Con đường khổ luyện trở thành ninja siêu hạng
Để trở thành ninja chuyên nghiệp có thể vượt các bức tường cao vài mét hay tiêu diệt kẻ thù trong tích tắc, quá trình huấn luyện gian khổ bắt đầu từ khi họ còn rất nhỏ.
Ninja phải tập luyện từ nhỏ để có được kĩ năng siêu hạng.
Họ đến như một làn gió. Họ biến mất như một làn khói. Tất cả được thực hiện trong đêm với các thủ thuật vượt quá năng lực người thường. Ninja – chiến binh bóng đêm siêu hạng luôn là nỗi khiếp sợ của bất kì lãnh chúa Nhật nào mỗi khi đêm xuống. |
Sử gia Michael Turnbull nói rằng chương trình huấn luyện ninja đầu tiên xuất hiện vào giữa thế kỷ 15, khi những gia đình samurai bắt đầu tập trung vào các kế hoạch ám sát nhân vật quan trọng.
Giống như samurai, ninja được coi là một nghề, có truyền thống riêng và truyền từ đời nọ sang đời kia. Theo Turnbull, ninja được huấn luyện từ khi họ mới 3,4 tuổi.
Ngoài kỉ luật thép về võ thuật, một người trẻ tuổi muốn trở thành ninja phải học các kĩ năng dò tìm, sinh tồn cũng như cách sơ cứu khi bị thương và cách dùng thuốc nổ.
Các ninja phải học các phương pháp chữa bệnh. Trong trận đấu Sekigahara, một ninja của làng Iga đã sơ cứu cho Naomasa, một người bị thương do súng hỏa mai bắn phải. Ninja này đã cho người bị thương một chút thuốc màu đen và máu được cầm ngay lập tức.
Trận Sekigahara là một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản diễn ra vào năm 1600 Sekigahara, thuộc tỉnh Gifu ngày nay. Trận đánh diễn ra giữa hai phe, một phe ủng hộ con trai của Toyotomi Hideyoshi là Toyotomi Hideyori lên nắm quyền. Phe kia ủng hộ Tokugawa Ieyasu, lãnh chúa hùng mạnh nhất thời bấy giờ.
Rèn luyện thân thể là rất quan trọng, trong đó có chạy đường dài từ 10-20km/ngày, leo núi cao, các kĩ thuật đi không để lại dấu vết và bơi dưới nước trong nhiều giờ với ống thở bằng sậy. Các kiến thức liên quan tới nghề ninja sẽ là bắt buộc nếu họ muốn trở thành một người chuyên nghiệp.
Tranh vẽ ninja chuẩn bị niệm chú để biến hình năm 1857.
Sau khi hai gia tộc Iga và Koga sụp đổ, các lãnh chúa không còn thuê các chuyên gia chuyên nghiệp nữa mà họ tự rèn luyện người khác trở thành ninja. Trong luật quân sự của chế độ Mạc phủ năm 1649, ninja chính thức được coi là một nghề từ thời điểm này. Theo đó, các lãnh chúa có trên 10.000 koku (khoảng 50.000 giạ lúa) sẽ được đào tạo các ninja cho riêng mình.
Trong hai thế kỷ sau đó, nhiều tác phẩm về ninja được tác giả Hattori Hanzo và các thành viên của phái Fujibayashi viết, đáng chú ý là tác phẩm Ninpiden (1655) Bansenshukai (1675) và Shōninki (1681).
Các trường ngày nay đào tạo ninja nổi lên từ năm 1970, bao gồm Masaaki Hatsumi, Stephen K. Hayes và Jinichi Kawakami. Tính chính danh của những trường này vẫn là chủ đề gây tranh cãi lớn.
Chiến thuật
Ninja thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ địch nhờ cây tre.
Ninja không hoạt động một mình mà tập thể và theo nhóm. Chẳng hạn như để leo một bức tường thành, nhóm ninja có thể làm thang để giúp người khác trèo lên. Các bài tập về leo tường được thiết kế với từng thử thách khác nhau, bắt đầu từ 1,2 mét rồi lên dần. Mức cao nhất để thử thách ninja có thể lên tới 6 mét.
Cuốn sách Mikawa Go Fudoki cho biết các ninja thường sử dụng ám hiệu để giao tiếp với nhau. Quyển sách này cũng nói tới trường hợp một ninja mặc áo giống hệt đối phương để gây ra sự hỗn loạn.
Hầu hết các kĩ thuật ninja được ghi trong các văn kiện cổ đều xoay quanh cách thức ẩn náu và tránh bị phát hiện.
Một số kĩ thuật được nhóm lại theo các nguyên tố tự nhiên như Hitsuke là kĩ thuật gây phân tán và đánh lạc hướng quân lính bằng cách nhóm lửa ở một địa điểm đã định.
Kĩ thuật Tanuki-gakure là trèo lên cây và ẩn mình trong tán lá, còn gọi là “kĩ thuật rừng”. Kĩ thuật Ukigusa-gakure sử dụng bèo tấm trên mặt nước để ngăn cho sóng nước chuyển động, giúp ẩn mình tốt hơn. Để rèn luyện kĩ thuật Ukigusa-gakure, các ninja từ bé đã phải ngâm mình dưới nước, miệng ngậm ống sậy và tập thở trong nhiều giờ.
Kĩ thuật Uzura-gakure giúp cuộn mình như quả bóng và nằm im để giống tảng đá. Đây thường được gọi là kĩ thuật “đất”. Màu áo tối của ninja cũng giúp họ dễ thực hiện kĩ thuật “hóa đá” hơn.
Những biện pháp và kĩ thuật ninja này thường sử dụng trong ám sát, phá hoại nhằm mục đích tấn công chớp nhoáng vào ban đêm.
Đôi khi, họ tấn công trên địa hình nhỏ như bụi cây rậm, hành lang hẹp hoặc phòng truyền thống kiểu Nhật. Lúc này ninja sẽ cần những vũ khí ngắn và cơ động. Ninja thường tránh trực chiến với kẻ địch, vậy nên kĩ thuật của họ thiên về né tránh quân thù và lẩn trốn trong trường hợp thất bại.
Thuật ẩn mình
Tranh khắc gỗ ninja chiến đấu với quái vật rắn năm 1843.
Kĩ thuật ẩn mình phổ biến và được viết khá nhiều. Nó không phải là sự tàng hình hoàn toàn như nhiều người tưởng tượng mà đơn giản chỉ là hóa thân thành các linh mục, anh hề, thầy bói hoặc lái buôn. Tác giả Buke Myōmokushō viết: “Ninja là những người có cách thức bí mật, hoạt động ở vùng núi và tự trà trộn vào quân địch mà không bị phát hiện. Họ là chuyên gia thu thập thông tin mật”.
Những bộ trang phục vùng núi có tên yamabushi rất phù hợp trong việc di chuyển đường dài. Những chiếc áo thụng của thầy tu cho phép họ giấu các vũ khí, chẳng hạn như kiếm hoặc phi tiêu sắc nhọn. Hóa thân thành người hát rong có thể giúp ninja xâm nhập lâu đài của kẻ địch mà không bị nghi ngờ. Biến thành một vị sư cũng rất phù hợp vì ninja thường đội một chiếc mũ rất lớn có thể giấu phi tiêu dễ dàng.
Để luyện tập thuật hóa thân thành thục, theo sử gia Turnbull, các ninja đều phải bắt đầu bằng các bài tập quan sát và mô phỏng. Sau khi nắm được các đặc trưng nghề nghiệp, các ninja mới luyện tập hóa thân vào các ngành nghề khác nhau.
______
Ngoài năng lực thể chất vượt trội, các ninja luôn “thủ” sẵn trong người hàng loạt binh khí đa dạng và nhiều công năng, sẵn sàng tiễn đối phương về miền cực lạc. Đón đọc kì 3: “9 loại vũ khí đáng sợ bậc nhất của ninja”.