Cố vấn an ninh Anh cảnh báo phương Tây về "lỗ hổng" nguy hiểm trong quan hệ với Nga, TQ

Sự kiện: Tin tức Anh

Một cố vấn an ninh quốc gia Anh cho biết các kênh ngoại giao ngầm giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc đã không còn hoạt động tốt như trước

Cố vấn an ninh quốc gia Anh Stephen Lovegrove (trái) gặp mặt người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hồi tháng 10/2021. Ảnh: EPA

Cố vấn an ninh quốc gia Anh Stephen Lovegrove (trái) gặp mặt người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hồi tháng 10/2021. Ảnh: EPA

Hãng Guardian hôm 27/7 đưa tin, Stephen Lovegrove - cố vấn an ninh quốc gia Anh - cảnh báo phương Tây có nguy cơ khơi mào xung đột hạt nhân với Nga hoặc Trung Quốc vì "đứt gãy liên lạc" với 2 cường quốc này. 

Ông Lovegrove, 55 tuổi, cho rằng "sự xói mòn" của các kênh ngoại giao ngầm làm tăng nguy cơ leo thang chiến tranh hạt nhân. 

Trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington (Mỹ), cố vấn an ninh quốc gia Anh cho rằng, sự xấu đi của quá trình giữ liên lạc giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc đã gây ra nguy cơ cao hơn về "xung đột chiến lược". 

"Dù không phải không có những xung đột đáng báo động nhưng NATO và Liên Xô thời chiến tranh Lạnh có một nhận thức chung về việc kiềm chế sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Lovegrove nói và cho rằng nhận thức đó ngày nay không còn rõ ràng ở một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Ông Lovegrove nói thêm: "Trong suốt chiến tranh Lạnh, chúng ta được hưởng lợi từ các cuộc đàm phán và đối thoại nhằm nâng cao hiểu biết về học thuyết, năng lực của Liên Xô và ngược lại. Điều này giúp phương Tây và Liên Xô tin tưởng rằng đôi bên sẽ không tính toán sai lầm dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ngày nay, chúng ta không có chung nền tảng với một số cường quốc khác - có thể đe dọa đến chúng ta trong tương lai, nhất là Trung Quốc. Nước Anh ủng hộ mạnh mẽ các cuộc đàm phán mà ông Biden đề xuất với Trung Quốc". 

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 28/7 (giờ địa phương). Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ tháng 3 và được xem là nỗ lực xoa dịu căng thẳng liên quan tới đảo Đài Loan. 

Các binh sĩ Đài Loan đã diễn tập chiến đấu để đối phó với viễn cảnh xung đột quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh gia tăng, liên quan tới kế hoạch ghé thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. 

Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời và nếu cần, có thể thu hồi bằng vũ lực. 

Năm ngoái, Bắc Kinh đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng bay vòng quanh thế giới trước khi nhắm trúng mục tiêu. Trung Quốc, Nga và Mỹ đều đang phát triển tên lửa siêu thanh di chuyển với tốc độ gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh và có thể cơ động trên không. 

Cố vấn an ninh quốc gia Anh Lovegrove khen ngợi quyết định của Nhà Trắng trong việc xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc nhưng cũng nhấn mạnh rủi ro của việc Bắc Kinh đạt được những tiến bộ công nghệ. 

"Chúng ta có những lo ngại rõ ràng về chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc - sẽ làm tăng số lượng và chủng loại vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của Bắc Kinh", ông Lovegrove nói. 

Tiêm kích MIG-31 mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Ảnh: EPA

Tiêm kích MIG-31 mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Ảnh: EPA

Nga trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng hệ thống siêu thanh trong chiến sự khi phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal vào Ukraine. Điện Kremlin tuyên bố tên lửa Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. 

Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga, hồi đầu tháng này tuyên bố, việc phương Tây ủng hộ Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ vụ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. 

Ông Lovegrove cho rằng các công ước và hiệp ước hiện có như công ước về vũ khí hóa học hay hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn giữ vai trò "quan trọng", nhưng thế giới vẫn cần một hệ thống kiểm soát vũ khí hiện đại. 

Nga tuyên bố không tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân

Sau khi hội nghị đầu tiên của các quốc gia tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân kết thúc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã nêu lý do Moscow không tham gia hiệp ước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bằng Lâu - Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN