430 người, khủng khiếp nhất châu Á
Sự tàn bạo và quỷ quyệt của con hổ đã khiến lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội phải vào cuộc để giết quái thú ăn thịt người .
Một con hổ cái Bengal đã khiến cả khu vực biên giới Nepal-Ấn Độ khiếp sợ vào những năm 1900 (Ảnh minh họa)
Hầu hết các loài động vật hoang dã lớn đều có thể tấn công và ăn thịt người nếu cảm thấy bị đe dọa. Tuy nhiên, quái thú thực sự là những con vật đặc biệt thích thịt người hơn bất kỳ thức ăn nào khác. Sự xuất hiện của chúng trong lịch sử là rất hiếm, nhưng tất cả đều khiến con người phải khiếp sợ. |
Khoảng đầu những năm 1900, cuộc sống của người dân Nepal bao trùm trong sợ hãi khi các vụ giết người kinh hoàng liên tiếp xảy ra. Tại khu vực gần dãy núi Himalayas, hàng trăm người bị giết trong rừng. Các vụ tấn công xảy ra thường xuyên và đẫm máu đến nỗi người ta bắt đầu truyền tai nhau về con quỷ khát máu và thậm chí sự trừng phạt của Chúa, theo Listverse.
Kẻ giết người hàng loạt
“Sát nhân” nhanh chóng được phát hiện là con hổ cái Bengal hung dữ. Nó từng bị thợ săn bắn bị thương nhưng trốn thoát. Viên đạn làm gãy hai răng nanh bên phải, một ở trên, một ở dưới, khiến con hổ liên tục đau đớn và mất khả năng săn mồi bình thường trong môi trường hoang dã.
Vì vậy, hổ cái chuyển sang săn những con mồi dễ hạ hơn như động vật đã thuần hóa, sau đó là con người, và dần biến thành quái thú ăn thịt người, theo Animal Fax.
Tại Nepal, con hổ được cho là gây ra 200 cái chết, theo Vintage News. Người dân từ đó không dám vào rừng, sợ hãi quái thú có thể nhảy xổ ra bất cứ lúc nào tấn công họ.
Hổ cái bị gãy 2 răng nanh, buộc phải chuyển sang săn những con mồi dễ hạ hơn như con người (Ảnh minh họa)
Trước sự đe dọa từ hổ cái, nhiều thợ săn được cử vào rừng để giết quái vật. Nhưng theo trang Listverse, hổ cái quá xảo quyệt và bí ẩn nên thợ săn không thể tìm thấy.
Cuối cùng, chính phủ Nepal quyết định điều quân đội đến săn con vật. Đây được cho là lần duy nhất quân đội chính phủ được điều động để xử lý quái thú ăn thịt người.
Tuy nhiên, quân đội cũng “bó tay”. Họ truy đuổi nhưng không thể tiêu diệt được quái thú, thay vào đó, dồn con hổ từ Nepal sang biên giới Ấn Độ, cụ thể là khu vực Champawat.
Tại đây, hổ cái tiếp tục giết và tấn công người. Càng giết nhiều người, con hổ càng trở nên hung hãn hơn. Thậm chí, nó con bắt đầu tấn công giữa ban ngày và đi lang thang khắp làng mạc không hề sợ hãi.
Các nhân chứng kể lại, có lần, hổ cái kéo cô gái đi qua mặt họ một cách bình thản. Cô gái la hét nhờ cứu giúp khi tóc và chân của bị lê trên đất, theo cuốn sách “Deadly Animals: Savage Encounters Between Man and Beast” (tạm dịch “Động vật chết chóc: Những cuộc chạm trán tàn bạo giữa người và quái thú”).
Tranh minh họa hổ Champawat giết một cô gái ở Ấn Độ
Nhiều năm sau, cả khu vực Champawat bị tê liệt. Người dân không dám ra đồng làm việc. Giao thông vào ra khu vực ngừng trệ và nhiều người bỏ trốn sang làng lân cận, theo Animal Fax. Tại đây, hổ cái đã giết thêm khoảng 236 người, nâng tổng số người thiệt mạng lên tới 436 trong vòng 8 năm. Từ đó trở đi, nó luôn được nhớ tới với cái tên Hổ cái Champawat.
Săn lùng quái thú
Khi tình hình trở nên quá tồi tệ, chính phủ Anh ở Ấn Độ treo thưởng cho bất kỳ ai giết được quái thú nhưng cũng không thành công. Cuối cùng, họ phải nhờ tới sự giúp đỡ của một thợ săn động vật hoang dã người Anh sinh ra tại Ấn Độ Jim Corbett.
Theo trang Now I know, Corbett đã quen với rừng rậm Ấn Độ và Nepal từ khi còn nhỏ vì sinh ra và lớn lên trong khu vực. Đến tuổi thiếu niên, ông bắt đầu làm việc với những kẻ săn hổ bất hợp pháp, do đó, có tới hàng chục năm kinh nghiệm.
Và chính những điều này khiến Corbett tạo nên sự khác biệt.
Sự khôn ngoan của hổ cái Champawat khiến quân đội và nhiều thợ săn "bó tay" (Ảnh minh họa)
Quyết tâm săn hổ, Corbett lang thang khắp rừng rậm trong nhiều ngày nhưng không phát hiện ra gì. Cuối cùng, năm 1907, tin tức về nạn nhân vừa bị giết rộ lên giúp Corbett có nhiều manh mối.
Nạn nhân là một cô gái tuổi teen. Corbett bắt đầu lần theo dấu vết từ nhà cô gái vào rừng. Ông tìm thấy vòng cổ của cô giữa vũng máu, và tóc vương trên các bụi cây. Khi nhìn thấy những bộ phận không còn nguyên vẹn của nạn nhân trong rừng, dù là người rất dũng cảm, Corbett cũng phải rùng mình hoảng sợ.
Nhận ra con hổ cái đang đứng trên mỏm đất cao gần đó, Corbett giơ súng trường lên. Tuy nhiên con hổ chạy mất khiến thợ săn phải đuổi theo. Sau vài tiếng truy đuổi, Corbett buộc phải quay lại vì nhận ra nắng đã tắt, và ông không muốn ở gần hổ lúc trời tối.
Về tới làng, thợ săn lâu năm thuê gần 300 người đàn ông để tạo ra những tiếng ồn lớn vào ngày hôm sau. Ý tưởng của ông là dụ con hổ ra khỏi nơi ẩn nấp, dồn nó đến sườn núi đầy đá.
Jim Corbett bắn chết quái thú vào năm 1907
Khi những người đàn ông bắn súng và đánh trống để tạo tiếng động, con hổ xuất hiện. Corbett bắn hai phát đạn vào bụng nó. Phát thứ ba trúng chân, nhưng nó ngã gục và chết vì hai vết đạn trước, theo cuốn sách Deadly Animals.
Xác hổ được mang về làng để mọi người đều thấy quái thú ăn thịt người đã chết. Sau khi Corbett lột da con hổ, người dân xẻ thịt nó để làm bùa bảo vệ cho trẻ em địa phương.
Kỉ lục thế giới
Hổ cái Champawat từng được sách kỷ lục thế giới Guiness công nhận là quái thú giết nhiều người nhất thế giới. Thực tế, nó còn giết nhiều hơn cả những kẻ giết người hàng loạt tồi tệ nhất lịch sử, nếu không nói tới các sự kiện đại diệt chủng, trang Listverse nhận định.
Thợ săn Corbett, người trở nên nổi tiếng sau khi tiêu diệt hổ cái Champawat, quyết định cống hiến hết cuộc đời còn lại để chụp ảnh động vật hoang dã - những con vật không ăn thịt người.
Ngoài ra, ông cũng giúp xây dựng một khu bảo tồn thiên nhiên trong khu vực. Ông qua đời vào năm 1955 và hai năm sau, khu bảo tồn thiên nhiên được đổi thành tên của ông.
Con gấu nặng tới 340kg, là nỗi kinh hoàng của người dân Nhật Bản vào năm 1915.