Cơ trưởng MH370 đâm xuống biển để cứu hàng ngàn người?
Giả thuyết mới nhất cho rằng phi công lái chiếc MH370 đã có hành động anh hùng chứ không phải cố tình tự sát.
Cơ trưởng Zaharie được cho là đã cố tình lao xuống Ấn Độ Dương để tránh thảm họa xảy ra cho người dưới đất.
Một giả thuyết mới được công bố cho rằng sự biến mất bất ngờ của chiếc MH370 ở Ấn Độ Dương là hành động đầy quả cảm của cơ trưởng. Theo đó, phi công Zaharie Ahmad Shah đã lái chiếc máy bay đâm xuống biển để tránh lao vào khu dân cư đông đúc phía dưới, thậm chí có thể lao vào một tòa nhà giống như vụ khủng bố 11.9 ở Mỹ. Nhờ vậy, rất có thể Zaharie đã cứu mạng hàng ngàn người.
Michael Gilber từ trung tâm hàng không Australia khẳng định chiếc máy bay xấu số gặp hỏa hoạn khi bay buộc cơ trưởng Zaharie phải chọn lộ trình khác. Lúc này, bên dưới là các thành phố đông đúc nên phi công Zaharie không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bay ra biển.
Chiếc MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã gặp nạn và biến mất khỏi màn hình radar hồi tháng 3.2014.
Ông Gilber và cộng sự đã dành 18 tháng nghiên cứu các vấn đề kĩ thuật có thể phát sinh với chiếc máy bay gặp nạn. Trên khoang lúc đó có 239 hành khách và phi hành đoàn.
Nhiều chuyên gia đổ lỗi cho phi công và xem đây là hành động cố ý tự sát của Zaharie. Họ đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy phi công này gặp trắc trở về chuyện tình cảm và muốn quyên sinh.
Ông Gilber xem xét hồ sơ chiếc máy bay và khẳng định một lỗi kĩ thuật ở hệ thống kính chắn gió đã khiến ngọn lửa bốc lên nhanh chóng và lan ra cả khoang. “Lửa phát ra ở kính chắn gió có thể giải thích cho nguyên nhân máy bay mất liên lạc và gián đoạn kênh giao tiếp vệ tinh”, Gilber đưa ra giả thuyết.
Một phần cánh máy bay tìm thấy ở đảo Phục Sinh.
Vị chuyên gia này cho rằng lửa bốc lên đã khiến máy bay phải chuyển hướng sang Penang. Khoang lái rò rỉ oxy càng khiến lửa cháy to hơn.
“Ban đầu là khói bốc lên nên phản ứng đầu tiên của tổ bay là đeo mặt nạ dưỡng khí. Tôi cho rằng cơ trưởng đã rời vị trí lái để lấy bình cứu hỏa. Oxy cung cấp tụt nhanh chóng và cơ trưởng Zaharie không còn cách nào để lái máy bay xuống đất an toàn. Lúc đó là ban đêm, trời tối và không có mặt trăng hay thiết bị nào trợ giúp”.
Gilbert đặt ra giả thuyết phi công đã lái máy bay rời khỏi eo Malacca đông đúc và trực chỉ hướng Ấn Độ Dương. Đó là lộ trình an toàn nhất cho người bên dưới nếu máy bay gặp nạn.
“Tôi tin rằng phi công Zaharie đã làm giống những cơ trưởng khác trong tình thế hiểm nghèo – lái máy bay cách xa khu dân cư”, Gilbert nhấn mạnh. “Sau đó, chiếc máy bay di chuyển chừng 200km thì hết nhiên liệu và rơi xuống biển”.
Chuyên gia tư vấn an toàn bay John Cox cho rằng giả thuyết này cũng là điểm đáng lưu ý. “Giống nhiều giả thuyết khác, thông tin mà Gilbert đưa ra gồm rất nhiều bằng chứng. Dù vậy, chúng ta nên thận trọng cân nhắc và xem xét tổng thể quá trình nghiên cứu”.
Giả thuyết cơ trưởng Zaharie có hành động anh hùng xuất hiện vài tháng sau lời đồn đoán cho rằng ông tự tử vì hôn nhân đổ vỡ. Một mảnh vỡ tìm thấy ở ngoài khơi Tanzania đầu năm nay cho thấy cánh lái không được sử dụng và loại trừ khả năng đây là một vụ hạ cánh xuống biển có chủ đích.