Coi thường lực lượng này, 8 vạn quân Hồi giáo bị đánh tan

Ở thời kỳ đỉnh cao nhất, vương quốc Hồi giáo Umayyad đã đem 8 vạn quân tràn vào trung tâm nước Pháp, với tham vọng nhanh chóng chiếm cả Tây Âu trong thời gian ngắn.

Coi thường lực lượng này, 8 vạn quân Hồi giáo bị đánh tan - 1

Abdul Rahman al-Ghafiqi (giữa) là thống đốc cai quản Tây Ban Nha.

Năm 732, trong lúc thời kỳ đen tối bao phủ châu Âu, đế quốc La Mã suy tàn, đế chế Hồi giáo đại diện bởi vương quốc Umayyad trở thành một thế lực không thể ngăn chặn.

Chỉ sau 100 năm từ khi nhà tiên tri Mohammed qua đời, quân Hồi giáo chinh phục Bắc Phi, Tây Ban Nha, vùng Caucasus và Trung Đông với tốc độ chớp nhoáng

Những chiến binh đến từ sa mạc hung hãn, mạnh mẽ và đầy quyết tâm tràn qua cướp bóc các đế quốc cổ đại Tây La Mã, Byzantine (Đông La Mã) và Sassanid (Ba Tư).

Đội quân bất khả chiến bại

Đội quân của vương quốc Hồi giáo Umayyad tràn qua Tây Ban Nha, cực nam của châu Âu khá dễ dàng. Mục tiêu tiếp theo chính là miền nam và miền trung nước Pháp ngày nay.

Nếu đạt được điều này, đế chế Hồi giáo có thể nắm giữ quyền lực kinh tế và quân sự sánh ngang với nước Mỹ hiện đại.

Tuy nhiên, quân Hồi giáo không hề tính đến sự hiện diện của Frank, một dân tộc nói tiếng Đức chiến đấu kiên cường không hề kém cạnh. Người Frank trỗi dậy vào thời điểm đế quốc La Mã sụp đổ để thiết lập quyền kiểm soát ở Pháp và Bỉ.

Trong bối cảnh quân Hồi giáo đánh đâu thắng đó, chính người Frank là lực lượng đầu tiên trên thế giới ngăn chặn được đà bành trướng của đế chế Hồi giáo. Đỉnh cao của cuộc giao tranh này là trận chiến ở Tours, một thành phố thuộc trung tâm nước Pháp ngày nay.

Coi thường lực lượng này, 8 vạn quân Hồi giáo bị đánh tan - 2

Quân Hồi giáo đụng độ với người Frank ở Tours.

Abdul Rahman al-Ghafiqi, thống đốc cai quản Tây Ban Nha, dẫn đầu 80.000 quân tiến vào miền nam nước Pháp với mục đích mở rộng lãnh thổ và cướp bóc vùng Gaul trù phú.

Quân Hồi giáo bao gồm đội kỵ binh, chủ yếu là người Ả Rập và Berber, chuyên chiến đấu trên lưng ngựa, dựa vào lòng dũng cảm và sùng đạo để bù lại sự thiếu thốn về giáp trụ và cung nỏ, nhà sử học phương Tây Paul Davis chép lại.

Đội kỵ binh Hồi giáo chủ yếu đánh trận bằng đại đao và thương giáo. Phương pháp chiến đấu của họ là dùng đông đảo kỵ binh để phủ đầu quân địch. Chiến thuật này đã giúp họ tiến xa hàng nghìn km và đánh bại hàng chục kẻ thù. Nhưng điểm yếu của họ là tấn công thục mạng, không được huấn luyện bài bản cũng như không có khái niệm phòng thủ nếu đợt tấn công như vũ bão thất bại.

Nghênh đón quân Hồi giáo ở gần Tours là đội quân gồm 30.000 người do Charles Martel chỉ huy. Lối chiến đấu của người Frank hoàn toàn tương phản với kẻ thù. “Người Frank là những bộ binh dày dạn kinh nghiệm, mũ giáp đầy đủ và sử dụng chủ yếu vũ khí như kiếm và rìu”, Davis viết.

Thảm bại vì khinh thường kẻ địch

Coi thường lực lượng này, 8 vạn quân Hồi giáo bị đánh tan - 3

Trên thực tế, dấu hiệu thất bại của vương triều Umayyad trên mặt trận châu Âu đã manh nha xuất hiện từ năm 721. Tướng Al-Malik ibn Samh al-Khawlani thống lĩnh đội quân Hồi giáo tấn công người Frank trong trận Toulouse và không may bỏ mạng.

Chiến dịch xâm lược Pháp của quân Hồi giáo bị đình lại cho đến năm 732 vì những biến cố nội bộ. Nhưng suốt 12 năm, vương triều Umayyad vẫn tỏ ra khinh địch và không hề tìm hiểu sức mạnh thật của người Frank.

Đội quân người Frank vì lực lượng mỏng nên chỉ chủ động đón chặn quân Hồi giáo ở thành phố Tours (732). Đây cũng là khu vực có địa hình bằng phẳng, phù hợp để tướng người Frank, Charles Martel sử dụng đội hình Phalanx sở trường.

Phalanx là đội hình có nguồn gốc từ Hy Lạp, bao gồm bộ binh hạng nặng, trang bị giáo dài, chuyên chống lại kỵ binh đối phương.

Đội kỵ binh hạng nhẹ của vương triều Umayyad đóng vai trò cướp bóc làng mạc, vơ vét của cải đụng độ quân Frank suốt 7 ngày nhưng chỉ đánh những trận nhỏ chờ lực lượng chủ lực. Quân Hồi giáo cũng không nắm rõ được liệu tướng Martel có bao nhiêu quân bên kia chiến tuyến vì rừng cây che phủ.

Quân Frank cố thủ ở Tours khi đó đều là những người lính dày dạn kinh nghiệm, có những người đã chiến đấu và sống sót qua nhiều trận đánh đẫm máu từ năm 717.

Coi thường lực lượng này, 8 vạn quân Hồi giáo bị đánh tan - 4

Việc không thể phá vỡ thế trận của quân Frank khiến cho tư lệnh Abdul Rahman al-Ghafiqi có phần nôn nóng. Đó là thời điểm mùa đông đang đến gần. Quân Frank luôn sẵn sàng với quần áo chống rét còn đội kỵ binh tinh nhuệ Hồi giáo chỉ mặc quần áo mỏng, phù hợp với chiến trường Bắc Phi hơn là mùa đông châu Âu.

Chiến đấu với sở đoản nhưng đội kỵ binh Hồi giáo không phải thất bại hoàn toàn. Có thời điểm họ tưởng chừng như đã vượt qua đội hình Phalanx của người Frank. Nhưng tính kỷ luật và tinh thần quyết chiến của quân Frank khiến cho các kỵ binh Hồi giáo không có thời gian để kịp chiếm ưu thế.

Sử gia Paul Davis viết: “Trong cuộc diễn dữ dội, những người lính đến từ phương Bắc đứng thành hàng ngũ, tạo nên bức tường thành bằng đá. Họ vung thanh kiếm lớn chém xuống người Ả Rập mà không hề biết mệt mỏi”.

Với sở trường đánh nhanh thắng nhanh, quân Hồi giáo nhiều lần tìm cách tiêu diệt tướng Charles Martel nhưng không thành công. Ngược lại, Martel nắm rõ sở trường và sở đoản của kẻ địch.

Ông ra cắt một cánh quân đánh úp kho lương, tài sản mà quân Hồi giáo cướp được từ Bordeaux. Cứ như vậy, đội kỵ binh Hồi giáo lại phải rút một phần lực lượng về chi viện. Việc di chuyển đội ngũ liên tục khiến cho Abdul Rahman al-Ghafiqi để lộ sơ hở và bị quân Frank giết chết ngay trên chiến trường.

Coi thường lực lượng này, 8 vạn quân Hồi giáo bị đánh tan - 5

Tướng thống lĩnh quân Hồi giáo, Abdul Rahman al-Ghafiqi bỏ xác ở Tours.

Đến sáng ngày hôm sau, Martel vẫn ra lệnh cho binh sĩ triển khai đội hình chờ quân Hồi giáo đến nghênh chiến nhưng khi không thấy bóng dáng một ai, ông mới cho lính đi do thám và phát hiện ra đội quân của đế chế Hồi giáo hùng mạnh đã rút về Tây Ban Nha để bảo toàn số của cải còn lại.

Thất bại nặng nề ở Tours đánh dấu một trong những lần đầu tiên người Hồi giáo phải lùi bước khi sở hữu lực lượng hùng hậu gấp nhiều lần đối phương.

Các nhà sử học ngày nay nhận định, đội quân của Mertel là lực lượng thiện chiến nhất ở Tây Âu vào thời điểm đó. Nếu vượt qua Tours, quân Hồi giáo có thể sẽ dễ dàng nắm quyền kiểm soát một nửa châu Âu trong thời gian ngắn.

Nhưng vì thua cuộc mà mưu đồ bành trướng về phía tây của đế chế Hồi giáo Umayyad cũng dừng lại ở đó.

Sử gia người Mỹ Khalid Yahya Blankinship (sinh năm 1949) phân tích, thất bại ở Tours chính là một trong những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Umayyad vào năm 750.

“Chính từ trận thua ở Toulouse và Tours đã khiến đế chế Umayyad trở nên bất ổn, kéo theo sự nổi dậy của người Berber tại bán đảo Iberia và Bắc Phi vào năm 740”, ông Blankinship nói.

_______________

Ở mặt trận phía đông, đế chế Hồi giáo tung 10 vạn quân vào cuộc quyết chiến với quân đội nhà Đường. Bài viết tiếp theo sẽ khai thác cuộc đụng độ đầu tiên giữa người Ả Rập và Trung Quốc.

Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ

Cuộc đổ bộ của người Hồi giáo vào Tây Ban Nha đã mở ra một trang mới trong lịch sử và đánh dấu sự giao thoa đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những trận chiến lừng lẫy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN